Giảm thiểu được các tiêu cực trong thi cử

GD&TĐ - PGS.TS Phạm Việt Đức – Giám đốc Sở GĐ&ĐT tỉnh Thái Nguyên - khẳng định như vậy khi chia sẻ với phóng viên báo Giáo dục và Thời đại xung quanh Dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017 vừa được Bộ GD&ĐT công bố. 

Giảm thiểu được các tiêu cực trong thi cử

Có thể nói, những đánh giá của PGS.TS Phạm Việt Đức cũng khá tương đồng với nhiều cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên THPT, giảng viên ĐH, CĐ khi trao đổi với chúng tôi về những nội dung liên quan đến Dự thảo vừa công bố của Bộ GD&ĐT.

Tránh học tủ, học lệch

Trước hết, ông có thể cho biết quan điểm của mình về Dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 mà Bộ GD&ĐT vừa công bố?

Có thể nói rằng, qua hai năm tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT đã có những chỉ đạo để các địa phương, các trường ĐH, CĐ tổ chức kỳ thi theo đúng mục tiêu đổi mới là đơn giản hóa, giảm áp lực cho thí sinh và tạo sự đồng thuận trong xã hội. Sau hai năm tổ chức kỳ thi, năm nay, Bộ GD&ĐT tiếp tục cải tiến và tìm giải pháp hoàn thiện kỳ thi, điều này được thể hiện rõ nét trong Dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017.

Qua nghiên cứu tôi thấy rằng về cơ bản, Dự thảo đã khắc phục được những hạn chế trong kỳ thi năm trước. Cụ thể: Thời gian thi từ 4 ngày, năm nay thí sinh chỉ phải thi trong hai ngày mà vẫn đảm bảo được thời gian thi của các bài thi. Liên quan đến hiện tượng học sinh học lệch, học tủ, kỳ thi đã có phương án tổ chức thành các bài thi chứ không tổ chức thành các môn thi trước đây; Như vậy, muốn làm tốt bài thi trong kỳ thi năm nay, học sinh phải học đều nhiều môn, đảm bảo đạt chuẩn kiến thức kỹ năng giáo dục phổ thông thì mới đạt được tiêu chuẩn để tốt nghiệp. Hiện tượng thí sinh ảo trong xét tuyển ĐH, CĐ những kỳ tuyển sinh trước cũng đã được Bộ GD&ĐT đưa ra giải pháp khắc phục.

Điểm mới của kỳ thi lần này là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sẽ đưa thêm một số nội dung chuyển sang thi trắc nghiệm; Như vậy, mặc dù học sinh vẫn phải học và giải các vấn đề trong đề ra như trước đây nhưng bằng các biện pháp kỹ thuật thi, sẽ tránh được những hiện tượng học sinh quay cóp bài, hay nhiều hiện tượng tiêu cực khác...

Ông kỳ vọng như thế nào về công tác đề thi của kỳ thi năm nay?

Chúng tôi hy vọng rằng công tác đề trong kỳ thi sẽ là vấn đề mấu chốt giải quyết được những băn khoăn của xã hội. Cụ thể: Trong ngân hàng đề thi, mỗi thí sinh sẽ có một mã đề thi riêng, hạn chế được tình trạng thí sinh chép bài của nhau hoặc hỗ trợ lẫn nhau khi làm bài thi. Công tác chấm thi trắc nghiệm cũng hoàn toàn khách quan, tạo được niềm tin của xã hội đối với kỳ thi.

Công tác tổ chức thi sẽ thuận lợi hơn

Ông đánh giá như thế nào về chủ trương Bộ GD&ĐT: Tại mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tổ chức một cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì dành cho tất cả các thí sinh của địa phương?

Trước đây, chúng tôi cũng có ý kiến đề xuất theo hướng này; Khi chúng ta có đủ các công cụ tin cậy công tác đề thi và công tác coi thi thì không nên tách thành hai cụm thi. Nếu để hai cụm thi như những năm trước thì trong xã hội có nhiều ý kiến băn khoăn về chất lượng giữa hai cụm thi, trong khi đó, về thực chất thì cả hai đều làm tốt cả.

Kinh nghiệm và năng lực tổ chức kỳ thi của các Sở GD&ĐT đã được chứng minh qua các kỳ thi từ những năm trước với quy mô tương đương. Thêm vào đó kỳ thi THPT lần này sẽ có thêm sự hỗ trợ của Bộ về ngân hàng đề thi và hình thức thi nên công tác tổ chức thi sẽ được giảm tải đi rất nhiều. Cụ thể là thi theo bài thi, thi theo hình thức trắc nghiệm, chấm thi trắc nghiệm, những công tác này liên quan nhiều đến mặt kỹ thuật nên việc tổ chức thi sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Đồng thời với đó là kỳ thi sẽ có sự giám sát, hỗ trợ của các trường đại học; Tại tỉnh Thái Nguyên có Đại học Thái Nguyên, nếu có những khó khăn nào, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan này để thực hiện kỳ thi theo đúng mục tiêu, kế hoạch đề ra, tạo niềm tin tưởng tuyệt đối của xã hội vào chủ trương đổi mới kỳ thi của Bộ trong kỳ thi lần này.

Ông có cho rằng việc Bộ GD&ĐT cử cán bộ, giảng viên từ các trường ĐH, CĐ đến địa phương để phối hợp, hỗ trợ và giám sát công tác tổ chức thi, coi thi và chấm thi là cần thiết, đảm bảo nghiêm túc của kỳ thi?

Tôi cho rằng ở kỳ thi trước, Bộ phải điều động cán bộ, giảng viên các trường đại học về các địa phương coi thi ở cụm thi đại học đã gây tốn kém thêm cho kỳ thi, gây khó khăn nhất định cho các trường đại học. Năm nay theo bản Dự thảo, nhiều bài thi sẽ thi bằng hình thức trắc nghiệm và trong phòng thi, mỗi thí sinh đều có mã đề riêng nên trong khâu coi thi, việc tăng cường nhiều cán bộ, giảng viên của các trường đại học trong coi thi là không cần thiết; các Sở GD&ĐT hoàn toàn có thể đảm đương được công tác coi thi dưới sự giám sát, chứng kiến của các trường đại học.

Kỳ thi THPT hai năm trước, UBND các tỉnh cũng đã chỉ đạo tốt hai cụm thi tại địa phương diễn ra an toàn, đúng mục tiêu, kế hoạch đề ra. Theo bản Dự thảo, kỳ thi năm nay Bộ GD&ĐT giao cho UBND các tỉnh chịu trách nhiệm về Kỳ thi THPT quốc gia diễn ra trên địa bàn; Chúng tôi tin rằng sẽ tham mưu cho UBND tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Đại học Thái Nguyên tổ chức kỳ thi diễn ra đúng kế hoạch, không có sơ suất và đảm bảo thuận lợi cho thí sinh.

Xin cảm ơn ông!

Nếu giải quyết tốt chất lượng của ngân hàng đề thi, sẽ tránh được tình trạng học sinh chọn câu đúng theo quy luật xác suất để ăn may. Theo lý giải của chuyên gia thì đề thi năm nay đã được thiết kế khoa học và chuẩn hóa, chúng tôi hy vọng điều này sẽ thành sự thực để đánh tan mọi băn khoăn của xã hội và kỳ thi sẽ đạt được mục tiêu đề ra.

PGS.TS Phạm Việt Đức

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.