Để thực hiện mục tiêu này, ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng, cho biết trước mắt sẽ rà soát để giảm ít nhất là 50% các cuộc thi mang tính phong trào dành cho GV và HS, đồng thời không sử dụng kết quả các cuộc thi để cộng điểm thi tuyển sinh.
Dồn lực đầu tư CSVC
Năm học 2017 - 2018, Đà Nẵng có thêm 14 trường mầm non; ở bậc học tiểu học và THCS, mỗi bậc học tăng thêm 1 trường, bậc THPT tăng thêm một trường.
Đà Nẵng đang nỗ lực cho mục tiêu 100% HS tiểu học được học 2 buổi/ngày theo Nghị quyết đề ra của HĐND thành phố, giải quyết tình trạng quá tải ở một số trường học với mức đầu tư 277 tỉ đồng do khối UBND các quận, huyện làm chủ đầu tư để xây thêm phòng học tại 34 trường. Với 19 phòng học được xây thêm tại các Trường Tiểu học Lê Quang Sung, Nguyễn Trung Trực và Tiểu học Dũng sĩ Thanh Khê và xây mới cơ sở 3 Trường Tiểu học Trần Cao Vân với 30 phòng học, năm học mới này, quận Thanh Khê đã cán đích, có 100% HS tiểu học được học chương trình 2 buổi/ngày.
Quận Cẩm Lệ có thêm 2 trường tiểu học xây mới được đưa vào sử dụng trong năm học này. Ngành GD-ĐT Đà Nẵng cũng đang nỗ lực thực hiện giảm sĩ số HS/lớp ở bậc tiểu học theo đúng lộ trình của UBND TP đề ra. Như quận Thanh Khê đã có khoảng 70% lớp học đảm bảo 35 HS/lớp.
Quận Sơn Trà đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 Trường Tiểu học Hai Bà Trưng, xây thêm 8 phòng học tại Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương, 12 phòng học tại Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện, 8 phòng học tại Trường Tiểu học Nguyễn Phan Vinh… nên năm học này sẽ không còn tình trạng sử dụng phòng chức năng để làm phòng học.
Với 41,5 tỉ đồng đầu tư cho phòng học bộ môn trong năm 2017, Đà Nẵng đang đầu tư mạnh mẽ để hướng đến mục tiêu đến năm 2020, 100% các trường phổ thông trên địa bàn đều có 7 phòng bộ môn được đầu tư xây dựng theo đúng qui định của Bộ GD&ĐT; đội ngũ cán bộ, GV được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu về hình thức dạy học tại phòng bộ môn.
Đến nay, đã có 60 trường trung học có phòng bộ môn đạt chuẩn, với số lượng 188 phòng đạt chuẩn/303 phòng học bộ môn, đạt tỉ lệ 62%. Ông Nguyễn Đình Vĩnh - Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng - cho biết: “Năm 2017, Đà Nẵng sẽ xây dựng thêm 30 phòng học bộ môn của 11 trường trung học; nâng tỉ lệ trường có phòng đạt chuẩn lên 65,5%. Đến nay, có 11 trường với 30 phòng đang được đồng loạt triển khai xây dựng, dự kiến có 11 trường hoàn thành kịp phục vụ cho năm học mới”.
Trong 3 tháng hè, các trường học đã khẩn trương tu bổ, sửa chữa trường lớp, mua sắm, bổ sung thêm trang thiết bị nhằm phục vụ tốt công tác dạy học. Kinh phí duy tu, bảo dưỡng cơ sở vật chất - kỹ thuật trong hè của các đơn vị trường học là 92,420 tỉ đồng. “Ngoài 10 tỷ đồng mua sắm bàn ghế đạt chuẩn, trang thiết bị dạy học, hồ bơi… các trường học ở địa bàn quận Thanh Khê đều được đầu tư lắp đặt hệ thống nước uống tia cực tím theo quy định của Liên Bộ Y tế - Giáo dục” - ông Phạm Đình Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Khê cho biết.
Giảm tải hội họp, hồ sơ sổ sách cho GV
Ông Nguyễn Đình Vĩnh cho biết, năm học 2017 - 2018 này, thực hiện chủ trương giảm tải tối đa cho cả HS và GV, Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục rà soát để giảm ít nhất là 50% các cuộc thi mang tính chất phong trào.
“Ngoài những cuộc thi mà Bộ GD&ĐT không còn tổ chức nữa thì những cuộc thi mang tính phong trào còn lại, Sở sẽ nghiên cứu để có cách thức tổ chức khoa học, phân vùng phù hợp để các quận, huyện trên địa bàn tổ chức luân phiên tùy theo tính chất từng vùng hoặc theo thế mạnh của từng trường, cấp học chứ không như trước đây, tất cả các trường, các cấp học đều tham gia tất cả các cuộc thi” - ông Vĩnh chia sẻ. Ví dụ như cuộc thi tìm hiểu Luật Giao thông và An toàn giao thông, có những nội dung sẽ dành cho HS các trường ở quận Hải Châu, Thanh Khê dự thi, có những nội dung phù hợp với điều kiện của quận Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn thì sẽ do HS ở các quận này dự thi chứ không phải triển khai cùng một nội dung để tất cả các trường, cấp học đều phải tham gia như trước đây.
Các cuộc thi của các câu lạc bộ, Sở sẽ giao cho các phòng chuyên môn phối hợp với các đơn vị tài trợ để vận động xã hội hóa kinh phí tổ chức. Các cuộc thi được tổ chức theo hình thức thi giữa các câu lạc bộ và trên tinh thần HS tự nguyện tham gia. Ví dụ như thi thuyết trình văn học, sẽ phối hợp với nhà xuất bản để tổ chức. Với chủ trương không sử dụng kết quả các cuộc thi để cộng điểm thi tuyển sinh, các cuộc thi sẽ thực sự là sân chơi cho HS thể hiện tài năng cũng như đam mê của mình.
Đối với cán bộ, GV, những cuộc họp không cần thiết thì sẽ được trao đổi qua Internet, tin nhắn; tích hợp, lồng ghép một số cuộc họp với nhau để đỡ tốn thời gian, công sức đi lại của GV. Người chủ trì phải có sự chuẩn bị chu đáo để cuộc họp diễn ra hiệu quả nhất. Sở cũng sẽ xem xét loại bỏ các loại hồ sơ không cần thiết, gây phiền hà cho GV, HS.
Cũng theo ông Nguyễn Đình Vĩnh, trong năm học 2017 - 2018, ngành GD-ĐT Đà Nẵng đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp dạy học, giáo dục theo hướng phát triển năng lực HS, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo hướng tinh giản các nội dung bất hợp lý hoặc không cần thiết, gắn đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, thi… tiếp cận Chương trình giáo dục phổ thông mới; đồng thời chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng, ý thức trách nhiệm đối với xã hội, cộng đồng của HS.