Giãn cách xã hội: Thư viện đại học đẩy mạnh phục vụ trực tuyến

GD&TĐ -Ứng phó với tình hình dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, thư viện nhiều trường ĐH đã chuyển từ hình thức phục vụ trực tiếp sang trực tuyến nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên (SV), giảng viên (GV).

Sinh viên IU chọn sách tại thư viện trong thời gian chưa giãn cách xã hội.
Sinh viên IU chọn sách tại thư viện trong thời gian chưa giãn cách xã hội.

Lan tỏa không gian đọc đến mọi nơi

Thư viện Phân hiệu Trường ĐH Giao thông Vận tải tại TPHCM, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TPHCM, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Trường ĐH Văn Lang (VLU)… đã triển khai dịch vụ gửi sách và giáo trình đến tận nơi ở cho SV để đảm bảo chất lượng học tập và thi trực tuyến. Bên cạnh đó, thư viện một số trường còn đẩy mạnh việc phục vụ trực tuyến cho SV, GV.

Theo ThS Lâm Bình Nguyên – Trưởng Thư viện Trường ĐH Quốc tế (IU) - ĐHQG TPHCM, trước khi Chỉ thị 16 được ban hành, nhà trường có nhiều dịch vụ hỗ trợ GV, SV, học viên trong vấn đề mượn sách, tìm tài liệu phù hợp. Thư viện IU cử chuyên viên, thủ thư trực thư viện và có thể scan một số trang sách theo yêu cầu của GV, học viên, SV gửi qua email. Tuy nhiên, chỉ scan một số trang để đảm bảo yêu cầu về bản quyền. Bên cạnh đó, một số SV, GV có nhu cầu về tài liệu sách cũng được thủ thư gửi về tận nhà để sử dụng.

“Đến khi Chỉ thị 16 được triển khai, dịch vụ thư viện hỗ trợ trực tuyến được chú trọng hơn vì không có thủ thư trực nữa. Lúc này, các dịch vụ trực tuyến được thực hiện tối đa trên trang web của thư viện trường với một số chuyên viên trực chiến để có người cần vẫn có thể hỗ trợ. Các chuyên viên, thủ thư biết nhiều nguồn tài liệu chính thống và miễn phí trên thế giới, đặc biệt là thư viện miễn phí của các trường đại học lớn khác nhau nên việc tìm kiếm phần mềm e-book cũng dễ dàng, thuận tiện hơn…” - Trưởng Thư viện IU chia sẻ.

Tương tự, Thư viện Trường ĐH Văn Lang (VLU) cũng cung cấp sách in cho mượn về, hỗ trợ bạn đọc tiếp cận và sử dụng dễ dàng, hiệu quả tài liệu từ xa trong thời gian giãn cách xã hội.

Theo ThS Thái Thị Thu Thắm - Giám đốc Thư viện VLU, trong giai đoạn giãn cách xã hội, nhà trường triển khai đào tạo trực tuyến. Để hỗ trợ tài liệu học tập cho SV trong giai đoạn này, thư viện trường đã cung cấp các dịch vụ từ xa và trực tuyến cho SV.

“Ngay từ khi trường áp dụng hình thức học tập online, thư viện đẩy mạnh các dịch vụ trực tuyến đã có, đồng thời đưa ra một số dịch vụ mới, trong đó 4 dịch vụ được bạn đọc sử dụng nhiều nhất là: Đặt mượn sách ship COD, đặt mua sách ship COD, yêu cầu số hóa tài liệu, yêu cầu tài liệu điện tử…

Thư viện hướng dẫn bạn đọc sử dụng qua các bài đăng và clip ngắn trên kênh fanpage; phối hợp với các khoa, viện đào tạo để gửi thông báo đến từng SV. Sự đồng bộ từ các bộ phận trong trường giúp dịch vụ online được nhanh chóng triển khai, kịp thời hỗ trợ SV trong quá trình học tập tại nhà”, Giám đốc Thư viện VLU chia sẻ.

Thư viện VLU đóng gói sách chuyển cho SV qua hình thức ship COD.
Thư viện VLU đóng gói sách chuyển cho SV qua hình thức ship COD.

Đẩy mạnh các dịch vụ trực tuyến, từ xa

Ông Vũ Trọng Luật - Giám đốc Thư viện Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) cho hay: Khi trường chuyển kế hoạch học tập, thi cử, giải quyết các công việc theo hình thức trực tuyến, người học gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến thư viện như: Ký tạm dừng học tập, nộp lưu chiểu đồ án tốt nghiệp, luận văn cao học cho kịp tiến độ để xét tốt nghiệp; không có tài liệu phục vụ cho việc ôn thi học kỳ II và tài liệu phục vụ cho học kỳ III cũng như làm sao trả được hết sách đang nợ. Tâm lý của họ là lo lắng và đã gửi những câu hỏi đến thư viện.

“Từ thực tế này, thư viện đưa ra giải pháp ký xác nhận không nợ sách thư viện để tạm dừng/thôi học/học lại/xét tốt nghiệp theo hình thức trực tuyến. Trong đó, thư viện nhận email từ các khoa/phòng kiểm tra, liên hệ với người học qua điện thoại khi cần thiết, xử lý trên phần mềm Thư viện Libol. Sau đó, gửi kết quả cuối cùng cho các khoa/phòng liên quan”, Giám đốc Thư viện HCMUTE chia sẻ.

Còn tại VLU, theo ThS Thái Thị Thu Thắm, dù trường tạm dừng việc học tập trung, thư viện duy trì kết nối với SV thông qua thư viện số. Nguồn tài nguyên tri thức cung cấp đến SV được mở rộng bên ngoài phòng đọc, chia sẻ rộng rãi hơn mà không bị giới hạn bởi số bản sách vật lý, số chỗ ngồi hay thời gian mở cửa phục vụ. Tuy nhiên, điều kiện quan trọng để việc sử dụng thư viện số hiệu quả trong thời gian học tập trực tuyến là sự hướng dẫn, giới thiệu có chọn lọc từ GV về danh sách giáo trình, tài liệu tham khảo và sự chủ động, ý thức tự học, tự tìm hiểu từ SV.

“Thư viện số Văn Lang hiện tại kết nối với 19 cơ sở dữ liệu quốc văn và ngoại văn, phục vụ chủ yếu cho mục đích nghiên cứu. Bên cạnh đó, Thư viện số Văn Lang phát triển cơ sở dữ liệu môn học với hơn 16.000 tài liệu, là đề cương chi tiết, bài giảng, đề thi, đáp án, khóa luận, đồ án, giáo trình và tài liệu tham khảo số hóa – nguồn tài liệu cơ bản để tham khảo cho các môn học. Trong thời gian giãn cách xã hội, trung bình mỗi tuần, hơn 100.000 lượt SV xem và tải tài liệu trên thư viện số…”, Giám đốc Thư viện VLU chia sẻ thông tin thêm.

Theo ThS Lâm Bình Nguyên, thư viện online của IU có khoảng 28.500 tạp chí khoa học điện tử, hơn 64.000 e-book do IU sở hữu có bản quyền. Ngoài ra, nhà trường còn có kho dữ liệu lớn về số liệu báo cáo tài chính nhằm hỗ trợ học tập và nghiên cứu khoa học của khoa Quản trị kinh doanh mang tên EIKON.

“Đặc biệt, Thư viện IU còn liên kết với hệ thống thư viện trung tâm của ĐHQG TPHCM nên ngoài nguồn tài liệu được dùng của trường thì SV, học viên, GV còn có thể sử dụng sức mạnh hệ thống của ĐHQG để tìm sách, tài liệu phù hợp với nhu cầu như tạp chí khoa học, luận văn, e-book”, ThS Lâm Bình Nguyên cho biết thêm.

Nói về những tiện ích mà thư viện trường mang lại trong giai đoạn giãn cách xã hội, bạn Nguyễn Huỳnh Quốc Thắng - SV năm 2 khoa Ngoại ngữ VLU chia sẻ: “Nhà thuộc vùng bị phong tỏa. Em khá lo lắng, do đang học các môn trong học kỳ hè, tiến độ học nhanh hơn, mà thiếu sách sẽ khó theo kịp. Em biết đến dịch vụ đặt mua sách ship COD qua fanpage Thư viện Văn Lang và đã sử dụng 2 lần. Bất ngờ là dịch vụ khá nhanh, tối đặt sách thì trưa hôm sau đã có email xác nhận và đến ngày thứ hai sách tới bàn nhận vật phẩm ngoài khu phong tỏa rồi. Dịch vụ dùng tiện lợi và nhanh, mẫu đặt sách đơn giản, dễ thao tác”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ