Giảng viên gửi gắm nhiều đề xuất với Bộ trưởng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thạc sĩ Phạm Thái Sơn gửi gắm nhiều đề xuất với Bộ trưởng về công tác tuyển sinh, tự chủ đại học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho sinh viên.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM (HUIT). Ảnh: NVCC
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM (HUIT). Ảnh: NVCC

Ngày 15/8, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn sẽ gặp gỡ với các nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục, đào tạo. Trước thềm sự kiện, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM (HUIT) có một số chia sẻ, đề xuất gửi đến Bộ trưởng trong công tác quản lý, công tác tuyển sinh, công tác học sinh, sinh viên.

Về tuyển sinh, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn cho rằng, công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng diễn ra ổn định trong những năm gần đây. Điều này có sự giúp sức lớn từ phía các cơ quan của Bộ GD&ĐT trong việc hỗ trợ, tăng cường các giải pháp kỹ thuật. Từ đó, các cơ sở giáo dục đại học và thí sinh có nhiều thuận lợi trong quá trình xét tuyển. Đặc biệt, thí sinh được đảm bảo cơ hội trúng tuyển cao nhất vào ngành, trường theo năng lực, nguyện vọng.

Cũng theo chuyên gia này, những mùa tuyển sinh gần đây chứng kiến xu hướng nhiều học sinh không vào đại học bằng mọi giá. Thay vào đó, nhiều học sinh có học lực khá, giỏi chọn vào các trường cao đẳng, trung cấp nghề. Đây cũng là một tín hiệu tích cực trong việc định hướng và lựa chọn nghề nghiệp của thế hệ trẻ hiện nay.

“Do đó, tôi nghĩ cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ cho các trường cao đẳng, trung cấp để tuyển sinh được nhiều sinh viên hơn”, ông Phạm Thái Sơn nói.

Liên quan đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT, về lâu dài, ông Phạm Thái Sơn cho rằng Bộ GD&ĐT có thể tính toán để giao quyền tổ chức, ra đề cho các tỉnh thành. Bộ sẽ là cơ quan giám sát, kiểm tra kỳ thi.

Trong thực hiện tự chủ đại học, ông Phạm Thái Sơn kiến nghị, cần xem lại vấn đề tự chủ tài chính, trong đó có việc thu chi học phí. Theo ông, việc thu học phí ở các trường tự chủ nên theo nguyên tắc thu đúng, thu đủ và có chính sách hỗ trợ cho sinh viên.

Ông Phạm Thái Sơn cho biết, HUIT đã thực hiện tự chủ 100%, không có nguồn chi từ ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, do 2 năm liên tiếp không tăng học phí (năm 2021, 2022) nên trường gặp nhiều khó khăn.

Dự kiến trong năm 2023, học phí đại học cũng sẽ không tăng theo yêu cầu của Chính phủ. Trong khi đó, nhà trường phải dành ra hàng chục tỷ đồng chi tăng lương cơ sở cho giảng viên, nhân viên. Học phí không được tăng, trường phải cắt giảm các khoản thưởng, du lịch, nghiên cứu, tổ chức hội thảo để đảm bảo nguồn chi chế độ cho giảng viên, người lao động.

Hiện nay, giá cả leo theo, hàng hóa, dịch vụ đắt hơn trước 20-30%. Nếu không được tăng lương, đời sống giảng viên cũng gặp nhiều khó khăn, dễ xảy ra tình trạng chảy máu chất xám.

“Nên tạo các gói hỗ trợ cho sinh viên khó khăn vay với lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện cho các em tiếp cận với bậc cao đẳng, đại học. Còn học phí vẫn cần tính đúng, tính đủ để đảm bảo hoạt động của nhà trường và chất lượng đào tạo”, ThS Phạm Thái Sơn nhìn nhận.

Về công tác giáo dục chính trị, công tác học sinh sinh viên, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông HUIT cho rằng, cần có thêm nhiều hoạt động đổi mới, sáng tạo hơn nữa. Bộ GD&ĐT và các ban, ngành cần có thêm chính sách cho hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại các trường đại học.

Bởi theo xu hướng đổi mới giáo dục đại học, sản phẩm giáo dục đại học cần chú trọng thêm vào tinh thần và năng lực khởi nghiệp của sinh viên.

Tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo có ý nghĩa tạo ra một thế hệ sinh viên với tinh thần khởi nghiệp thực chất chứ không chỉ hô hào, nói suông. Một cộng đồng với tinh thần khởi nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng sẽ tạo động lực mạnh mẽ để phát triển đất nước.

“Tôi thấy hiện nay, các trường đại học dành thời gian, công sức cho đổi mới sáng tạo còn ít quá. Nên có thêm nhiều cuộc thi, phát động nhiều phong trào đổi mới sáng tạo cho học sinh, sinh viên”, ông Phạm Thái Sơn nói.

Ngày 15/8, Bộ GD&ĐT phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức sự kiện "Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục".

Sự kiện được tổ chức trực tuyến để tất cả các nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục cả nước có thể tham dự.

Điểm cầu chính được đặt tại trụ sở cơ quan Bộ GD&ĐT, kết nối với các tỉnh, thành phố qua 63 điểm cầu của các Sở GD&ĐT và hơn 400 điểm cầu của các đại học, trường đại học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Giá trị của hòa bình

GD&TĐ - Ralph Waldo Emerson từng nói: “Những chiến thắng thật sự và bền lâu là chiến thắng của hòa bình, không phải của chiến tranh”.
Gia đình 3 thế hệ ông Trần Út Nhì vào rừng ăn ong. Ảnh: Nguyễn Thanh Dũng.

Về U Minh Hạ theo chân thợ rừng 'ăn ong'

GD&TĐ - 'Ăn ong' như thế nào để không bị ong đốt, giữ được lượng mật và để ong còn trở về làm tổ, có lẽ chỉ những người thợ rừng lâu năm ở U Minh Hạ mới biết.