Cử tri đề nghị Bộ xem xét điều chỉnh giảm học phí ĐH và các cấp học.
Bộ GD&ĐT cho biết: Nghị quyết số 19-NQ/TW đã đề ra mục tiêu: “Đến năm 2021, hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản) đối với một số lĩnh vực cơ bản như y tế, GD-ĐT, giáo dục nghề nghiệp.
Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập ghi rõ: Đến hết năm 2021, cơ bản hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định, chi phí khác theo quy định của pháp luật về giá).
Theo các quy định trên, đến năm 2021 giá dịch vụ GD-ĐT (học phí) phải tính đủ chi phí đào tạo, khi đó mức học phí sẽ tăng cao. Vì vậy, để bảo đảm an sinh xã hội, Bộ GD&ĐT đề xuất mức tăng học phí hằng năm phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Theo đó, dự kiến đến năm 2025 sẽ tính đủ chi phí đào tạo đối với giá dịch vụ đào tạo ĐH; đến năm 2030 sẽ tính đủ chi phí đào tạo đối với giá dịch vụ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông sử dụng ngân sách Nhà nước.
Cụ thể: Bộ GD&ĐT đã tham mưu
Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực GD-ĐT để áp dụng từ năm học 2021 - 2022. Theo đó, mức học phí hằng năm được điều chỉnh theo lộ trình phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng đóng góp của người dân, tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng nhằm bảo đảm an sinh xã hội.
Tuy nhiên, để chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh, học sinh (HS) và người dân do ảnh hưởng với dịch bệnh Covid-19, Nghị định số 81/2021/NĐ-CP đã quy định mức học phí của các cơ sở giáo dục công lập năm học 2021 - 2022 giữ ổn định, không tăng so với năm học 2020 - 2021.
Đối với sinh viên (SV) nghèo có học lực khá giỏi, Nhà nước đã có các chính sách về miễn, giảm học phí và cấp học bổng, quy định tại: Nghị định số 81/2021/NĐ-CP; Nghị quyết số 77/2014/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập giai đoạn 2014 - 2017; Nghị định số 84/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục; Quyết định số 66/2013/QĐ-TTg quy định chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với SV là người dân tộc thiểu số tại các cơ sở giáo dục ĐH.
Về kiến nghị miễn học phí cho các cấp học: Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, trong đó quy định miễn học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi và HS THCS theo lộ trình sau:
(i) Trẻ mầm non 5 tuổi ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của cơ quan có thẩm quyền được miễn học phí từ năm học 2018 - 2019 theo quy định tại Nghị định số 145/2018/NĐ-CP;
(ii) Trẻ mầm non 5 tuổi không thuộc đối tượng quy định tại mục (i) được miễn học phí từ năm học 2024 - 2025 (được hưởng từ 1/9/2024);
(iii) HS THCS ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của cơ quan có thẩm quyền được miễn học phí từ năm học 2022 - 2023 (được hưởng từ 1/9/2022);
(iv) HS THCS không thuộc đối tượng quy định tại mục (iii) được miễn học phí từ năm học 2025 - 2026 (được hưởng từ 1/9/2025).
Như vậy, cơ bản trẻ mầm non 5 tuổi, HS tiểu học, THCS đã được miễn học phí theo lộ trình.