Bệnh viện quá tải trầm trọng
Nhiều năm nay, khu vực miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội vẫn ghi nhận ca mắc sốt xuất huyết khi mùa dịch đến. Nhưng năm nay, ngoài việc dịch đến sớm hơn mọi năm thì số ca mắc phải nhập viện cũng tăng bất thường.
Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu, thông thường, dịch sốt xuất huyết diễn ra vào khoảng tháng 7 - 8, nhưng năm nay dịch xuất hiện sớm với số ca mắc nhiều từ tháng 5 và tháng 6. Bên cạnh đó nguyên nhân do điều kiện thời tiết, khí hậu diễn biến thất thường, nóng ẩm mưa nhiều ngay từ đầu năm, không có đợt rét “nàng Bân”… khiến muỗi véc tơ truyền bệnh phát triển mạnh.
Dịch tăng nhanh còn có nguyên nhân từ sự giao lưu mạnh mẽ giữa các quốc gia, giữa các vùng trong cả nước. Người dân tập trung đông tại các điểm vui chơi, giải trí, du lịch; tập quán sinh hoạt của người dân và học sinh, sinh viên từ các thành phố về quê nghỉ hè cũng khiến dịch bệnh mùa hè có nguy cơ bùng phát cao.
Thời gian dịch bệnh kéo dài khiến số ca mắc cũng tăng theo. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là bệnh viện tuyến cuối tiếp nhận bệnh nhân nặng do sốt xuất huyết. Thống kê sơ bộ của bệnh viện cho thấy, 2 tuần qua số bệnh nhân vào viện khám do sốt xuất huyết tăng nhanh với khoảng 200 người bệnh khám mỗi ngày, tỷ lệ nhập viện lên đến 10 - 20%, 3 - 5 ca phải chuyển cấp cứu. So với cùng kỳ năm ngoái, số bệnh nhân tăng gấp 4 lần.
Dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội đang bùng phát và bệnh viện cũng trong tình trạng “căng thẳng” trong tiếp đón, điều trị cho bệnh nhân. Theo Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương Nguyễn Văn Kính, bệnh viện phải lấy thêm phòng của khoa khác làm nơi khám và điều trị cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.
Tuy nhiên, giải pháp tình thế trên vẫn “không lại được” so với số người vào viện. Do vậy, bệnh viện phải thực hiện phương án luân chuyển bệnh nhân, tức là người đã ổn định sức khỏe được chuyển về tuyến dưới. Bệnh nhân vẫn cần điều trị tiếp nhưng đã qua cơn nguy kịch được chuyển về cơ sở 2 ở Đông Anh.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM cũng rơi vào cảnh tương tự. 6 tháng đầu năm 2017, bệnh viện đã tiếp nhận 4.328 ca sốt xuất huyết, trong đó có 250 ca nặng (sốc thoát huyết tương, suy đa tạng, sốc xuất huyết thể não, viêm cơ tim…). Đại diện bệnh viện này cho biết những tuần gần đây, tình trạng quá tải càng căng thẳng do số ca nhập viện nội trú tăng dần. Có tuần bệnh nhân phải điều trị tăng 100 ca so với tuần trước đó.
Bác sĩ đau đầu với bệnh dịch
Tình trạng chung tại các bệnh viện tuyến cuối hiện nay là quá tải và số lượng bệnh nhân bị biến chứng do sốt xuất huyết lớn. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM ghi nhận 250 ca nặng, trong đó có nhiều trường hợp xuất huyết thể não, sốc thoát huyết tương…
Còn tại Hà Nội, bác sĩ cũng đau đầu đi tìm nguyên nhân lý giải lý do có nhiều bệnh nhân bị biến chứng nặng trong khi tác nhân gây bệnh và truyền bệnh chưa có yếu tố đột biến. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Kính, số bệnh nhân bị biến chứng xuất huyết nội tạng và não sau khi mắc sốt xuất huyết là vấn đề cần lưu tâm. Nếu như mọi năm chỉ có 1 - 2 ca tử vong do xuất huyết não, thì năm nay đã có 5 người chết.
Bệnh có thể diễn biến nhanh nên người dân không thể chủ quan lơ là khuyến cáo các bác sĩ đưa ra bởi thực tế tại bệnh viện, có bệnh nhân cắt sốt, bắt đầu tươi tỉnh trở lại nhưng lại tử vong ngay sau đó do xuất huyết não.
Cũng có người hết sốt tưởng bệnh giảm nhưng ngay sau đó phải thở máy, truyền máu do tiểu cầu giảm… không phanh dẫn đến rối loạn đông máu. Vì thế, người bệnh cần theo dõi chặt ngày thứ 3 sốt, hầu hết biến chứng đều xảy ra ở ngày này, đối với sốt xuất huyết. Đau vùng gan, dạ dày hay sốt cao vật vã cũng là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm.