Giảng viên muốn làm thợ vì… “mê phẫu thuật” ô tô

GD&TĐ - Đam mê, từng xin phụ việc không lương tại các garage sửa ô tô, giảng viên Lê Hữu Chúc (khoa Công nghệ ô tô, Đại học Công nghiệp Hà Nội) đã trở thành người “bắt bệnh” cho xe.

ThS Lê Hữu Chúc đam mê nghiên cứu bên những cỗ máy đầy dầu mỡ.
ThS Lê Hữu Chúc đam mê nghiên cứu bên những cỗ máy đầy dầu mỡ.

Thầy đi làm như thợ

ThS Lê Hữu Chúc nguyên là sinh viên Đại học Giao thông Vận tải. Niềm đam mê với ô tô của anh bắt nguồn từ việc cho rằng “ngành ô tô Việt Nam có nhiều tiềm năng và sẽ sớm bùng nổ, cơ hội việc làm cũng sẽ nhiều hơn”.

Hơn 10 năm kể từ khi ra trường, Chúc đã “bắt bệnh” hàng trăm chiếc xe. Anh mở trung tâm đào tạo, xây dựng các khóa học về công nghệ ô tô, thu hút hàng ngàn học viên tham dự.

“Ngày còn là sinh viên, tôi đã nghĩ rằng kiến thức trong trường là cần thiết, nhưng kỹ năng thực tế cũng không thể thiếu. Tôi quyết định chọn cách cứ rảnh rỗi là ra garage gần nhà xin phụ việc làm không lương, kết hợp học lái ô tô.

Va chạm thực tế mới thấy, ngoài kiến thức, kinh nghiệm, ngoại ngữ cũng là yếu tố không thể thiếu để hiểu về ô tô. Vào các buổi tối, tôi đi học thêm ngoại ngữ. Hành trang để khởi nghiệp bằng con đường hiểu về ô tô bắt đầu từ đó”, anh Lê Hữu Chúc chia sẻ.

Giai đoạn đó, có những ngày đi cứu hộ xe giữa trời nắng trên 40 độ C, anh vẫn cảm thấy hồ hởi, vui vẻ. Nhiều khi đẩy xe ô tô mà sờ vào vỏ xe, cảm giác bỏng cả tay. Việc tự tạo môi trường để va chạm với nghề khi còn là sinh viên giúp Chúc có hành trang “rủng rỉnh” sau khi ra trường. Năm 2010, anh trở thành giảng viên Đại học Công nghiệp Hà Nội.

“Khi bắt đầu làm giảng viên, tôi vẫn đau đáu câu hỏi là phải làm được một cái gì đó cho ngành, cho những người học ô tô. Bản thân mình là người rất yêu nghề, thích mày mò, tìm hiểu các máy móc, trang thiết bị.

Với nền tảng kiến thức lý thuyết cơ bản, tiếng Anh chuyên ngành tạm ổn, nên khi về trường làm giảng viên, tôi liên tục tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu, tháo lắp các hệ thống, chi tiết, cụm chi tiết trên ô tô như động cơ, hộp số, cầu chủ động, hệ thống phanh, hệ thống lái, các loại bơm…

Tôi chủ động học hỏi các thế hệ đàn anh, các thầy đi trước, thường xuyên cập nhật công nghệ trên ô tô, học cao học. Vào dịp hè là tôi xin ra ngoài các garage của hãng để tiếp tục nâng cao tay nghề, tìm hiểu các mô hình làm việc.

Tôi không có tâm lý ngại mình là thầy mà lại đi làm như thợ, thậm chí ra ngoài làm còn gặp cả sinh viên cũ. Chỉ khi mình cho mình về “Không” ở tâm thế của người thấp nhất, người đi học thì mình sẽ học và đón nhận được nhiều nhất”, giảng viên Lê Hữu Chúc chia sẻ.

Đầu năm 2015, ThS Chúc và những người bạn mở trung tâm đào tạo nghề ô tô mang tên EAC (Earth Automotive Centre). Mục đích nhằm hỗ trợ kỹ thuật cho anh em thợ, kỹ thuật viên ô tô, cố vấn dịch vụ, các chủ garage, sinh viên… Đây là những người có đam mê công nghệ ô tô nhưng chưa có điều kiện trải nghiệm thực tế.

Đa phần chưa làm chủ được những công nghệ khó trên ô tô đặc biệt là phần điện điều khiển, số tự động, công nghệ chẩn đoán, các phần mềm, tiếng Anh chuyên ngành… trên ô tô. Sau khi thành lập trung tâm đào tạo một thời gian thì garage ô tô EAC Auto Service cũng ra đời. 

“Bắt bệnh” cho xe rất vô cùng

Để “bắt bệnh” chuẩn xác cho xe, theo ThS Chúc, cần 3 yếu tố. Người kỹ thuật viên cần có kiến thức, kỹ năng. Hiểu về vài trò, kết cấu, nguyên lý làm việc của các hệ thống, các tổng thành, các chi tiết, cụm chi tiết trên ô tô.

Phần này thường được trang bị ở trong trường, trong các trung tâm đào tạo ô tô hoặc trực tiếp tại gara ô tô.

Người bắt bệnh cần có kinh nghiệm thực tế, nhiều năm chẩn đoán sửa chữa, mày mò trên các dòng xe khác nhau. Làm đi làm lại nhiều lần những dạng hư hỏng thường gặp ở trên những dòng xe cụ thể.

Đối với các dòng xe mới hiện nay ngoài kiến thức, kinh nghiệm ra, người thợ sửa chữa ô tô muốn chẩn đoán được “bệnh” cần phải nắm được công nghệ. Họ phải có kỹ năng tra cứu thông tin, phải biết tiếng Anh, phải biết sử dụng các phần mềm chuyên dụng của ngành ô tô (Alldata, Autodata, Ondemand, GDS…), cẩm nang sửa chữa, các loại máy chẩn đoán đa năng, chuyên hãng, chuyên dùng khác nhau.

“Việc “bắt bệnh” cho xe cũng như thầy thuốc vậy. Tìm được đúng bệnh mới chữa được hết bệnh, khỏi bệnh. Tất nhiên ô tô là một sản phẩm công nghệ vô cùng phức tạp, rất nhiều dòng xe, đời xe khác nhau nên không ai nói giỏi được hết cả.

Càng các dòng xe đời cao càng hiện đại, nhiều công nghệ mới. Do vậy, xác suất nhầm lẫn là vẫn có, xác suất không sửa được cũng có”, anh chia sẻ. Để giảm thiểu xác suất sai thì cần có hệ thống máy móc, máy chẩn đoán, đồ chuyên dụng, đồ thay thế…

Trong quá trình “hành nghề”, Chúc gặp nhiều “ca bệnh” phức tạp. Ví dụ gần đây nhất,  ngày 2/6, một khách hàng ở Gia Lâm (Hà Nội) đưa chiếc xe Ford Escape 3.0 V6 AT đến garage EAC để sửa.

Khách hàng cũng chính là thợ đã đem xe đi nhiều nơi mà không sửa được. Mất 2 ngày “đánh vật” liên tục, anh em trong garage mới xử lý xong “ca bệnh”. Nguyên nhân do sai tín hiệu trục đầu vào và trục trung gian.

Với bệnh này, chưa tìm được ra thì rất khó nhưng khi tìm ra rồi thì lại thấy rất đơn giản, vì nó chỉ là phần điện. Tiền dịch vụ sửa chữa hết chỉ 1 triệu đồng, nhưng khách nhất quyết đưa 2 triệu.

Hiện nay, ngoài công việc ở trường, một hoạt động mà giảng viên Lê Hữu Chúc dành nhiều tâm huyết là các khóa học, đào tạo về ô tô. Nội dung các khóa học gồm có chẩn đoán điện ô tô, đào tạo nghề ô tô toàn diện, sửa chữa hộp số tự động, cố vấn dịch vụ chuyên nghiệp, kỹ năng sale ô tô, khóa học Online tiếng Anh chuyên ngành ô tô thực chiến.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên trung tâm đào tạo ô tô EAC của anh tạm thời phải đóng cửa được hơn 3 tháng. “Hy vọng dịch bệnh sớm qua để mọi hoạt động được trở lại bình thường”, anh chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.