Giảng viên nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu: Nặng lòng với bữa ăn của người bệnh

Giảng viên nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu: Nặng lòng với bữa ăn của người bệnh

Học trò trường làng trở thành tiến sĩ ở Nhật

PGS.TS Phạm Văn Hùng sinh ra trong gia đình công chức nghèo tại xã ven biển Quảng Nham, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), nơi có đến 90% dân số sống bằng nghề chài lưới. Mặc dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng bố mẹ anh luôn khuyến khích và động viên các con học hành.

Học trường làng nhưng Phạm Văn Hùng tham gia nhiều kỳ thi học sinh giỏi Toán của huyện và từng đoạt giải Nhì vào năm lớp 8. Được gọi vào học lớp chuyên Toán của tỉnh, nhưng vì điều kiện không cho phép nên anh chọn thi vào lớp 10 khóa đầu tiên của Trường THPT Quảng Xương 4 - trường cấp 3 mới thành lập của tỉnh, sau đó thi đỗ vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Tốt nghiệp ĐH với tấm bằng giỏi và là một trong 30 sinh viên xuất sắc nhất khóa 38, anh được giữ lại trường. Với mục tiêu ra nước ngoài học để nâng cao kiến thức, anh học cao học, tiếng Anh để tìm học bổng. Năm 2001, Phạm Văn Hùng bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ với thành tích xuất sắc và nhận được học bổng đi học tiến sĩ tại Trường ĐH Osaka, Nhật Bản.

Sau khi nhận bằng tiến sĩ tại đất nước mặt trời mọc, anh tiếp tục tham gia các chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ tại Nhật và Canada, đồng thời xuất bản nhiều công trình nghiên cứu trên tạp chí khoa học chuyên ngành uy tín. Tuy nhiên, với mong muốn góp sức xây dựng quê hương, PGS.TS Phạm Văn Hùng về nước vào năm 2009 và công tác tại Bộ môn Công nghệ thực phẩm thuộc khoa Công nghệ sinh học của IU - VNU.

PGS Hùng còn là một trong những người đầu tiên tham gia xây dựng chương trình giảng dạy ngành Công nghệ thực phẩm bằng tiếng Anh tại IU - VNU và là Trưởng Bộ môn Công nghệ thực phẩm của trường từ năm 2014 - 2018.

Dạy học gắn với nghiên cứu

Giảng viên nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu: Nặng lòng với bữa ăn của người bệnh ảnh 1
SV khoa Công nghệ sinh học IU - VNU trong giờ học thí nghiệm. Ảnh: NVCC

Mặc dù bận rộn với công tác giảng dạy và quản lý, nhưng PGS.TS Phạm Văn Hùng vẫn chú trọng nghiên cứu khoa học (NCKH), công bố nhiều công trình trên các tạp chí chuyên ngành uy tín. PGS Hùng đã có hơn 60 bài báo khoa học trên các tạp chí thuộc danh mục ISI và 30 bài báo trên tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế khác; anh từng hướng dẫn 10 học viên cao học và hiện hướng dẫn ba nghiên cứu sinh; thực hiện nhiều đề tài các cấp và tham gia nghiên cứu với chuyên gia trên thế giới.

Công trình “Nghiên cứu khả năng kháng tiêu hóa và khả năng sinh đường của các loại tinh bột gạo và tinh bột gạo biến đổi bằng phương pháp vật lý” đã giúp PGS Hùng nhận được giải thưởng chính Tạ Quang Bửu năm 2018. “Đây cũng là công trình được đăng trên tạp chí Food Chemistry - tạp chí khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực Sinh học nông nghiệp, được SCIMAGO xếp hạng 9/273 tạp chí chuyên ngành công nghệ thực phẩm. Kết quả nghiên cứu này có ý nghĩa cả về mặt khoa học và ứng dụng thực tiễn trong các lĩnh vực công nghệ sinh học, khoa học dinh dưỡng, công nghệ thực phẩm và chuyên ngành hóa hữu cơ” - PGS Phạm Văn Hùng chia sẻ.

Theo PGS Hùng, Việt Nam có tỷ lệ người mắc bệnh thừa cân, béo phì và đái tháo đường tăng lên đáng kể trong thời gian gần đây, đặc biệt ở lứa tuổi học sinh. Nguyên nhân chính gây bệnh do cơ thể bị rối loạn chuyển hóa carbohydrate khi hormon insulin của tụy bị thiếu hụt, giảm tác động trong cơ thể, biểu hiện ở mức đường trong máu luôn cao. Đối với người mắc bệnh béo phì và đái tháo đường, ngoài việc uống thuốc hỗ trợ, cần phải có chế độ ăn hạn chế carbohydrate.

Do đó, vấn đề nghiên cứu phát triển sản phẩm sinh đường thấp nhằm phòng chống bệnh béo phì và tiểu đường quan trọng và cần thiết. Từ thực tế trên cùng với kiến thức và kinh nghiệm nghiên cứu có được ở nước tiên tiến, anh và cộng sự đã tiến hành nghiên cứu tạo ra các loại tinh bột biến đổi có khả năng kháng tiêu hóa và sinh đường thấp dành cho bệnh nhân béo phì và đái tháo đường. Kết quả nghiên cứu này sau khi công bố trên tạp chí uy tín được các nhà khoa học trên thế giới sử dụng làm tiền đề cho nghiên cứu tiếp theo. Công trình nghiên cứu đã nhận được hơn 2.500 trích dẫn bởi các nhà khoa học trên thế giới.

“Để phổ biến rộng rãi hơn về kết quả của những nghiên cứu về vấn đề này, tôi đã xuất bản cuốn Tinh bột kháng tiêu hóa: Sản xuất và ứng dụng. Đây là công trình tổng hợp kết quả nghiên cứu được thực hiện từ những ý tưởng đã ấp ủ trong 20 năm từ khi bắt đầu thực hiện với mong muốn đem lại kiến thức mới, ý tưởng mới không những cho các nhà nghiên cứu, sinh viên các trường đại học, mà còn là kiến thức phổ thông về dinh dưỡng cho toàn thể người dân quan tâm tham khảo” - PGS.TS Phạm Văn Hùng cho biết.

Giảng dạy là đem kiến thức mình có được truyền đạt lại cho thế hệ sau. Tuy nhiên với sự hỗ trợ mạnh mẽ của công nghệ, kiến thức không còn là một khối vững chắc mà đang thay đổi từng ngày, từng giờ. Do đó cần phải kết hợp nghiên cứu khoa học và giảng dạy để luôn đưa đến cho sinh viên kiến thức mới mẻ cùng với các kiến thức cơ bản. Có như vậy, công việc giảng dạy mới trở nên thú vị. PGS.TS Phạm Văn Hùng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ