Trăn trở từ những lò gạch miền Tây

GD&TĐ - Từ bên này sông Mang Thít ( huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) chúng tôi đã nhìn thấy rất nhiều cụm khói đen bốc lên ngùn ngụt từ hàng chục lò than cao nghễu nghện của làng nghề truyền thống làm gạch xã Nhơn Phú, nơi được xem là cái nôi của nghề gạch, gốm tỉnh Vĩnh Long hàng trăm năm qua.

Một số hoạt động của các lò gạch miền Tây hiện nay
Một số hoạt động của các lò gạch miền Tây hiện nay

Đánh đổi sức khỏe lấy tiền

Ông Tiêu Văn Thái, ngụ ấp Phú Trinh C nói: “Những năm trước đây, mấy trăm hộ dân ở đây làm ăn khá giả hơn nhiều. Họ mua sắm ruộng vườn, xe “cộ”, cất nhà mới liền liền. Giờ là ít rồi đó nghe. Nhà tui có 3 cái lò gạch qui mô lớn, đầu tư đến cả tỷ đồng. Hôm rồi nghe Nhà nước cấm sử dụng loại gạch truyền thống này nhưng tới nay tụi tui cứ “ làm đại” và bán cũng đều đều vì giá rẻ, thương lái làm ăn với mình cả mấy mươi năm rồi”.

Nếu như trước đây, toàn tỉnh Vĩnh Long có khoảng 2.800 lò nung của trên 1.320 cơ sở sản xuất gạch ngói và gốm mỹ nghệ xuất khẩu thì tại xã Nhơn Phú đã chiếm tỉ lệ trên 40% với trên 1.000 lò nung và hàng ngàn lao động có việc làm thường xuyên. Sản phẩm gạch Nhơn Phú rất nổi tiếng và được thương lái lẫn người sử dụng ưa chuộng do màu sắc đẹp, bóng, độ bền cao, giá thành phù hợp. Từ đó có rất nhiều đại lý từ các địa phương như: Khánh Hòa, TPHCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An… và các tỉnh miền Tây đến đặt hàng liên tục.

Nhiều người dân gắn bó với nghề làm gạch ống tại Nhơn Phú kể thêm: Nghề này có mặt tại đây đã trên 100 năm. Ở những năm 80, giá xây dựng một lò gạch cỡ nhỏ cũng mất hàng chục lượng vàng, giá lò lớn càng đắt hơn.

Nguyên liệu làm gạch ban đầu là những lớp đất sét của những cánh đồng tại địa phương, sau đó do nguồn đất sét cạn kiệt nên chủ lò phải đi thu mua tại các địa phương khác như Bến Tre, Trà Vinh, An Giang, Hậu Giang… và tất nhiên giá thành cũng phải “ đội” lên vì tốn thêm chi phí vận chuyển. Bình quân đất sét sau khi tạo hình đưa vào lò nung từ 20 - 30 ngày phụ thuộc lò lớn, nhỏ được lấy ra để nguội và xuất bán. Bình quân sau mỗi đợt xuất lò, chủ nhân lò gạch có lãi từ 10 - 15 triệu đồng sau khi trừ hết các khoản chi.

Ông Hà Hùng Cường, 65 tuổi ngụ ấp Phú Trinh C nhớ lại: “Hồi trước ghe tàu vô ra lấy gạch liên tục ngày đêm, xã này “phất” lên nhanh chóng, nhiều người tưởng rằng đây là xóm “Việt Kiều” nhưng thật ra giàu lên nhờ tiền bán gạch, tiền làm thuê từ các lò gạch. Bây giờ bán ít hơn nhưng cũng sống được. Dân ở đây nếu không có hàng trăm lò gạch thì chết đói liền bởi đa phần đâu có ruộng đất canh tác”.

Và những hệ lụy 

Bà Lê Thị Thu, ngụ xã Nhơn Phú bức xúc: “Người dân ở đây kêu cứu hàng chục năm qua mà có ai giải quyết đâu. Hàng trăm lò gạch hoạt động ngày đêm, khói bụi bám đầy nhà cửa, ruộng vườn. Người trong nhà cũng mắc bệnh khó thở, ho kéo dài, đau mắt. Mình khiếu nại thì họ bớt lại nhưng sau đó đâu lại vào đấy. Thôi thì sống chung với lò gạch vậy”.

Từ năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về việc tăng cường sử dụng vật liệu không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung. Tiếp đó, ngày 28/11/2012, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 09/2012/TT-BXD quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng. Tiếp đó UBND tỉnh Vĩnh Long cũng có văn bản quy định: Không sử dụng đất nung trong xây dựng tại Vĩnh Long là theo hướng chung của cả nước nên tỉnh kiên quyết thực hiện.

Từ đây hàng trăm lò gạch ống tại Nhơn Phú đã thu hẹp dần mang theo nhiều vui buồn lẫn lộn. Người lao động thì mất dần thu nhập nhưng thay vào đó là nỗi ám ảnh về bệnh nghề nghiệp giảm dần; những cư dân xung quanh đã dần thoát khỏi nạn ô nhiễm môi trường từ khói bụi từ hàng chục năm qua. Nhưng thật bất ngờ cho đến nay chỉ thị, thông tư từ Trung ương đến địa phương vẫn chưa được áp dụng triệt để. Điều này đồng nghĩa với nạn ô nhiễm vẫn còn lơ lửng trên đầu hàng trăm hộ dân xung quanh các lò gạch và người lao động lại tiếp tục bị ảnh hưởng đến sức khỏe.

Kiên quyết cấm hoạt động

Tỉnh Đồng Tháp hiện có trên 180 cơ sở sản xuất gạch truyền thống với trên 525 lò nung. Nhiều nhất là tại TP Sa Đéc và huyên Châu Thành. Tính đến nay các lò gạch cũng rơi vào tình trạng tương tự như ở Vĩnh Long với hàng trăm lò gạch truyền thống bủa giăng hai bên sông Tiền với những cột khói cuồn cuộn màu đen bốc lên ngày lẫn đêm gây ô nhiễm nghêm trọng đến môi trường sống xung quanh của hàng trăm hộ dân và đe dọa sức khỏe hàng ngàn lao động đang trực tiếp sản xuất.

Cơ quan chức năng đã đưa ra cảnh báo: “Những lò gạch thủ công này rất nguy hiểm vì trực tiếp thải ra môi trường khói bụi và các chất độc hại khác thải ra từ lò gạch như: HF (axit flohiđric), NO2 (nitrogen dioxit), SO2 (sunfua dioxit), CO (carbon monoxit) cần phải chấm dứt triêt để”.

Ông Trần Văn Hòa, 80 tuổi, ngụ ấp An Thuận, xã An Hiệp, huyện Châu Thành bức xúc nói: “Nhà tôi nằm cạnh 12 lò gạch ven sông Tiền. Gần 40 năm qua, gia đình tôi phải sống trong cảnh ô nhiễm tràn lan. Chúng tôi đã nhiều lần khiếu nại lên chính quyền các cấp nhưng không thấy ai xem xét. Cây cối không sống nổi nên người dân trắng tay phải đi tha phương cầu thực”.

Trước mắt lãnh đạo các tỉnh có nhiều lò gạch truyền thống đang hoạt động như: Vĩnh Long, Đồng Tháp đã tập trung hỗ trợ các chủ cơ sở chuyển đổi sang phương thức sản xuất hiện đại, an toàn nhưng xem ra chưa đạt kết quả cao bởi chi phí xây dựng mới rất tốn kém và đòi hỏi kỹ thuật cao nên chưa được nhiều cơ sở sản xuất gạch truyền thống đồng tình.

Ô nhiễm là vậy, chỉ thị, thông tư, qui định từ các cấp đã ban hành nhưng vấn nạn ô nhiễm môi trường từ các làng gạch truyền thống đã và đang diễn ra từng ngày và không biết đến bao giờ mới chấm dứt. Câu hỏi này đang chờ sự trả lời từ các ngành có liên quan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ