Phải chăng mập mờ để tiêu cực

(GD&TĐ) - Gần mười hai giờ trưa, trời nắng oi ả, vừa dừng xe trước cổng nhà, tôi đã nhận ra vị phụ huynh cách đây một thời gian tới xin cho con được học trái truyến tại một trường Tiểu học ở Đà Nẵng với lý do: Mẹ cháu xét nghiệm “nghi” ung thư phải chạy chữa không ai đưa đón.

Còn đang ngạc nhiên chưa hiểu lý do gì mà chị tìm tới tôi không gọi điện báo trước thì người phụ nữ đã khệ nệ bảo “có chút quà quê thăm em”, rồi rào đón, trình bày một cách dài dòng cái sự xin cho con được học lớp chọn cùng bạn gần nhà để giúp nhau tiến bộ. Chốt lại là: “Cái việc chọn trường thì năm nay chị chẳng dám nhờ em. Nhưng ít ra thì cháu nó cũng được học lớp kha khá một chút”.

Tới lúc này thì tôi phải tỏ thái độ không bằng lòng của mình, giải thích cho người phụ nữ biết rằng không có chủ trương nào từ trên cho phép các trường được thành lập lớp chọn cả. Học sinh vào trường thì ban giám hiệu phân lớp đều như nhau, làm sao biết lớp nào chất lượng hơn, lớp nào chuyên hay chọn. Nhưng người phụ nữ lại quả quyết với tôi rằng, có lớp chọn hẳn hoi, mặc dù ban giám hiệu không thông báo công khai nhưng ở trường ai cũng biết đó là 3 lớp 6A1, 6A2, 6A3. 

Vài hôm sau, tôi lại tiếp tục nhận được cú điện thoại của người bạn từ Duy Xuyên (Quảng Nam) gọi ra nhờ xin cho con vào lớp chọn khối 10 của một trường THPT danh tiếng. Tôi cũng giải thích tương tự như giải thích cho vị phụ huynh ở Đà Nẵng, nào ngờ bị bạn tôi “lên lớp” ngược trở lại, rằng làm nhà báo sao mà ấu trĩ, lạc hậu quá! Bây giờ trường nào “ngon ngon” một chút ở thị xã, huyện lỵ, thành phố mà chẳng có lớp chọn.

Có nơi ban giám hiệu xuất phát từ việc muốn “quy hoạch” số học sinh giỏi  vào một lớp để đầu tư giáo viên cho có chất lượng mũi nhọn, nhưng cũng không ít nơi ban giám hiệu làm vậy để thực hiện quyền lực riêng của mình, hay toan tính lợi ích cá nhân…

Người bạn còn cho tôi biết thêm, năm nào cũng vậy, cứ tới mùa khai giảng là nhà vị hiệu trưởng của ngôi trường danh tiếng nọ lại có một số vị phụ huynh thuộc hàng “đại gia” hay có vị thế xã hội tới để xin được “chọn” những thầy cô giáo dạy giỏi bộ môn vào lớp có con em mình học. 

Tôi đã làm một cuộc thăm dò thực trạng lập ra lớp chọn hay là chọn thầy cô giáo ở một số đơn vị trường học khác, địa phương khác mà bạn tôi vừa nêu, hóa ra đây là thực trạng có thật một trăm phần trăm. 

Lợi hay hại của việc tự ý thành lập lớp chọn ở các trường phổ thông đại trà (không chuyên)? Câu trả lời xin nhường cho bạn đọc “Chuyện làng giáo”. Riêng tôi, việc làm trái chủ trương của Bộ GD&ĐT ở một số trường như đã nêu trên là không thể chấp nhận, nhất là trong khi ngành giáo dục và đào tạo chú trọng yêu cầu giảm tải để nâng cao chất lượng.

Thêm nữa, việc “chạy chọt” để cho con em mình được chọn lớp, chọn thầy cô giáo phải chăng cũng là làm gương xấu của “tham nhũng” cần phải phòng ngừa từ gốc mà Bộ đang đặt thành nội dung cần phải tích hợp-- trong quá trình giáo dục học sinh ở nhà trường. 

Hồng Thúy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ