Giảng viên đại học: Hội tụ đủ “3 nhà”

GD&TĐ - Theo ThS Hoàng Thị Ái Vân - giảng viên Trung tâm Bồi dưỡng nhà giáo và Cán bộ quản lý thuộc Học viện Quản lý Giáo dục, một giảng viên đại học đúng nghĩa được xác định trong ba chức năng chính: Nhà giáo; Nhà khoa học; Nhà cung ứng cho xã hội.

Giảng viên có vai trò khai sáng tri thức cho sinh viên
Giảng viên có vai trò khai sáng tri thức cho sinh viên

Bốn nhóm kiến thức – kỹ năng

ThS Hoàng Thị Ái Vân cho rằng, giảng viên nhà giáo là vai trò truyền thống và tiên quyết. Một giảng viên toàn diện là người được trang bị bốn nhóm kiến thức - kỹ năng như: Thứ nhất, kiến thức chuyên ngành. Tức là có kiến thức sâu về chuyên ngành và các môn học mà mình giảng dạy. Thứ hai, kiến thức về chương trình để đảm bảo tính liên thông, gắn kết giữa các môn học, đa ngành, đa lĩnh vực và phong phú về văn hóa để giúp cho người học thích nghi và hợp tác tốt trong các bối cảnh khác nhau. Thứ ba, kiến thức về kỹ năng dạy và học: Bao gồm các kiến thức về phương pháp luận kỹ thuật dạy - học nói chung và kỹ thuật dạy - học theo chuyên ngành cụ thể tùy thuộc hoàn cảnh và điều kiện tiếp cận. Thứ tư, kiến thức về môi trường giáo dục, hệ thống giáo dục, mục tiêu giáo dục, giá trị giáo dục… Có thể coi là kiến thức cơ bản để làm nền tảng cho hoạt động dạy - học đi đúng hướng và có ý nghĩa xã hội. Sự lãng quên hay lơ là những giá trị gốc sẽ dẫn đến lệch lạc trong văn hóa giáo dục.

Khẳng định giảng viên nhà khoa học, ThS Hoàng Thị Ái Vân phân tích, vai trò của nhà khoa học là hướng vào nghiên cứu giải thích và dự báo các vấn đề của tự nhiên và xã hội mà loài người và khoa học chưa giải thích được, tìm kiếm và chuyển giao các quy trình ứng dụng, triển khai khoa học công nghệ. Giảng viên - nhà khoa học có chức năng thực hiện vai trò đó. Nghiên cứu khoa học, ứng dụng các kết quả khoa học công nghệ và công bố các kết quả nghiên cứu là ba chức năng chính của nhà khoa học. Từ đó có hai xu hướng: Nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng.

Theo ThS Hoàng Thị Ái Vân, nghiên cứu cơ bản là rất cần thiết và quan trọng, tuy nhiên trong điều kiện hiện nay chưa có điều kiện đầu tư cho nghiên cứu cơ bản, chúng ta cần tập trung nghiên cứu tổng thể mang tính tổng kết lý thuyết ngành và tìm kiếm các hướng triển khai ứng dụng.

Nghiên cứu khoa học phải có công bố kết quả bởi vì: Thứ nhất, các kết quả được công bố trên các tạp chí chuyên ngành là thước đo chất lượng nghiên cứu; thứ hai, chỉ khi được công bố và được sử dụng, khoa học mới hoàn tất sứ mệnh.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Cũng theo ThS Hoàng Thị Ái Vân, một trong những chức năng chính của giảng viên đó là nhà cung ứng cho xã hội. Đây là vai trò mà các giảng viên đang thực hiện, cái mà xã hội đánh giá cao và kỳ vọng ở các giảng viên đại học. Giảng viên cung ứng các dịch vụ cho nhà trường, cho sinh viên, cho các tổ chức kinh tế xã hội, cho cộng đồng và xã hội thông qua việc tham gia công tác quản lý, công việc hành chính, tham gia các tổ chức xã hội, cố vấn, tư vấn cho sinh viên, liên hệ hướng dẫn thực tập, giới thiệu việc làm, cố vấn hướng dẫn, phản biện khoa học, tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học.

Đối với cộng đồng, giảng viên trong vai trò của một chuyên gia cũng đã thực hiện vai trò tư vấn, cung cấp thông tin, viết báo. Giáo viên đóng vai trò cầu nối giữa khoa học và xã hội, đưa khoa học đến với đời sống cộng đồng.

"Cấu trúc chức năng có thể thay đổi tùy thuộc vào nhu cầu xã hội và yêu cầu từng trường. Nhưng dù trong cấu trúc nào thì ba chức năng: Giảng dạy, nghiên cứu khoa học, cung ứng dịch vụ đều cần được thể hiện rõ và giữa chúng có mối liên hệ chặt chẽ, có tác động bổ sung làm phong phú và tăng hiệu quả cho nhau. Thực hiện hiệu quả cả ba nhóm chức năng trên đang là một thách thức lớn đối với các giảng viên đại học; cho cả hệ thống giáo dục; công tác quản lý giáo dục và phát triển đội ngũ giảng viên" - ThS Hoàng Thị Ái Vân nhấn mạnh.

Vai trò khai sáng

Theo ThS Hoàng Thị Ái Vân phân tích, giáo dục khai phóng là tư tưởng xuyên suốt, là kim chỉ nam của tiến trình phát triển giáo dục đại học. Mục tiêu của giáo dục đại học không khác ngoài việc tạo ra những con người tự do có khả năng làm chủ bản thân, định hướng những giá trị cá nhân, làm chủ cuộc sống. Giảng viên đại học là người có năng lực chắc chắn của một nhà giáo, nhà khoa học và là nhà cung ứng tri thức và văn hóa cho xã hội.

Giảng viên đại học là người dẫn dắt giúp người học (bậc học cuối cùng) thoát khỏi “tình trạng vị thành niên: Biết làm chủ bản thân để thoát khỏi các “tình trạng do chính mình gây ra”. Giảng viên đại học phải có năng lực của một nhà giáo khai sáng, đồng thời phải là người biết đáp ứng nhu cầu khao khát chiếm lĩnh tri thức và sự phát triển các giá trị của sinh viên. Giảng viên đại học phải có đủ trách nhiệm và năng lực đáp ứng yêu cầu mà sinh viên cần có trong một xã hội hiện đại.

Cho rằng, giảng viên đại học cần biết trân trọng các giá trị văn hóa nghề nghiệp, ThS Hoàng Thị Ái Vân nêu vấn đề: Thứ nhất là các giá trị lấy người học làm trung tâm: Người học là ưu tiên hàng đầu. Cam kết phát triển tiềm năng của mỗi cá nhân. Tôn trọng sự đa dạng, sự phong phú của những trải nghiệm và năng lực thể hiện của con người…

Thứ hai là các giá trị đặc thù nghề nghiệp: Coi trọng văn hóa, hướng tới các chuẩn chất lượng; thích khám phá, ham học hỏi; Không ngừng tự hoàn thiện; đạo đức và sự tận tâm, thích ứng và nhẫn nại; chuyên nghiệp và sự thông thạo…

Thứ ba là các giá trị phục vụ: Hợp tác với đồng nghiệp; Trách nhiệm nghề nghiệp và nhập cuộc; Học tập và giúp đỡ đồng nghiệp; Có tác phong lãnh đạo quản lý.

 "Giảng viên đại học cần biết trân trọng các giá trị văn hóa nghề nghiệp: Giá trị lấy người học làm trung tâm; giá trị đặc thù nghề nghiệp và giá trị phục vụ.  Mục tiêu đào tạo đại học là phát triển năng lực nhận thức, năng lực xã hội và năng lực nghề nghiệp. Đó là phương thức quan trọng nhất để thực hiện triết lý khai phóng của xã hội hiện đại" - ThS Hoàng Thị Ái Vân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.