Giảm nghèo theo địa chỉ: Tránh "ép buộc" thoát nghèo, cần thay mức chuẩn nghèo

GD&TĐ - Chuẩn bị cho công tác giảm nghèo trong giai đoạn tới, một trong những vấn đề được quan tâm là thiết kế chính sách cụ thể, rõ ràng đến từng đối tượng. Đây là giải pháp khắc phục bất cập trong giai đoạn 2015-2020.

Thông qua lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, nhiều hộ nghèo đã có nghề và việc làm để vươn lên thoát nghèo
Thông qua lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, nhiều hộ nghèo đã có nghề và việc làm để vươn lên thoát nghèo

Bất cập khi địa phương chạy theo thành tích

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong công tác giảm nghèo giai đoạn 2015-2020. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã cho thấy một số bất cập cần được điều chỉnh, khắc phục.

Theo phản ánh của báo chí, thời gian vừa qua trong quá trình cấp tiền hỗ trợ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng của Chính phủ, tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xuất hiện tình trạng có cán bộ thôn đến vận động người dân không nhận tiền hỗ trợ. Thậm chí có nơi cán bộ còn in sẵn mẫu đơn tự nguyện không nhận tiền.

Cũng từ việc thực hiện chính sách này, đã phát hiện không ít trường hợp hộ cận nghèo nhưng có điều kiện kinh tế khá giả, nhà cửa khang trang nhưng vẫn nằm trong danh sách được nhận tiền hỗ của Chính phủ. Một số địa phương chạy theo thành tích, vận động người dân thoát nghèo khi chưa hết nghèo.

Những vấn đề nêu trên đã tạo dư luận không tốt trong nhân dân và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế, xã hội tại địa phương.

Tinh thần Nghị quyết của Chính phủ và Thủ tướng là đưa gói hỗ trợ tới người dân gặp khó khăn, giảm sâu thu nhập. Đối với người dân thuộc đối tượng được hỗ trợ, nếu tự xét thấy vẫn có thể ổn định cuộc sống thì họ có thể không nhận. Nhưng nếu cán bộ vận động, "ép buộc" để người dân từ chối nhận thì sai, rất đáng lên án và cần phải xử lý.

Không chỉ tình trạng nêu trên, quá trình giảm nghèo cũng đã bộc lộ một số vấn đề cần được quan tâm. Cụ thể, để thực hiện xây dựng Nông thôn mới, phải hoàn thành tiêu chí giảm nghèo. Thực tiễn từ các địa phương, có những nơi còn nôn nóng xây dựng xã nông thôn mới, nên đã có những cách làm không đúng.

Ví dụ, việc sát nhập hộ nghèo, cận nghèo để làm giảm nhanh chóng tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo nhằm hoàn thành xây dựng Nông thôn mới. Việc này đã làm sai lệch bản chất tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo tại địa phương.

Tiêu chí giảm nghèo đã được xây dựng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, hoàn toàn không  phải là tiêu chí quá cao để không sức ép cho các địa phương phải chạy tiến độ, chỉ tiêu. Việc sáp nhập có thể làm giảm số hộ, nhưng thực chất quy mô người nghèo không thay đổi.

Nhận diện hộ nghèo từ chuẩn mới

Hiện nay, cơ quan quản lý Nhà nước về vấn đề giảm nghèo cũng đã nhìn thấy thực trạng này và đặt ra các giải pháp.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, trong bối cảnh kinh tế xã hội đang thay đổi nhanh chóng thì cần thiết phải ban hành chuẩn nghèo mới, trong đó nhấn mạnh tới vấn đề thay đổi các mức chuẩn nghèo.

Cần nhận diện nhanh nhóm dân cư có điều kiện khá giả, loại trừ. Sau đó sử dụng bộ công cụ nhận diện chính sách phù hợp với hộ nghèo, cận nghèo. Xác định rõ các nguyên nhân nghèo, từ đó để cán bộ cấp xã áp các công cụ đánh giá vào nhận diện...  Sau khi phân loại rõ đối tượng, từ đó phân loại chính sách để tác động phù hợp.

Về nhóm giải pháp cụ thể, ông Tô Đức – Chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cho rằng, việc thiết kế chính sách cần phải rõ ràng, riêng biệt và cụ thể. Ngoài việc xác định tỷ lệ hộ nghèo, cần tính toán số hộ nghèo, khẩu nghèo quy định trên địa bàn, trong năm phải giảm được toàn diện cả số khẩu và số hộ,…

Trong khâu rà soát, điều tra để thực hiện chương trình giảm nghèo ở địa phương, cách thức giảm nghèo cần gắn với đối tượng và nguyên nhân nghèo của đối tượng, giao cho chính quyền cấp xã thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo cho từng đối tượng, từng cá nhân. Xác định nguồn lực, phân công người giám sát, hỗ trợ cho từng nhóm đối tượng cụ thể.

Bên cạnh đó, cần có giải pháp nâng cao ý chí, thúc đẩy động lực thoát nghèo của người nghèo, cộng đồng nghèo, địa phương nghèo. Mong muốn thoát nghèo phải trở thành ý chí, nguyện vọng trong suy nghĩ của từng lãnh đạo địa phương, từng người nghèo. Tránh tâm lý ỉ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước.

"Tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ nghèo cả nước bình quân giảm còn dưới 4%; bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm khoảng 3-4% so với cuối năm 2018, đạt mục tiêu Quốc hội giao trước 1 năm. Đã có 21 địa phương hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng người có công với cách mạng; 93/292 xã vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đạt 31,8%".

“Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ