Gian nan bài toán tuyển dụng giáo viên

GD&TĐ - Trong nhiều năm gần đây Sở GD&ĐT Quảng Nam đã có nhiều giải pháp cho công tác tuyển dụng giáo viên. Làm sao để sử dụng hợp lí số giáo viên hợp đồng mà vẫn đảm bảo không tăng biên chế theo quy định của UBND tỉnh? 

Cô trò ở một cơ sở trường học Nam Trà My
Cô trò ở một cơ sở trường học Nam Trà My

Và còn những vấn đề như Làm gì để đảm bảo tính cạnh tranh công bằng trong thi cử đối với mọi đối tượng tham gia tuyển dụng? Làm thế nào để những giáo viên trẻ yêu nghề có năng lực không phải vất vả trên con đường xin được tuyển dụng? Những câu hỏi đã dần được giải nhưng khó vẫn hoàn khó.

Từ giải pháp tránh tăng biên chế giáo dục đến hợp đồng thỉnh giảng  

Từ tháng 8/2009, sau khi chuyển 8 trường THPT từ loại hình bán công sang công lập, để không tăng biên chế sự nghiệp giáo dục,UBND tỉnh đã có Công văn số 3395/UBND-VX, ngày 19/9/2011, đồng ý chủ trương cho Sở GD&ĐT thông báo chấm dứt tuyển dụng đối với giáo viên đã hợp đồng có đóng BHXH tại các trường THPT công lập, trường PTDTNT, các trung tâm GDTX-HN trên địa bàn tỉnh kể từ tháng 9/2011  

Chỉ đạo trên đã gợi ra nhiều cách giải bài toán tuyển dụng của các hiệu trưởng. Ông Võ Đăng Thể, Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương cho biết: “Để không tăng biên chế sự nghiệp giáo dục với các trường hợp dư tiết dạy ở một số bộ môn, về nguyên tắc, nhà trường cho giáo viên biên chế dạy một số tiết tăng vượt định mức so với số biên chế hiện có của trường theo cách tính tăng thay”.

Còn nếu cho dạy thỉnh giảng thì khó đủ tiết theo quy định, thời gian dạy cũng không thể liên tục, lương chỉ có thể trả theo tiết dạy nên người lao động mất quyền lợi. Vậy việc hợp đồng thỉnh giảng của một số hiệu trưởng bắt nguồn từ sự quan tâm đến mong muốn của những giáo sinh mới ra trường là có điều kiện nắm bắt chương trình thực tế, để không bị mai một về kiến thức đồng thời có được khoản lương từ việc dạy học trong khi chờ thi tuyển dụng viên chức.”

Khá đông hiệu trưởng các trường THPT trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng đồng quan điểm như trên, vì để chế độ hợp đồng GV như cũ sẽ dẫn đến kẽ hở tạo diều kiện cho những mối quan hệ luồn lách, chạy chọt từ cơ sở, địa phương, ảnh hưởng chung tới chất lượng giáo dục. Về mặt pháp lý, đã tổ chức tuyển dụng thì mọi công chức phải được quyền bình đẳng, không thể để lọt chính sách đặc quyền, đặc lợi nào.

Hàng ngàn thí sinh dự buổi phổ biến nội quy quy chế tuyển dụng viên chức của Sở GD&ĐT Quảng Nam để chuẩn bị thi tuyển
 Hàng ngàn thí sinh dự buổi phổ biến nội quy quy chế tuyển dụng viên chức của Sở GD&ĐT Quảng Nam để chuẩn bị thi tuyển

Tạo điều kiện từ công bằng và công tâm

Đối với đối tượng giáo viên hợp đồng thỉnh giảng, các cấp lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã có sự quan tâm bằng cả quá trình tham mưu chỉ đạo.

Theo thông tin từ ông Hà Thanh Quốc, GĐ Sở GD&ĐT Quảng Nam: “Việc tham mưu đóng BHXH để số giáo viên này đủ điều kiện để xét đặc cách vào biên chế theo quy định đã bị vướng bởi việc thỉnh giảng trả lương theo tiết dạy như nói ở trên. Vì vậy, năm 2016, Sở GD&ĐT đã đề xuất UBND tỉnh xét 110 giáo viên có thời gian hợp đồng trả lương theo tiết dạy từ 36 tháng trở lên được hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế và có đóng Bảo hiểm xã hội”.

Nhưng kế hoạch vừa ban hành thì có nhiều sinh viên sư phạm mới ra trường cho rằng số giáo viên này do quen biết nên được các trường nhận vào dạy hợp đồng trả lương theo tiết, họ chưa qua sát hạch, tuyển chọn cạnh tranh nào nên nếu ưu tiên như vậy là không có sự cạnh tranh, không công bằng, không đúng quy định trong việc tuyển dụng viên chức trong khi có hàng ngàn sinh viên sư phạm ra trường chưa có việc làm.

Cho nên, phương án cuối cùng đã được UBND tỉnh chỉ đạo là tổ chức thi tuyển công bằng. Song “có tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng giáo viên hợp đồng này qua việc tổ chức kiểm tra, sát hạch với nội dung phỏng vấn tập trung vào chuẩn kiến thực kỹ năng môn học, phương pháp dạy học”, ông Hồ Văn Hưng – Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Quảng Nam cho biết.

Trong thực tế, trong danh sách giáo viên chấm dứt hợp đồng để tham gia dự tuyển công chức năm học này ở Quảng Nam, đa số đúng theo quy định của Luật Lao động, chỉ có một trường hợp hi hữu là GV Võ Phạm T. ở Duy Xuyên, sinh năm 1983. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, không xin được việc làm, Võ Phạm T. tiếp tục học CĐSP TDTT rồi học liên thông lên đại học tại Trường ĐHTT TW3 và đỗ loại giỏi.

Ra trường, anh xin dạy hợp đồng tại Trường THPT Nguyễn Hiền (Duy Xuyên-Quảng Nam) từ năm 2009-2015, có đóng BHXH. Tuy nhiên, do dự thi vào biên chế không đậu nên anh được hiệu trưởng nhà trường cho biết từ năm học tới sẽ bị cắt hợp đồng không được tiếp tục dạy nữa và đã có người mới về thay.

Như vậy việc Trường THPT Nguyễn Hiền chấm dứt hợp đồng sau thời hạn tới 6 năm hợp đồng của GV này là chưa hợp lý hợp tình, nếu không nói là vi phạm nguyên tắc hợp đồng. Đối với trường hợp này, Sở GD&ĐT Quảng Nam cũng cần phải quan tâm, bởi suy cho cùng, sự công bằng nào trước hết cũng phải đảm bảo tính nhân văn, vì quyền lợi của người dạy người học.

Từ đáp án lại nảy sinh bài toán mới

Cũng theo ông Hồ Văn Hưng: “Có 110 ứng viên dự kiến trúng tuyển, trong đó: 12/110 (tỉ lệ 10,1%) thí sinh đã hợp đồng thỉnh giảng trả tiền theo tiết dạy có thời gian giảng dạy không liên tục từ 36 tháng trở lên, 86/110 (tỉ lệ 79,8%) thí sinh hợp đồng thỉnh giảng trả tiền theo tiết dạy có thời gian giảng dạy không liên tục dưới 36 tháng, 12/110 (tỉ lệ 10,1%) thí sinh không có tên trong danh sách hợp đồng trả lương theo tiết dạy ở các trường THPT, PTDTNT trực thuộc Sở”.

Kết quả là người dạy thỉnh giảng được trau dồi chuyên môn, được có thu nhập. Và cái lớn nhất là họ có được trải nghiệm thực tế giảng dạy nên có khả năng cạnh tranh hơn so với những thí sinh mới ra trường.

Qua đó, có thể nhận thấy, đa số giáo viên đã có thời gian hợp đồng ở các trường THPT, PTDTNT trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trúng tuyển ở tỉ lệ rất cao (98/110 - 89%).  

Tuy nhiên, vẫn có một số giáo viên hợp đồng giảng dạy nhiều năm mà không cạnh tranh được để vào được viên chức ngành giáo dục dù Sở GD&ĐT Quảng Nam đã tổ chức 4 đợt tuyển dụng - kể từ năm 2009 đến nay.

Nói về số giáo viên này, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam chia sẻ: “Đây là điều hết sức đáng tiếc bởi họ đã có đóng góp nhất định cho ngành. Tôi tin rằng nếu tiếp tục học tập, rèn luyện, nâng cao nghiệp vụ tay nghề để tham dự kỳ thi tuyển hoặc xét tuyển lần sau thì những giáo viên đó sẽ đạt kết quả tốt”.  

Sự quan tâm, chia sẻ của cấp lãnh đạo là vậy. Song số giáo viên hợp đồng thỉnh giảng nhiều năm cũng khó vào được biên chế vì sự cạnh tranh quá gay gắt. Với tỉ lệ chọi căng hơn cả thi đại học như đợt tháng 2/2017 (110/1.077 - tỉ lệ 10,2%) thì vẫn còn rất nhiều giáo viên hợp đồng nhiều năm có năng lực giảng dạy tốt vẫn phải chờ đợi sự “may mắn” trong lần thi năm tới.

Tuy nhiên, một số giáo viên dạy hợp đồng cho rằng, đề thi của sở vẫn cần sát thực tiễn dạy học hơn, tránh những câu hỏi thiên về kiến thức mới phổ cập mà bản thân họ chưa tiếp cận kịp.

Cô Huỳnh Thị Cẩm Duy, giáo viên hợp đồng dạy thỉnh giảng môn Vật lý gần 3 năm ở Trường THPT Nam Trà My có bằng sư phạm loại giỏi nhưng cũng không vào được biên chế trong đợt thi tháng 2/2017 tâm sự: “Em sợ lại thi không đậu vì cạnh tranh lớn quá. Sau này, tuổi lớn làm sao xin được việc khác”.

Điều bất cập là trong khi giáo sinh giỏi hiện tại vì nản mà không yên tâm theo đuổi nghề thì con số sinh viên hằng năm vẫn cứ ra trường và tiếp tục cuộc cạnh tranh khốc liệt.

Để đảm bảo tính dân chủ, công bằng cạnh tranh,trong đợt thi tuyển vừa qua Quảng Nam đã làm hết mình bằng nhiều giải pháp hợp lý và có tính linh hoạt nhưng cũng như hầu hết các tỉnh thành trong cả nước, bài toán tuyển dụng ở Quảng Nam càng giải càng thấy khó.

Chỉ còn điều an ủi duy nhất là từ “cái khó ló cái khôn” sẽ rút được bài học kinh nghiệm cho những đợt tiếp theo cho cả cơ quan tuyển dụng lẫn đối tượng được tuyển dụng mà thôi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ