Nhiều trường miễn, giảm học phí
ThS Nguyễn Thị Thu Hường – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội cho biết: Học kỳ I năm học 2021 - 2022, nhà trường quyết định giảm 5% học phí cho sinh viên toàn trường. Những sinh viên ở trong khu ký túc xá nếu không có máy tính hoặc các phần mềm học tập được hỗ trợ lên thư viện của trường để học miễn phí. Ngoài ra, nhà trường hỗ trợ toàn bộ chỗ ở tại ký túc xá miễn phí cho 100 sinh viên thực tập.
Trường ĐH Ngoại thương (Hà Nội) cũng đưa ra hàng loạt chính sách hỗ trợ sinh viên (hệ đại học chính quy các khóa từ K59 trở về trước, đang học tập tại trường, xét theo năm học 2021 - 2022) trong mùa dịch Covid-19. Theo đó, nhà trường có nhóm các giải pháp hỗ trợ học phí như: Không tăng học phí đại học chính quy áp dụng cho năm học 2021 - 2022. Đây là năm thứ hai liên tiếp nhà trường không tăng học phí, mặc dù theo đề án đã được Chính phủ phê duyệt, lộ trình tăng học phí mỗi năm khoảng 7 - 10% .
Ngoài ra, nhà trường hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 với mức hỗ trợ tương đương 100%, 70%, 50%, 30% học phí căn cứ theo hồ sơ và các minh chứng, xác nhận (sinh viên nộp hồ sơ theo thông báo cụ thể của nhà trường). Nhà trường cũng hỗ trợ sinh viên bằng hình thức cho vay vốn tín dụng thông qua Quỹ học bổng FTU-Mabuchi với lãi suất cho vay là 0% trong thời gian học tập.
Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) quyết định giảm 5% học phí cho sinh viên chính quy của trường. Đối với sinh viên theo chương trình đề án (chất lượng cao, chương trình tiên tiến, chương trình Việt - Pháp) được giảm 7% học phí. ThS Phùng Quán - Trưởng phòng Thông tin truyền thông - cho hay: Ngoài giảm học phí, nhà trường còn hỗ trợ từ nguồn khác cho sinh viên khoảng 1,5 tỉ đồng. Đến nay, trường đã hỗ trợ trực tiếp cho hơn 420 sinh viên khó khăn trong dịch Covid-19.
Em Đoàn Chí Linh – sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) bày tỏ: “Việc các cơ sở giáo dục quyết định giảm học phí cho sinh viên là động viên lớn đối với chúng em. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”; chúng em sẽ nhớ mãi việc làm này và mong muốn tất cả địa phương, trường học từ mầm non cho đến đại học cùng chung tay chia sẻ khó khăn, gánh nặng tài chính với phụ huynh và học sinh, sinh viên”.
Nhằm kịp thời chia sẻ và hỗ trợ phụ huynh học sinh trong bối cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khoảng 20 địa phương quyết định miễn, giảm học phí cho học sinh các cấp. Đơn cử như: TP Hồ Chí Minh quyết định miễn 100% học phí học kỳ I đối với học sinh từ mầm non đến THPT. TP Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh quyết định miễn 100% học phí cả năm học đối với học sinh từ mầm non đến THPT. TP Hà Nội quyết định giảm 50% học kỳ I. Học kỳ II, nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Sở GD&ĐT tiếp tục tham mưu để có thể miễn 100% học phí cho người học.
Không nên “phình” ra nhiều khoản khác
Tuy nhiên, bên cạnh nhiều địa phương, cơ sở giáo dục đại học miễn, giảm học phí cho người học, cũng có một số đơn vị lại không thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh khiến phụ huynh bức xúc. Mới đây, Báo Giáo dục & Thời đại nhận được đơn kiến nghị của hơn 200 phụ huynh phản ánh Trường Greenfield School (Văn Giang, Hưng Yên) tăng học phí năm học 2021 - 2022. Theo đơn phản ánh, đầu tháng 6/2021, nhà trường gửi email cho phụ huynh học sinh thông báo về các khoản phí đóng đầu năm; trong đó có việc tăng mức học phí năm 2021 - 2022 khoảng 10%.
Đến ngày 4/8, Bộ GD&ĐT ban hành Công văn 3277 về việc thực hiện chia sẻ khó khăn, hỗ trợ học sinh, sinh viên và phụ huynh trong tình hình dịch bệnh Covid-19. Ngày 11/8, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành Công văn 1846, trong đó đề nghị các cơ sở giáo giáo dục đào tạo ngoài công lập không tăng học phí, giữ ổn định mức học phí của năm học 2021 - 2022 như mức học phí năm học 2020 - 2021 đã ban hành.
Ngày 10/9, Sở GD&ĐT Hưng Yên có Công văn số 1654 đề nghị Trường Greenfield School không thu tăng học phí và các khoản thu dịch vụ năm học 2021 - 2022; không thu các dịch vụ học sinh không sử dụng trong thời gian học trực tuyến và hoàn trả phụ huynh học sinh nếu phụ huynh đã đóng các khoản phí dịch vụ này.
Đến nay, đại diện phụ huynh HS cho biết chưa nhận được thông báo của nhà trường điều chỉnh lại mức học phí để phù hợp với quy định ban hành. Đại diện phụ huynh HS khẳng định “nhà trường cần tuân thủ các các văn bản chỉ đạo của Sở GD&ĐT đến UBND tỉnh”.
Còn tại một số trường công khác, dù học phí giảm nhưng danh mục khoản thu khác lại phình ra khiến nhiều phụ huynh bức xúc như Trường Tiểu học Trường Thọ, THPT Lê Chân (Hải Phòng) được Báo GD&TD phản ánh.
Theo luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng - Công ty Luật TNHH Kim Phụng và Cộng sự, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), trong mối quan hệ với phụ huynh và người học, cơ sở giáo dục cần phải xem họ là khách hàng – các “thượng đế”, là người có quyền lựa chọn cơ sở cung cấp dịch vụ có chất lượng tốt nhất, giá cả hợp lý nhất.
Yếu tố tôn trọng “khách hàng” cũng không kém phần quan trọng… Việc công khai mức thu học phí và báo trước lộ trình tăng học phí không chỉ thuộc nội hàm trách nhiệm của cơ sở giáo dục đào tạo mà còn là sự tôn trọng, tri ân “khách hàng” đã tin tưởng lựa chọn. Nếu việc tăng học phí không được báo trước, không được giải trình theo đúng quy định, đó vừa là sự vi phạm pháp luật, vừa có thể “lợi bất cập hại” về lợi ích.
Hoan nghênh một số trường, địa phương đã có quyết định đúng đắn khi miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đồng thời nhấn mạnh: Đây là lúc để các cơ sở giáo dục, đào tạo và địa phương thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, sẻ chia khó khăn với phụ huynh và người học, giúp họ giảm áp lực về tài chính. Vì vậy, nếu không miễn, giảm được học phí nên giữ mức ổn định như năm học trước; đặc biệt không nên “lách luật” theo kiểu: Giảm khoản này, nhưng lại “phình” ra nhiều khoản khác. Như thế chẳng khác gì “ném bùn sang ao”.