Đưa trò chơi dân gian vào trường học: Thấm dần văn hóa dân tộc

GD&TĐ - Nội dung đưa “trò chơi dân gian” vào trường học tuy không mới nhưng lại bị bỏ quên khá lâu. Theo ý kiến của nhiều CBQL ngành GD, từ trước đến giờ, học sinh vẫn được vui chơi ở trường học nhưng là “chơi tự do”.

Học sinh liên trường khối THPT tham gia chơi các trò chơi dân gian trong Ngày hội Mùa hè với các trò chơi dân gian do Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) tổ chức
Học sinh liên trường khối THPT tham gia chơi các trò chơi dân gian trong Ngày hội Mùa hè với các trò chơi dân gian do Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) tổ chức

 Đưa trò chơi dân gian vào trường học là một phương cách để học sinh gần gũi và “thấm” dần văn hóa dân tộc; giúp phát triển cả về trí - thể - mỹ cũng như hình thành các kỹ năng. Trong hoàn cảnh CNTT bùng nổ như hiện nay, học sinh hầu hết bị lôi cuốn với những trò chơi trên mạng thì việc đưa trò chơi dân gian vào trường học sẽ tạo điều kiện cho các em tham gia nhiều hoạt động vui chơi lành mạnh.

Từ chơi tự do thành chơi có tổ chức

Trước khi kết thúc kỳ nghỉ hè 2018, HS các Trường THPT Phan Châu Trinh, THPT Hoàng Hoa Thám, THPT Trần Phú và THPT Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã có một ngày đầy sôi động và lôi cuốn với những trò chơi tập thể trong Ngày hội Mùa hè với các trò chơi dân gian. Ngoài kéo co, chơi ô ăn quan, thi bắt vịt, Đoàn Trường THPT Phan Châu Trinh đã rất sáng tạo khi kết hợp một số trò chơi dân gian để tạo thành team building với những trò chơi vận động tập thể như thi ném còn kết hợp đi cà kheo, đại chiến nước.

Nội dung đưa “trò chơi dân gian” vào trường học tuy không mới nhưng chủ yếu chỉ diễn ra trong các dịp lễ hội chứ chưa trở thành hoạt động thường xuyên. Theo ý kiến của nhiều CBQL ngành GD, từ trước đến giờ, học sinh vẫn được vui chơi ở trường học nhưng là “chơi tự do”. Ngành GD-ĐT Đà Nẵng đang chủ trương đẩy mạnh việc đưa các trò chơi dân gian vào trường học. Ông Ngô Ngọc Hoàng Vương – Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Đà Nẵng - cho biết, đây là một cách để HS rời xa thế giới ảo, ngăn chặn các trò chơi vô bổ bằng việc phát huy tốt trò chơi dân gian trong trường học.

Thế nhưng, không phải tất cả các trò chơi dân gian đều có thể đưa vào nhà trường. Vì còn phải bảo đảm tính an toàn, vệ sinh cho học sinh. Những trò chơi như đánh khăng, leo cột mỡ, đánh quay... mang đậm tính dân gian nhưng lại không phù hợp với trường học, nhất là bậc tiểu học. Không chỉ riêng việc chọn lựa trò chơi, thời gian để triển khai trò chơi là một bài toán hóc búa đối với các trường học. Thầy Nguyễn Đức Tú Anh – Hiệu trưởng Trường THCS Tây Sơn (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) - cho biết, thời lượng của một ngày học đều đã được cố định bằng số tiết và cả giờ ra chơi.

Với khoảng thời gian cho 5 phút nghỉ giữa các tiết và 20 phút chơi giữa giờ, HS chỉ có thể chơi tự do các trò chơi như nhảy dây, đá cầu. Chính vì vậy, thầy Tú Anh cho rằng, cách làm hiệu quả hiện nay là các trường thường chọn tổ chức các trò chơi dân gian thông qua hoạt động ngoại khóa hoặc lựa chọn một ngày để tổ chức Ngày Văn hoá dân gian. Ở đó, học sinh sống trong một không gian thấm đẫm chất dân gian với không khí hội hè thực sự với các trò chơi phong phú, đa dạng.

Học kỹ năng thông qua các trò chơi

Ông Nguyễn Đình Vĩnh – Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng - nêu quan điểm: “Ngoài mang lại cho học sinh niềm vui thì trò chơi dân gian còn giúp các em tiếp cận được những nét đẹp trong văn hóa dân tộc, rèn luyện sức khỏe cũng như kỹ năng sống như tinh thần đoàn kết, sự chia sẻ, hỗ trợ, hợp tác thông qua các trò chơi mà không hề gượng ép”.

Như với trò chơi Vượt ải gian nan - giải cứu dừa nước được Trường THPT Phan Châu Trinh tổ chức trong Ngày hội Mùa hè với các trò chơi dân gian các đội chơi ngoài sự khéo léo để vượt qua được cầu khỉ, còn đòi hỏi phải có sự đoàn kết, phối hợp ăn ý với nhau khi nhảy bao bố đôi hay cùng nhau đi qua bãi bùn… Hay với nội dung thi Bữa cơm dân gian, các em cũng có điều kiện để hình thành những kỹ năng sống, từ việc học cách tính toán, thu vén để tổ chức một bữa ăn cho một tập thể đến khả năng giải quyết các tình huống phát sinh...

So với HS ở bậc tiểu học và THCS thì để tổ chức trò chơi dân gian cho HS THPT là không hề đơn giản. Thầy Cao Trung Kiên - Bí thư Đoàn Trường THPT Trần Phú - cho biết: “Cho dù, Sở GD&ĐT đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ Tổng phụ trách và Bí thư Đoàn trường với khoảng gần 100 trò chơi nhưng các trường phải có sự chọn lọc để có những trò chơi phù hợp với lứa tuổi. HS THPT thì sẽ không mặn mà nhiều với các trò chơi như ô ăn quan, rồng rắn lên mây, chơi chuyền, mà chủ yếu phải là những trò chơi vận động tập thể… Cách thức và thời gian tổ chức các trò chơi cũng phải cân nhắc sao cho phù hợp nhằm phát huy hiệu quả...”.

Mỗi độ tuổi, giới tính, sở thích, tính cách đều có những trò chơi dân gian phù hợp. Và nói như thầy Trương Công Sơn – Hiệu trưởng Trường THCS Trần Đại Nghĩa (Q. Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) thì các trường học không quá tốn kém kinh phí nếu lựa chọn những trò chơi phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất của trường để tổ chức cho học sinh tham gia. “Chưa kể, ngoài là cách để học sinh tiếp cận với những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc thì đây cũng là một hoạt động tập thể để hình thành và rèn luyện kỹ năng, nâng cao thể lực cho HS” – thầy Sơn nhận xét.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.
Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truy lùng quốc tế

GD&TĐ - Nga đang triển khai chiến dịch truy lùng ráo riết tại một số nước để bắt các nghi phạm liên quan vụ khủng bố đẫm máu tại Moscow.