Giảm thiểu định kiến giới trong lựa chọn nghề nghiệp

GD&TĐ - Sáng 17/3, Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức Toạ đàm “Giảm thiểu định kiến giới trong lựa chọn nghề nghiệp”.

Các diễn giả tham gia thảo luận tại Toạ đàm
Các diễn giả tham gia thảo luận tại Toạ đàm

Phát biểu tại Toạ đàm, TS Dương Kim Anh – Phó Giám đốc Học viện nhấn mạnh: Xoá bỏ định kiến giới trong lựa chọn ngành nghề là cần thiết. Điều đó không chỉ giúp thúc đẩy bình đẳng giới trong giáo dục mà còn góp phần đạt được bình đẳng giới trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: Trong lao động việc làm, thu nhập, lãnh đạo quản lý…

Với học sinh, sinh viên, khi xác định lựa chọn nghề nghiệp không phải là câu hỏi: giới tính của mình có phù hợp hay không? Mà là mình đã tìm hiểu và thực sự yêu thích, có khả năng làm ngành nghề đó hay không? Bằng đam mê và mong muốn của bản thân, các bạn sẽ chứng minh: không có bất cứ ngành nghề nào được quyết định bởi giới tính, chỉ cần có đam mê và dốc lòng theo đuổi – bạn sẽ thành công.

Đặt vấn đề, làm gì để giảm thiểu định kiến giới trong lựa chọn nghề nghiệp? GS.TS Trịnh Duy Luân - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam – chia sẻ: Cái gì là tác nhân gây ra, hãy tác động vào đó. Theo từng yếu tố, tổng hợp, hợp lực và cộng lực… (theo phong cách “cả xã hội vào cuộc”).

Ngoài ra, cần hoàn thiện cách tiếp cận, phương pháp để chuyển đổi nhận thức, thái độ, hành vi. Qua đó, từng bước thay đổi các khuôn mẫu văn hóa dựa trên cơ sở giới.

Bà Nguyễn Việt Nga - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nexia STT khuyến nghị các bạn học sinh nên lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và niềm say mê, sở thích của bản thân; có đủ các điều kiện để có thể theo học nghề mà mình chọn và không nên chạy theo những công việc thời thượng bởi nhu cầu xã hội biến đổi không ngừng… Cùng với đó, cần tìm hiểu kĩ về ngành nghề mình theo đuổi, đồng thời tham khảo thêm ý kiến của những người khác để có hướng đi của riêng mình.

TS Dương Kim Anh – Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam phát biểu tại Toạ đàm
TS Dương Kim Anh – Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam phát biểu tại Toạ đàm

Toạ đàm là hoạt động thuộc khuôn khổ Dự án “Thanh niên tham gia thay đổi định kiến giới, thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam” do Oxfam và Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ, nhằm thúc đẩy vai trò của thanh niên trong việc thay đổi định kiến giới. Tọa đàm thu hút hơn 100 đại biểu và diễn ra bằng hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Lựa chọn chủ đề “Giảm thiểu định kiến giới trong lựa chọn nghề nghiệp”, Khoa Giới và Phát triển (Học viện Phụ nữ Việt Nam) mong muốn góp phần giảm thiểu định kiến giới trong lựa chọn nghề nghiệp ở thanh niên. Hội thảo cũng là cơ hội để thanh niên, sinh viên, học sinh trao đổi, chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề giới, định kiến giới trong lựa chọn nghề nghiệp.

Tọa đàm tập trung nội dung chính như: Chia sẻ về bình đẳng giới trong lựa chọn nghề nghiệp, trong tuyển dụng lao động, từ góc nhìn lý thuyết và thực tiễn; trao đổi về các định kiến giới, rào cản giới trong lựa chọn nghề nghiệp của thanh niên hiện nay; thảo luận cách thức để thay đổi và giảm thiểu các định kiến giới trong lựa chọn nghề nghiệp, tuyển dụng lao động; vai trò của gia đình, nhà trường, truyền thông và xã hội trong thúc đẩy bình đẳng giới trong lựa chọn nghề nghiệp, trong lao động, việc làm.

Kể từ năm 2015, Học viện Phụ nữ Việt Nam được phép đào tạo cử nhân Giới và Phát triển. Đến nay, đã có hơn 200 cử nhân Giới và Phát triển tốt nghiệp, góp phần giảm thiểu định kiến giới, tạo đà phát triển bền vững cho xã hội. Năm học 2022-2023 Học viện Phụ nữ Việt Nam tiếp tục tuyển 60 chỉ tiêu sinh viên ngành này theo các hình thức xét tuyển thẳng, xét học bạ và xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.