Mất 50 nghìn tiền xăng mỗi lần đi rút tiền
Chị Y Hiền, giáo viên mầm non xã Ngọk Lây (huyện Tu Mơ Rông) cho biết, những năm trở lại đây thay vì nhận tiền mặt chị được trả lương qua thẻ ATM. Tuy nhiên, việc trả lương qua thẻ không mang lại thuận lợi cho chị và nhiều cán bộ, giáo viên khác.
Theo chị Y Hiền, cả huyện chỉ có duy nhất một cây ATM được đặt tại khu vực trung tâm. Tuy nhiên, nơi ở và làm việc của chị cách trung tâm huyện hơn 30km nên mỗi lần đi rút tiền rất khó khăn, bởi đường sá xa xôi. Đặc biệt vào mùa mưa, đường đi lại vô cùng hiểm trở.
“Lương giáo viên không được là bao nên tôi tiêu xài hạn chế. Chính vì vậy mỗi lần chỉ dám rút vài trăm nghìn. Có những hôm tôi phải nhờ đồng nghiệp rút hộ vì không sắp xếp được thời gian”, chị Y Hiền tâm sự.
Để đỡ mất công đi nhiều lần, anh A Kần, cán bộ tư pháp xã Đắk Sao chọn phương án rút tiền lương một lần.
“Hàng tháng tôi được nhận khoảng 6 triệu đồng tiền lương. Trước đây mỗi lần tôi chỉ rút vài trăm nghìn để sinh hoạt. Thế nhưng nhiều lần đi rút tiền xe hư hỏng giữa đường nên giờ đây cứ có lương là tôi đi rút luôn 1 lần rồi đem về cất giữ trong nhà”, anh A Kần nói.
Theo anh A Kần, do đường từ xã lên trung tâm huyện Tu Mơ Rông khó khăn, hiểm trở nên anh phải chạy xe ra huyện Đắk Tô để rút. Mỗi lần đi rút tiền anh phải vượt qua chặng đường gần 100km, cả đi lẫn về.
“Tiền lương chẳng được là bao, nhưng mỗi lần tôi đi rút như vậy ít nhất phải tốn 50.000 đồng xăng xe. Chưa kể tiền ăn, uống nghỉ ngơi trên đường. Những hôm có việc gấp, không kịp đi rút tiền tôi phải vay tạm đồng nghiệp để trang trải. Việc trả lương qua thẻ khiến đời sống cán bộ địa phương chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn. Thế nhưng, đó là quy định rồi nên đành chấp nhận. Chúng tôi luôn mong muốn có một cây ATM ở gần xã để tiện rút tiền sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày”, anh A Kần tâm sự.
Mong mỏi có cây ATM
Ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho hay, từ 3 năm nay địa phương đã áp dụng việc chi trả lương qua thẻ ATM. Toàn huyện có hơn 1.000 cán bộ, công nhân, viên chức, giáo viên. Trong đó, đa số những cán bộ này đều được thanh toán lương qua thẻ ATM.
Cũng theo ông Mười, huyện chỉ có duy nhất 1 cây ATM của Ngân hàng Vietinbank nên dẫn đến nhiều khó khăn cho những người đi rút tiền. Do đó, UBND huyện đã có văn bản gửi UBND tỉnh, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) đề nghị bổ sung cây ATM. Không những vậy, huyện đã cấp đất cho Ngân hàng Agribank để mở chi nhánh. Tuy nhiên, Ngân hàng Agribank cho rằng, việc lắp đặt thêm cây ATM thiếu hiệu quả nên không thể đầu tư.
“Huyện Tu Mơ Rông chỉ mong muốn lắp đặt thêm 1 cây ATM ở 4 xã phía Tây nhằm thuận tiện cho cán bộ, giáo viên. Tuy nhiên nếu không thể bổ sung được thì đơn vị đề nghị UBND tỉnh cho địa phương thực hiện thanh toán lương bằng tiền mặt”, ông Mười nói.
Cũng theo vị Phó Chủ tịch huyện, mặc dù hơn 1.000 cán bộ, nhân viên tại huyện đều sử dụng thẻ Agribank. Tuy nhiên, ngân hàng này lại không đặt cây ATM nào ở huyện mà chỉ có một cây của Ngân hàng Vietinbank.
“Nếu Ngân hàng Agribank không mở chi nhánh, đặt cây ATM tại huyện, chúng tôi sẽ chuyển sang dùng thẻ Vietinbank”, ông Mười cho biết.
Ông Lê Văn Huệ, Giám đốc Ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Đắk Tô cho hay, đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức hoạt động kinh doanh trên địa bàn huyện Đắk Tô và Tu Mơ Rông. Hiện tại, chi nhánh có trụ sở được đặt tại huyện Đắk Tô, còn Tu Mơ Rông thì chưa có phòng giao dịch cũng như ATM nào của Agribank.
Theo ông Huệ, khoảng cách địa lý giữa 2 huyện là khá xa, khoảng 40km. Bên cạnh đó, giao thông đi lại rất khó khăn, có nhiều đèo dốc, đặc biệt vào mùa mưa thường bị sạt lở, xuống cấp. Không những vậy, khách hàng sử dụng thẻ ở các xã xa nhất của huyện Tu Mơ Rông như Măng Ri, Ngọk Lây, Đắk Na… muốn giao dịch ở ATM gần nhất phải vượt qua quãng đường hơn 70km.
Tuy nhiên, vị Giám đốc chi nhánh cho hay, do nhu cầu sử dụng của cán bộ, công nhân, viên chức tại huyện Tu Mơ Rông không lớn. Nếu bố trí trụ ATM trên huyện Tu Mơ Rông thì chi phí đặt máy tốn hơn 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngân hàng phải thuê bảo vệ, địa điểm đặt ATM. Đặc biệt, đường sá xa xôi, hiểm trở nên khó khăn khi tiếp quỹ, sửa chữa thiết bị.
“Đơn vị đã làm tờ trình đề nghị Agribank chi nhánh tỉnh Kon Tum xem xét, phân bổ một cây ATM mới để lắp đặt tại trung tâm hành chính huyện Tu Mơ Rông. Việc có cây ATM sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng thẻ của khách hàng trên địa bàn huyện”, ông Huệ nói.