Hội thảo Ứng dụng Công nghệ mới trong công trình xanh, ATiGB 2024 có hơn 300 nhà khoa học, doanh nghiệp, giảng viên của Việt Nam và các nước trên thế giới tham dự.
ATiGB quy tụ mạng lưới các nhà khoa học, chuyên gia và giảng viên trong nhiều lĩnh vực, chuyên ngành có liên quan đến công nghệ xanh nhằm trao đổi, chia sẻ các ý tưởng, kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn, từ đó đề xuất các giải pháp, công nghệ mới phục vụ yêu cầu, chiến lược phát triển bền vững.
Thuật ngữ Công trình xanh – Green Buildings được hiểu rất rộng, bao trùm nhiều lĩnh vực không chỉ giới hạn là các công trình xây dựng, giao thông, thủy lợi – thủy điện mà còn là một khu đô thị xanh, khu công nghiệp xanh với các thiết bị, tiện nghi, phương tiện, năng lượng xanh trong quy hoạch, môi trường (khí, đất và nước…) xanh. Hơn thế, để “xanh, bền vững” cần phải “thông minh” từ tư duy, ý tưởng đến quy hoạch, khảo sát, thiết kế, thi công, vận hành, quản lý và khai thác.
Hội thảo ATiGB 2024 vì vậy nhận được sự quan tâm của nhiều đơn vị như Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Đại học Đà Nẵng; Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup, Tập đoàn Đèo Cả...
Ban tổ chức ATiGB 2024 đã nhận được 191 bài báo của 440 tác giả đến từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới như: Việt Nam; Malaysia; Singapore; Australia; Indonesia; Hàn Quốc; Ấn Độ… Có 141 bài báo được chấp nhận, trong đó, có 90 bài báo đăng trên IEEE Xplore và 51 bài báo đăng trên Kỷ yếu Hội nghị Quốc gia có ISBN.
Phiên toàn thể của Hội thảo ATiGB 2024 có 3 bài báo do 3 diễn giả uy tín trình bày, gồm: GS. TSKH. Bùi Văn Ga – Tổng biên tập Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Đà Nẵng với đề tài “Triển vọng tương lai của Hydro như một nhiên liệu bền vững trong ngành công nghiệp ô tô”; GS. Yo-Ping Huang – Hiệu trưởng Đại học Khoa học và Công nghệ Quốc gia Penghu, Đài Loan (Trung Quốc) với đề tài “AIoT trong năng lượng xanh và nuôi trồng thủy sản” và GS. TS. Đỗ Phúc – Trường Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh với đề tài “Trí tuệ nhân tạo trong tin sinh học”.
Hội thảo ATiGB 2024 có 7 tiểu ban chuyên môn, bao gồm: Kỹ thuật điện, tự động hóa và thiết kế vi mạch bán dẫn; Công nghệ thông tin và chuyển đổi số; Kỹ thuật xây dựng và kiến trúc; Công nghệ hóa học và môi trường; Năng lượng tái tạo và 2 tiểu ban Kỹ thuật cơ khí và Cơ khí ứng dụng.