Giảng viên, sinh viên giữa tâm dịch: Nhà trường chia sẻ, đồng hành lúc khó khăn

GD&TĐ - Dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng đến đời sống của không ít giảng viên, sinh viên sống giữa tâm dịch. Nhằm chia sẻ những khó khăn với giảng viên, sinh viên, Trường ĐH Luật TP.HCM đã có nhiều chính sách hỗ trợ.

Đội sinh viên tình nguyện của Trường ĐH Luật TP.HCM trao quà hỗ trợ cho người dân khó khăn sống giữa tâm dịch.
Đội sinh viên tình nguyện của Trường ĐH Luật TP.HCM trao quà hỗ trợ cho người dân khó khăn sống giữa tâm dịch.

Song hành với sinh viên giữa tâm dịch

Ngay khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, buộc TP phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, các khoa của Nhà trường đã thực hiện công tác rà soát xem số lượng sinh viên bị "mắc kẹt" lại TP để lên kế hoạch hỗ trợ. Bên cạnh việc thực hiện nhiều hoạt động kêu gọi các cựu sinh viên, mạnh thường quân để hỗ trợ tiền sinh hoạt phí cho các sinh viên của Khoa, Ban giám hiệu Trường ĐH Luật TP.HCM cũng đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp cho mỗi sinh viên 1,5 triệu đồng. 

Ngoài việc hỗ trợ khẩn cấp cho 391 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên tổng số 1.064 sinh viên đang ở lại TP, Đoàn trường cũng đã kịp thời hỗ trợ 300 phần nhu yếu phẩm cho 300 sinh viên tại các nhà trọ, mỗi phần trị giá từ 700 nghìn đồng đến 1 triệu đồng, gồm gạo, đồ hộp, mì tôm, rau củ quả, gia vị,…

Các Khoa trong trường cũng kịp thời kêu gọi, vận động hỗ trợ được 400 phần quà cho 400 sinh viên, góp phần giúp sinh viên vượt qua khó khăn trong cuộc sống giữa bối cảnh TP giãn cách xã hội.

Ông Nguyễn Thành An- Giám đốc Trung tâm Quan hệ Doanh nghiệp và Hỗ trợ sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM cho biết: Không chỉ hỗ trợ sinh viên về vật chất, tinh thần, Nhà trường cũng đặc biệt quan tâm và hỗ trợ sinh viên khi chuyển qua học tập trực tuyến.

Sinh viên ĐH Luật TPHCM chuẩn bị các phần quà để tiếp sức cho sinh viên gặp khó khăn của nhà trường.
Sinh viên ĐH Luật TPHCM chuẩn bị các phần quà để tiếp sức cho sinh viên gặp khó khăn của nhà trường.

"Khi chuyển sang dạy học trực tuyến, Nhà trường đã hỗ trợ ngay cho mỗi người học 200 nghìn đồng để nâng cao chất lượng đường truyền học trực tuyến, tổ chức phát hành sách, tài liệu học theo hình thức online, chuyển phát nhanh đến tận nhà cho sinh viên, thư viện của trường cũng được yêu cầu chuyển đổi phương thức, phát huy tối đa hình thức khai thác học liệu điện tử, tăng cường các bài giảng trên kho dữ liệu elearning…

Bên cạnh, đó Trung tâm Quan hệ Doanh nghiệp và Hỗ trợ sinh viên cũng liên kết với FPT shop để triển khai chương trình ưu đãi, giảm giá cho sinh viên khi mua laptop, điện thoại thông minh phục vụ học trực tuyến"- ông An nói.  

Để hỗ trợ sinh viên, phụ huynh trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, Trường ĐH Luật TPHCM ngoài các chính sách học bổng hơn 15 tỉ đồng dành cho sinh viên, Nhà trường cũng quyết định không tăng học phí trong năm học mới. 

Đồng thời, bắt đầu từ học kỳ I, năm 2021 – 2021, Nhà trường sẽ triển khai cấp học bổng cho sinh viên chính quy văn bằng 1, cụ thể: tại thời điểm sinh viên nộp chứng chỉ MOS, sinh viên được nhận học bổng tương ứng khi đang học năm thứ 1 (nhận 1.000.000 đồng), khi đang học năm thứ 2 (nhận 800.000 đồng), khi đang học năm thứ 3 (nhận 500.000 đồng).

Về mặt chăm lo đời sống tinh thần, việc làm cho sinh viên, Trường ĐH Luật TP.HCM cũng đồng loạt tổ chức nhiều hoạt động tham vấn tâm lý, chia sẻ với sinh viên nhiều vấn đề về cơ hội việc làm, giữ gìn sức khỏe... trong mùa dịch.

Ngoài chuỗi Tư vấn tâm lý mùa dịch cho sinh viên với các chủ đề cân bằng cuộc sống và công việc mùa dịch, giải quyết nỗi lo việc làm sau tốt nghiệp, tư vấn chăm sóc sức khỏe và tạo động lực, tâm lý tích cực cho sinh viên trong mùa dịch… Trường ĐH Luật TP.HCM cũng đã tổ chức nhiều đội tham vấn học tập.

Trong quá trình học tập sinh viên nếu khó khăn hoặc có vướng mắc gì thì liên hệ trực tiếp với giảng viên, cố vấn học tập hay các phòng, trung tâm chức năng của Nhà trường để được giải đáp, hỗ trợ một cách nhanh chóng và chính thống.

Cán bộ, giảng viên, sinh viên Nhà trường cũng không ngại khó, nguy hiểm để sẵn sàng tình nguyện vào tâm dịch hỗ trợ TP chống dịch.
Cán bộ, giảng viên, sinh viên Nhà trường cũng không ngại khó, nguy hiểm để sẵn sàng tình nguyện vào tâm dịch hỗ trợ TP chống dịch.

Hỗ trợ giảng viên, chung tay vì cộng đồng

Không chỉ chăm lo, hỗ trợ đời sống tinh thần cho sinh viên, Trường ĐH Luật TP.HCM còn đặc biệt quan tâm đến đời sống cán bộ, giảng viên nhà trường trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp. 

PGS.TS Trần Hoàng Hải-Quyền hiệu trưởng Nhà trường cho biết có thể nói việc lãnh đạo Trường ĐH Luật TP.HCM đánh giá, dự liệu tình hình diễn biến của dịch bệnh một các tương đối chính xác đã giúp Nhà trường có nhiều quyết sách phù hợp để vừa duy trì hoạt động bình thường vừa đảm bảo hỗ trợ kịp thời cho sinh viên, giảng viên gặp khó khăn.

Chúng tôi đã thành lập và duy trì các Tổ phản ứng nhanh bao gồm các thành viên là Tập thể lãnh đạo, lãnh đạo tất cả các đơn vị, đoàn thể đã kịp nắm bắt nhanh tất cả các trường hợp cán bộ, giảng viên, chuyên viên của nhà trường gặp khó khăn. Qua đó xây dựng các chính sách hỗ trợ thiết thực nhất. 

" Đơn cử như, nếu Đoàn viên công đoàn, người lao động là F0 đang điều trị bệnh tại các bệnh viện, được hỗ trợ 5.500.000 đồng/người và một phần nhu yếu phẩm gồm thuốc men và các vật dụng cần thiết. Trường hợp đang điều trị tại nhà thì được hỗ trợ 4.500.000 đồng/người. Đối với con của đoàn viên công đoàn, người lao động trường hợp là F0, F1 thì được hỗ trợ từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng/cháu.

Đoàn viên công đoàn, người lao động là F1 thuộc diện đang áp dụng biện pháp cách ly tập trung theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì mức hỗ trợ là 500.000 đồng/người. Trường hợp, đoàn viên công đoàn, người lao động buộc phải nghỉ việc do đang cư trú trong khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nếu có khó khăn trong việc mua lương thực, thực phẩm hoặc hàng hóa thiết yếu phục vụ sinh hoạt, Ban Chấp hành Công đoàn và các tổ công đoàn hỗ trợ muagiúp các mặt hàng này.

Đối với Cán bộ công đoàn cơ sở (từ tổ trưởng trở lên) tham gia chống dịch tại trường theo quyết định; tham gia trực tiếp vào việc tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát; tham gia truy vết, xét nghiệm theo yêu cầu của Nhà trường được hỗ trợ từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng/người/ngày (kể cả ngày nghỉ, ngày lễ) tùy theo tính chất, mức độ, công việc và số ngày thực tế chống dịch, nhưng tối đa không quá 1.500.000 đồng/người.

Những chính sách hỗ trợ trên tuy không lớn. Nhưng nó là tâm huyết, là trách nhiệm và cả sự sẻ chia mà lãnh đạo Nhà trường luôn tâm niệm thực hiện cho cán bộ, giảng viên, công nhân viên của Trường"- PGS.TS Trần Hoàng Hải chia sẻ. 

Một sinh viên nhận phần quà hỗ trợ của Nhà trường.
Một sinh viên nhận phần quà hỗ trợ của Nhà trường.

Ngoài các chính sách hỗ trợ người trong trường, để chung tay với TP tiếp thêm sức mạnh, tinh thần chống dịch, Nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động như vận động cán bộ giảng viên và người học tham gia nhắn tin, đóng góp cho quỹ vắc xin của TP với số tiền hàng trăm triệu đồng.

Tham gia các tổ tư vấn chính sách của TP để có những đóng góp trực tiếp vào công tác phòng chống dịch bệnh tại TP. Bên cạnh đó, Nhà trường chủ động triển khai chương trình “San sẻ yêu thương – Vượt qua Covid 19” để hỗ trợ cho cán bộ, giảng viên, đặc biệt là sinh viên của Nhà trường tại các khu nhà trọ, khu cách ly, phong tỏa nhằm giảm áp lực cho các địa phương.

"Lãnh đạo Nhà trường đã giao Đoàn, Hội sinh viên thành lập 3 đội sinh viên xung kích tham gia hỗ trợ các Quận Phú Nhuận, Quận 4 và TP Thủ Đức với số lượng gần 100 sinh viên, các sinh viên này tham gia hỗ trợ công tác nhập liệu, hướng dẫn công tác tiêm ngừa và các hoạt động khác tại các địa phương.

Bên cạnh đó, nhiều thầy, cô giáo của Nhà trường tham gia rất tích cực công tác xã hội như đứng ra vận động đóng góp các nhu yếu phẩm cho y bác sĩ, bệnh nhân tại các bệnh viện và trang thiết bị, máy thở oxy tại các bệnh viện dã chiến.

Những hoạt động thiết thực trên cho thấy rõ quan điểm của Nhà trường là dốc hết sức mình vì đội ngũ và cộng đồng để sớm cùng TP đẩy lùi dịch bệnh"- PGS.TS Trần Hoàng Hải nhấn mạnh. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ