Giảng viên kết nối cộng đồng doanh nghiệp hỗ trợ nguồn lực cho nhà trường

GD&TĐ - TS Trần Hoàng Vũ, Trưởng khoa Điện – Điện tử, Trường Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng vừa được bình chọn là Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2024.

Tiến sĩ Trần Hoàng Vũ trong một giờ dạy thực hành cho sinh viên khoa Điện – Điện tử, Trường Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng.
Tiến sĩ Trần Hoàng Vũ trong một giờ dạy thực hành cho sinh viên khoa Điện – Điện tử, Trường Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng.

Giữ lửa đam mê nghiên cứu khoa học

Sinh năm 1980, TS Trần Hoàng Vũ cho biết, thời điểm vừa tốt nghiệp đại học, bản thân đã rất phân vân giữa việc chọn gia nhập môi trường doanh nghiệp và tiếp tục con đường học thuật. “Tuy nhiên, niềm đam mê nghiên cứu và mong muốn đóng góp vào lĩnh vực giáo dục đã thúc đẩy tôi lựa chọn trở thành giảng viên và tiếp tục học lên cao hơn. Quyết định này cho phép tôi không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn tham gia vào các dự án nghiên cứu, đóng góp vào sự phát triển của ngành và hỗ trợ sinh viên trong quá trình học”, TS Trần Hoàng Vũ chia sẻ.

ts-tran-hoang-vu-truong-dai-hoc-su-pham-ky-thuat-da-nang.jpg
TS Trần Hoàng Vũ đứng lớp các chương trình kết nối giáo dục STEM với trường phổ thông do

Theo TS Trần Hoàng Vũ, với giảng viên công tác trong môi trường đại học thì kết quả nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm thực tiễn từ doanh nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng trong công tác giảng dạy, đặc biệt đối với các giảng viên khối kỹ thuật – thực hành. Chỉ tính riêng trong 5 năm, từ 2017 – 2022, TS Trần Hoàng Vũ công bố được khoảng 15 bài báo khoa học đăng tạp chí, hội thảo trong và ngoài nước. Chủ biên 1 cuốn giáo trình phục vụ công tác giảng dạy xuất bản năm 2022.

Ngoài ra, TS Trần Hoàng Vũ còn tham gia 2 đề tài cấp nhà nước. Trong đó, TS Vũ làm chủ nhiệm đề tài Nghiên cứu, phát triển một số dịch vụ hỗ trợ và quản lý du khách nhằm phát triển du lịch bền vững theo định hướng thành phố thông minh và Chính phủ điện tử. Đề tài này được công nhận hiệu quả áp dụng, phạm vi ảnh hưởng cấp toàn quốc năm 2022. Từ năm 2023 – 2024, TS Vũ là thành viên chính của đề tài cấp nhà nước về Nghiên cứu, xây dựng hệ thống hỗ trợ quản lý giao thông đô thị thông minh sử dụng công nghệ bản sao số.

Với TS Trần Hoàng Vũ, quá trình nghiên cứu khoa học vừa giúp giảng viên cập nhật những kiến thức và công nghệ mới nhất, đồng thời hiểu sâu hơn về các nguyên lý cơ bản. Khi kết hợp với kinh nghiệm thực tế từ doanh nghiệp, giảng viên có thể xây dựng các bài giảng gần gũi và thiết thực hơn, giúp sinh viên hiểu rõ cách ứng dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tế.

Từ những dự án NCKH, giảng viên có thể thiết kế các bài thực hành hoặc bài tập mô phỏng các tình huống thực tế trong doanh nghiệp, từ đó cải thiện khả năng tư duy và kỹ năng thực hành giúp các em thích ứng nhanh với môi trường làm việc sau này. “Những phương pháp này sẽ giúp các em khắc sâu kiến thức và khả năng vận dụng hơn rất nhiều so với việc giảng viên cứ nói, sinh viên cứ nghe. Tất nhiên, muốn được như vậy thì sinh viên phải luôn nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ giảng viên” – Trưởng khoa Điện – Điện tử, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng chia sẻ.

stem.jpg
Trường THCS Lê Hồng Phong (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tổ chức Ngày hội STEM - Khơi nguồn sáng tạo từ dự án kết nối với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng trong đào tạo và chuyển giao giáo dục STEM.

Mùa hè năm 2022, lần đầu tiên, Khoa Điện – Điện tử, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng tổ chức Trại hè Công nghệ dành riêng cho học sinh các trường THPT tại Đà Nẵng tham gia. Trại hè này đã được khoa duy trì trong 3 năm qua với sự tham gia của hơn 300 học sinh có đam mê về công – kỹ nghệ.

TS Trần Hoàng Vũ cho biết, Trại hè Công nghệ dành cho học sinh phổ thông nhằm mục đích định hướng nghề nghiệp chuyên sâu và chuẩn bị nguồn nhân lực cho các ngành thuộc khối STEM. Chương trình này được thiết kế để khơi dậy niềm đam mê khoa học và công nghệ ở học sinh, giúp các em tiếp cận sớm với các lĩnh vực như lập trình, robotics, trí tuệ nhân tạo và nhiều lĩnh vực khác. Thông qua các hoạt động thực hành và dự án thực tế, học sinh sẽ có cơ hội khám phá và phát triển kỹ năng cần thiết cho các ngành nghề trong tương lai. Đây là bước chuẩn bị quan trọng, góp phần nâng cao tỷ lệ học sinh miền Trung theo học các ngành STEM trong những năm tới.​​

Cầu nối giữa doanh nghiệp và nhà trường

Thông qua việc nghiên cứu và hợp tác với doanh nghiệp, TS Trần Hoàng Vũ đã kêu gọi nhiều doanh nghiệp tài trợ các phòng Lab cho sinh viên thực tập như Tài trợ Phòng IoT và Smart Home, Phầm mềm thiết kế mạch PCB của công ty Nhật Unitec trị giá hàng tỷ đồng.

“Để kêu gọi doanh nghiệp tài trợ cơ sở vật chất, thiết bị thực hành có giá trị lớn, giảng viên cần phải xây dựng mối quan hệ hợp tác lâu dài. Tôi thường tìm kiếm những doanh nghiệp có lĩnh vực hoạt động phù hợp với ngành đào tạo tại trường. Sau đó, thiết lập mối quan hệ thông qua các hội thảo, sự kiện kết nối hoặc các dự án hợp tác nghiên cứu. Sự hợp tác này cần được xây dựng dựa trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi, trong đó doanh nghiệp cũng nhận được giá trị như cơ hội quảng bá thương hiệu, tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng cao từ sinh viên” – TS Trần Hoàng Vũ chia sẻ kinh nghiệm.

ts-tran-hoang-vu.jpg
TS Trần Hoàng Vũ (bìa phải, hàng sau) trong lễ trao tặng Danh hiệu Nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, nhà giáo tiêu biểu năm 2024 do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Trong quá trình hợp tác với doanh nghiệp, TS Vũ thường chuẩn bị các đề xuất cụ thể như hỗ trợ thiết bị phòng thí nghiệm, công nghệ mới, hoặc cung cấp phần mềm chuyên dụng. “Trong đề xuất, tôi luôn nêu rõ mục đích sử dụng, lợi ích cho sinh viên và nhà trường, cũng như cách doanh nghiệp có thể nhận lại giá trị từ sự hợp tác. Muốn được sự hỗ trợ ở mức độ win – win, hai bên cùng có lợi thì phải tổ chức được chương trình hợp tác. Có thể xuất phát từ hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu chung, hoặc chương trình thực tập dành cho sinh viên, tôi tạo điều kiện để doanh nghiệp hiểu rõ hơn về giá trị mà trường và sinh viên mang lại. Điều này thường thúc đẩy sự hỗ trợ từ phía doanh nghiệp”, TS Vũ thông tin.

Tuy nhiên, trong quá trình kết nối, một số doanh nghiệp có thể còn e ngại về tính khả thi hoặc hiệu quả của sự hợp tác với nhà trường. Để tháo gỡ những vướng mắc về lòng tin từ phía doanh nghiệp, TS Trần Hoàng Vũ thường cung cấp các kết quả thành công từ các dự án hợp tác trước đó như minh chứng.

Cũng từ sự hợp tác, “nhúng sâu” vào thực tiễn sản xuất tại các đơn vị, doanh nghiệp, theo TS Vũ, sẽ cho phép giảng viên định hướng sinh viên theo các yêu cầu thực tế của thị trường lao động, giúp các em nắm vững những kỹ năng cần thiết và dễ dàng thích nghi khi tham gia công việc sau khi tốt nghiệp. Đây cũng là cầu nối để tìm nguồn học bổng, việc làm cho sinh viên.

TS Trần Hoàng Vũ, Trưởng khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng: "Với giảng viên đại học, nếu bản thân không giữ được lửa, không liên tục học tập và nghiên cứu cái mới, thì rất khó “truyền lửa” cho sinh viên. “Lửa” ở đây được tinh thần học tập suốt đời của một kỹ sư chứ không chỉ là học để qua 4-5 năm đại học, mà nguồn lửa chính là sự đam mê được truyền từ người thầy".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ