Theo thông tin từ bệnh viện K, bệnh nhi Lê Bảo N., bị bệnh 2-3 tháng trước khi vào viện, ban đầu xuất hiện khối u vùng hàm dưới phải, không đỏ, không đau, ăn uống bình thường, sưng to. Đi khám tại bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương được sinh thiết chẩn đoán với Giải phẫu bệnh và Hóa mô miễn dịch: U lympho không Hodgkin
Ngày 21/02/2019, bệnh nhi đến khám tại Bệnh viện K được nhập viện khoa Nội Nhi với chẩn đoán: U lympho ác tính không Hodgkin giai đoạn III dòng tế bào B lớn lan tỏa và được truyền hóa chất phác đồ FAB LMB96 nhóm B (prephase COP: thuốc trong phác đồ là vincristine, cyclophosphamide, prednisolone). Đây là phác đồ điều trị chuẩn mực hiện đang được áp dụng tại Việt Nam và các nước tiên tiến.
Với tổn thương xương hàm phải là điều kiện thuận lợi cho nhiễm trùng, ngoài ra tác dụng phụ của thuốc sau quá trình truyền hóa chất có thể dẫn đến hạ bạch cầu rất dễ dẫn đến nhiễm khuẩn. Các tác dụng phụ của hóa chất đã được bác sĩ điều trị giải thích kỹ cho người nhà trước khi điều trị và người nhà đồng ý ký cam kết điều trị; sau điều trị bệnh nhi ổn định ra viện về nhà điều trị ngoại trú.
Ngày 05/3/2019, bệnh nhi tái khám, được khám, đánh giá lâm sàng. Khối u vùng xương hàm dưới phải đáp ứng một phần, u nhỏ còn lại một phần (khối u giảm khoảng 80%), bệnh nhi tiếp tục được điều trị chuyển pha tấn công COPADM1 (Cyclophosphamide, Vincristine, prednisolone, Doxorubicin, methotrexate) và bệnh nhi được nằm nội trú, theo dõi sát hàng ngày.
Đến ngày 10/03/2019, bệnh nhi đang truyền hóa chất xuất hiện: chảy máu mũi số lượng ít, không sốt, không ngạt mũi, không xuất huyết nơi khác, kèm theo đi ngoài nhiều phân lỏng 10 lần/ngày, được chẩn đoán: Rối loạn tiêu hóa/u lympho ác tính không Hodgkin giai đoạn IIIB đang điều trị, bệnh nhi được điều trị phác đồ tiêu chảy cấp: men vi sinh, bù nước và điện giải.
Bệnh nhân và người nhà đến khám và chữa bệnh |
Đến ngày 12/3/2019, bệnh nhi tỉnh, không sốt, niêm mạc miệng sạch không có giả mạc, toàn bộ khối u vùng hàm mặt phải thoái giảm trên lâm sàng, bụng mềm không có dấu hiệu ngoại khoa, đi ngoài nhiều lần/ngày, phân nhiều nước, không có tình trạng mất nước. Xét nghiệm cận lâm sàng: Bạch cầu: 6,6G/l; Bạch cầu trung tính: 6,27G/l; Hồng cầu: 3,8 G/l; Tiểu cầu: 303G/l. Bệnh nhi tiếp tục được điều trị theo phác đồ tiêu chảy cấp và theo dõi sát tại khoa.
Ngày 13/03/2019, bệnh nhi tỉnh, niêm mạc miệng sạch không loét, khối u vùng hàm mặt phải tan hoàn toàn, bụng mềm, đau bụng âm ỉ, xét nghiệm Hồng cầu: 3,6g/l; bạch cầu: 0,38g/l; bạch cầu trung tính: 0,17G/l; tiểu cầu: 183G/l, tình trạng nhiễm trùng nặng.
Được chẩn đoán: Hạ bạch cầu mức độ 4/u lympho ác tính đang điều trị, được sử dụng thuốc kích thích tăng bạch cầu, kháng sinh và được chuyển khoa Hồi sức cấp cứu điều trị tích cực và theo dõi sát tại khoa Hồi sức cấp cứu nhưng do tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, đến 07h45, sau cấp cứu ngừng tuần hoàn lần 2 theo phác đồ, tim không đập trở lại, huyết áp không đo được, bệnh nhi tử vong.
PGS.TS Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc bệnh viện và TS.BS Trần Văn Công, Trưởng khoa Nội nhi cùng với các bác sĩ Trưởng, phó khoa, phòng, đơn vị đã gặp mặt chia sẻ, động viên, giải thích với gia đình bệnh nhi; tổ chức làm việc với Công an huyện Thanh Trì; hỗ trợ cùng gia đình đưa bệnh nhi mổ pháp y tại Bệnh viện Quân Y 103, sau đó hỗ trợ xe đưa bệnh nhi về địa phương; sáng sớm ngày 14/03, PGS.TS Lê Văn Quảng cùng đoàn công tác của bệnh viện đã về địa phương chia sẻ với gia đình và dự tang lễ của bé.
Bệnh viện đã báo cáo về sự cố y khoa lên lãnh đạo Bộ Y tế. Bệnh viện đã thành lập Hội đồng chuyên môn để đánh giá quá trình điều trị bệnh nhi và phối hợp chặt chẽ với cơ quan Cảnh sát điều tra để sớm làm rõ nguyên nhân tử vong của bệnh nhi. Bệnh viện đã quyết định tạm đình chỉ công tác đối với TS.BS Phạm Thị Việt Hương, Phó Trưởng khoa Nội nhi (bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhi) để phục vụ công tác điều tra làm rõ vụ việc.