Giảm tải… nỗi lo cho bệnh nhân

GD&TĐ - Đến bệnh viện từ sáng sớm để lấy số, chờ đến lượt khám và lại tiếp tục điệp khúc xếp hàng đóng tiền để đi làm xét nghiệm, rồi lại xếp hàng chờ gặp bác sĩ... 

Giảm tải… nỗi lo cho bệnh nhân

Để có được kết quả cuối cùng, trung bình mỗi bệnh nhân mất vài tiếng, cả buổi sáng hoặc cả ngày, thậm chí có người phải về nhà chờ vài ngày do phòng xét nghiệm cận lâm sàng quá đông. Chờ đợi trở thành nỗi ám ảnh với bệnh nhân và người nhà của họ. Đây cũng là trăn trở của ngành y trong việc hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Cải thiện nhưng chưa nhiều

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, hướng tới sự hài lòng của người bệnh là mục tiêu chiến lược được Bộ Y tế thực hiện trong mấy năm qua. Rất nhiều phong trào, hoạt động được phát động. Tuy nhiên cho đến nay, vẫn còn hạn chế tồn tại ở các cơ sở y tế cần khắc phục.

Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho biết: Cả nước hiện có 1.400 bệnh viện, trong đó có 39 bệnh viện tuyến Trung ương, 492 bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố và 645 bệnh viện tuyến huyện, 31 bệnh viện ngành, còn lại là các trung tâm y tế. Điểm chung ở bệnh viện tuyến huyện trở lên là tình trạng lộn xộn, chen chúc tại khu vực khám bệnh và quá tải ở các khoa phòng.

Bên cạnh đó, thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, thái độ ứng xử giao tiếp của nhân viên y tế còn kém, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị xuống cấp… Sau đợt khảo sát, người đứng đầu ngành y tế đã thừa nhận: Nhìn vào bệnh viện mà thấy buồn. Trong phòng bệnh thì thấy bệnh phải nằm ghép. Nhìn ra phòng khám thì thấy nhếch nhác, bệnh nhân chờ đợi 6 - 10 tiếng đồng hồ mới tới lượt khám…

Trước thực trạng trên, ngành y tế quyết tâm thực hiện việc cải thiện khoa khám bệnh, hoàn thiện quy trình khám, chữa bệnh để giảm sự chờ đợi trong khám, chữa bệnh. Đây là nhiệm vụ các bệnh viện phải thực hiện nhằm nâng cao hơn nữa sự hài lòng của người bệnh và thay đổi hình ảnh người thầy thuốc trong mắt người dân.

Từ đó đến nay, quy trình khám chữa bệnh đã cải thiện, giảm từ 10 - 12 bước xuống còn 4 - 8 bước. Tại các bệnh viện, quy định mỗi buồng bệnh chỉ khám 50 người bệnh/8 giờ. Bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính khiến bệnh nhân… bấn loạn như bảo hiểm, giấy chuyển viện , chứng minh thư được quy về một mối. Kết quả xét nghiệm cận lâm sàng trả về cho phòng khám ban đầu… giúp bệnh nhân không phải đến từng khoa, phòng để lấy như trước.

Sự thay đổi trong cung cấp dịch vụ, thái độ ứng xử được ghi nhận ở hầu hết các cơ sở y tế. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này mới chỉ có 55,7% bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố có báo cáo thực hiện việc cải tiến quy trình khám bệnh.

Tỷ lệ này ở bệnh viện tuyến huyện là 62,6% và 100% ở tuyến Trung ương nên thời gian chờ của bệnh nhân có giảm nhưng không nhiều. Hiện thời gian trung bình bệnh nhân chờ đến lượt khám từ 45 - 60 phút. Với người trẻ, bệnh nhẹ không sao chứ với người già, trẻ nhỏ và bệnh nặng thì đây là cả một vấn đề lớn.

Làm đến cùng

Tại Hội nghị Giảm thời gian chờ đợi khám bệnh, chữa bệnh, cải thiện nhà vệ sinh bệnh viện, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Thời gian chờ đợi của bệnh nhân ở bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố giảm đáng kể. Bộ mặt các bệnh viện (khoa Khám bệnh) không còn nhếch nhác, đông đúc như trước nhưng tại bệnh viện tuyến cuối, tình trạng này cải thiện chưa đáng kể.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, mỗi bệnh viện đưa ra lý do khác nhau nhưng khi đã quyết tâm thực hiện, các bệnh viện phải chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình khám (đăng ký khám trực tuyến, trả viện phí qua thẻ ngân hàng…), chữa bệnh, tăng thời gian khám bệnh trong ngày và số ngày khám bệnh trong tuần.

Với vấn đề vệ sinh bệnh viện, có liên quan mật thiết đến tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện. Vậy lãnh đạo bệnh viện hãy kiểm soát tình trạng nhiễm khuẩn bằng việc giữ vệ sinh môi trường, vệ sinh trong bệnh viện, đặc biệt là các nhà vệ sinh thông qua việc đầu tư chỗ rửa tay cho nhân viên y tế, người bệnh và người nhà của họ.

Còn theo Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê, hiện nhiều bệnh viện xây dựng mô hình nhà vệ sinh đạt chuẩn khách sạn. Như vậy, không thể nói khó không làm được mà vấn đề có quyết làm hay không.

Để giải quyết tận gốc vấn đề này, theo ông Khuê, tới đây bộ sẽ đưa nhà vệ sinh là tiêu chí đặc biệt quan trọng trong quá trình chấm điểm, xếp hạng các bệnh viện. Như vậy, dù chất lượng khám chữa bệnh tốt nhưng không đảm bảo yếu tố vệ sinh sẽ bị chấm điểm kém, kể cả đó là bệnh viện tuyến cuối.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ