Lênh đênh theo... gạch
Đi theo tuyến tỉnh lộ ĐT 902 bên bờ Cổ Chiên thơ mộng, thấy xa xa là những cù lao Phú Đa, Phú Thiện, Quới Thiện, Quới An… và một bên là những lò gạch nung màu đỏ quạch, nhìn như những cây nấm tròn khổng lồ. Từ lâu, với địa chất thuận lợi, vùng quê Vĩnh Long được coi là thủ phủ gạch, gốm, ngói nung của cả dải đất miền Tây Nam Bộ rộng lớn. Đây gần như là địa phương duy nhất có nghề sản xuất gạch, gốm ngói nung sử dụng trong đời sống văn hóa cũng như vật liệu xây dựng.
Từ thế kỷ thứ 19, những lò nung ven sông Cổ Chiên đã hình thành và cực thịnh, kéo dài cho đến những năm 90 của thế kỷ trước với số lượng hơn 2000 lò nung, tràn vào các tuyến kênh Thầy Cai, Mang Thít. Có một đặc điểm là dù ở bất cứ đâu, những lò gạch này đều phải nằm gần tuyến sông để có thể dễ dàng vận chuyển nguyên liệu (đất sét, củi, trấu…) cũng như sản phẩm (gạch, ngói). Vài năm trở lại đây, nghề nung không còn thịnh vượng nhưng vẫn là nơi mưu sinh của hàng ngàn cư dân, người lao động nghèo của địa phương mà hầu hết đều là phụ nữ!
Tại miệng lò nằm ngay ngã ba rạch Cai Thầy đổ ra sông Cổ Chiên, chúng tôi thấy hàng chục công nhân đang hối hả vận chuyển gạch lên chiếc ghe lớn. Mùa khô, thời tiết Nam Bộ đang rất nắng nóng nên áo người nào cũng ướt đẫm, gương mặt nhễ nhại sau tấm khẩu trang.
Chị Nguyễn Thị Vui, 36 tuổi, một công nhân gánh gạch cười buồn, kể: “Mình nhà ở bên cồn Phú Đa nhưng nhiều năm làm công nhân gánh gạch ở đây rồi. Cũng không nhớ bao nhiêu nhưng không dưới 15 năm, từ trước khi lấy chồng. Làm lâu vậy nhưng đây không phải là công việc cố định. Nghĩa là chủ lò quanh vùng có hàng xuất đi thì họ kêu. Mà không riêng mình, bà Năm, bà Tám, dì Tươi, dì Nhại… đều như mình cả. Lò nào gọi thì mọi người đi. Nhận khoán cả ghe. Khi nào chuyển xong thì mới lấy tiền. Bây giờ mùa khô, nhiều lò bước vào vụ mới nên việc cũng nhiều. Có việc dù mệt cũng cố dậy đi làm kiếm tiền”.
Chủ ghe cũng vẫn là phu
Ngày nay, hầu hết các chủ lò gạch nung nơi đây đều trang bị thêm các máy móc băng truyền. Nó thực tế là một công nghệ khá đơn giản, cho phép gạch chạy trên đường băng chỉ bằng sợi xích dài. Với những phu gạch điều đó khiến cánh cửa sinh kế bị đóng lại. Mặc dù chưa thể thay thế hoàn toàn bàn tay con người nhưng trớ trêu thay, máy móc buộc những người phu vẫn phải làm những công việc vất vả, khó khăn nhưng số tiền công lại ít hơn.
Có nhiều gia đình có tới vài người cùng làm nghề này và họ mua hẳn ghe để chở gạch cho các chủ lò luôn. Nghĩa là, họ vừa là chủ ghe, vừa là phu gạch. “Vùng quanh sông Cổ Chiên hay các nhánh sông khác ở miền Tây đều có vô vàn kênh rạch, nhất là những kênh rạch nhỏ bé không tên nằm khuất lấp nơi miệt vườn. Ở đó, nhiều gia đình có nhu cầu đưa gạch, vật liệu xây dựng tới nhưng những ghe lớn không thể di chuyển vào nên gia đình tôi quyết định đầu tư đóng một chiếc ghe hơn 20 mã lực này để chở gạch. Nhiều gia đình ven kênh Cái Nhum,
Những công nhân bốc dỡ gạch |
Cái Ké hay dưới mạn Trà Côn, Cầu Kè… ai kêu thì tôi đều đưa ghe đi cả. Hơn nữa, nhiều vựa họ mua gạch của lò nhưng không chở, nên giao cho mình chở tới luôn. Mình phải vận chuyển từ đây xuống đó, trọn gói cho họ rồi lấy tiền. Nói chung công việc cũng nhiều chỉ ngặt nỗi giờ giá xăng dầu lên cao, tiền công cũng mắc hơn. Sau tết, mùa gió chướng về, các kênh rạch ở hạ lưu sóng rất lớn, ghe chở gạch không dám xếp nhiều nên rất vất vả, có khi hai ba vạn gạch mà phải đi tới mấy chuyến, tốn kém lắm”, anh Nguyễn Văn Thung, chủ một ghe gạch cho biết.
Theo anh Thung, mỗi lần nhận được đơn hàng, cả hai vợ chồng anh đều nhanh chóng vận chuyển gạch lên ghe rồi đưa đi. “Thực ra mình cũng chỉ là công nhân thôi, mà là công nhân không lương nữa. Nhiều khi vựa hối quá, nửa đêm vợ chồng đã phải thắp đèn măng-sông gánh cho kịp người ta, vất vả lắm. Nhưng khổ nhất là khi ghe gạch đang chạy mà bị hư giữa kênh thì phải nhắm mắt bỏ gạch xuống sông để giữ lại ghe, nếu không có khi tính mạng vợ chồng cũng nguy hiểm. Những lúc ấy, mình phải bỏ tiền nhà ra đền cho người ta chứ biết sao nữa”, anh kể thêm.