Giảm đói nghèo nhờ thành tựu của Chương trình 135

GD&TĐ - Sau 20 năm với 3 giai đoạn triển khai thực hiện, Chương trình 135 đã thu được những kết quả đáng khích lệ, góp phần xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, xoá đói, giảm nghèo ở địa phương đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Chương trình 135 đã góp phần hỗ trợ phát triển sản xuất, xoá đói, giảm nghèo ở địa phương đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Chương trình 135 đã góp phần hỗ trợ phát triển sản xuất, xoá đói, giảm nghèo ở địa phương đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Thành tựu 20 năm thực hiện Chương trình 135

Sau 20 năm, Chương trình 135 đã đạt được nhiều thành tựu, tập trung một số nội dung như: hệ thống cơ sở hạ tầng vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được đầu tư với hàng ngàn công trình: đường giao thông liên thôn xã, trường học, trạm y tế, công trình hỗ trợ tưới tiêu, nhà sinh hoạt cộng đồng… nhiều mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất và cách làm mới đã tạo cơ hội việc làm, cải thiện sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số, giúp người dân vươn lên thoát nghèo.

Từ sự quan tâm của cả hệ thống chính trị các cấp, ngành, địa phương; sự ủng hộ của nhiều tổ chức quốc tế, Chương trình 135 đã trở thành “thương hiệu” của Uỷ ban Dân tộc nói riêng và Việt Nam nói chung trong công cuộc xóa đói giảm nghèo; là điển hình cho sự quan tâm về mặt chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn; là căn cứ, cơ sở để xây dựng nhiều chương trình phát triển kinh tế xã hội và áp dụng chính sách an sinh đặc thù, là mô hình để các tổ chức quốc tế quan tâm đầu tư hỗ trợ, cũng như kinh nghiệm giảm nghèo trên bình diện quốc tế.

Qua từng giai đoạn, Chương trình 135 được thực hiện theo mô hình khác nhau, với mục tiêu, nội dung cụ thể, phù hợp với thực trạng kinh tế xã hội của địa bàn cũng như khả năng cân đối nguồn lực. Có thể nói, Chương trình 135 cũng như các chính sách dân tộc đã đi vào cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.

Đến nay, hầu hết các xã đặc biệt khó khăn đã có đầy đủ các công trình hạ tầng: 100% xã có đường ô tô đến trung tâm; 99% trung tâm xã và 80% thôn có điện; 65% xã có hệ thống thủy lợi nhỏ đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống; 88% thôn có đường cho xe cơ giới và 42% thôn có đường giao thông đạt chuẩn; trên 50% xã có trạm y tế đạt chuẩn. Tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số giảm nhanh theo từng giai đoạn: 1999-2005 giảm 4,5%/năm; từ 2006 đến nay giảm khoảng 3,5%/năm…

Chương trình 135 cấp phân bón cho nông dân xã Cao Sơn, huyện Mường Khương giúp người dân phát triển sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Báo Lao Cai
Chương trình 135 cấp phân bón cho nông dân xã Cao Sơn, huyện Mường Khương giúp người dân phát triển sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Báo Lao Cai

Nhờ phổ biến, học tập các mô hình sản xuất, làm ăn hiệu quả, năng suất cao, tăng cường khuyến nông khuyến lâm, kết hợp với hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi; chính sách cho vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất đã góp phần thay đổi nhận thức của một bộ phận lớn đồng bào các dân tộc, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ có thu nhập cao. Đội ngũ cán bộ cơ sở được đào tạo, tập huấn thường xuyên, góp phần nâng cao năng lực cho cộng đồng, đáp ứng yêu cầu quản lý các hoạt động của Chương trình.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả Chương trình 135

Để nâng cao hiệu quả hơn nữa của Chương trình 135, TS Nguyễn Thị Thuận (Học viện dân tộc) cho rằng nên tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần coi phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, nhất là các vùng đặc biệt khó khăn là nhiệm vụ chính trị trọng tâm nhằm tạo chuyển biến rõ rệt trong thời gian tới.

Cân đối bố trí đủ nguồn lực thực hiện các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thuộc Chương trình 135 trong thời gian còn lại của giai đoạn để bảo đảm tiến độ tổ chức thực hiện. Theo đó, trong kế hoạch vốn giao hằng năm, cần giao chi tiết cho từng hợp phần, bảo đảm sự thống nhất ngay từ đầu. Chính phủ sớm có Quyết định ban hành tiêu chí xã, thôn hoàn thành Chương trình 135. Bên cạnh đó, Ủy ban Dân tộc cần có hướng dẫn về nhân rộng các mô hình hay, hiệu quả trong thực hiện Chương trình 135, đồng thời có chính sách khích lệ đối với xã hoàn thành sớm mục tiêu Chương trình 135.

Thực hiện Chương trình 135, các xã vùng sâu của huyện Kông Chro đang ngày càng khởi sắc. Ảnh: Báo Gia Lai
Thực hiện Chương trình 135, các xã vùng sâu của huyện Kông Chro đang ngày càng khởi sắc.
Ảnh: Báo Gia Lai

Bên cạnh đó, Chương trình 135 cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ cấp cơ sở. Bởi Chương trình 135 có quy định phải tăng cường việc phân cấp cho xã làm chủ đầu tư. Tuy nhiên hiện nay, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ này còn hạn chế. Vì vậy, các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cấp xã trong cả nhiệm kỳ. Bên cạnh đó, cần gắn bồi dưỡng về chính trị - chuyên môn với giáo dục phẩm chất, ý thức tinh thần trách nhiệm của cán bộ cấp cơ sở.

Cùng với đó, việc phát triển cộng đồng thông qua phương pháp thực hành công tác xã hội đã và đang được vận dụng và triển khai tại nhiều địa bàn trên cả nước. Tuy nhiên, giai đoạn 2018 - 2020 của Chương trình 135, cần phát triển cộng đồng ra sao, hay làm thế nào để tăng cường sự tham gia của cộng đồng, người nghèo, phụ nữ trong công tác lập kế hoạch và thực hiện nhằm phát huy nội lực, cũng như sự chủ động của cộng đồng trong phát triển kinh tế để vùng dân tộc thiểu số thoát khỏi đói nghèo đang là câu hỏi lớn được đặt ra. 

Ngoài ra, tăng cường hợp tác để huy động tổng hợp các nguồn lực, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp cho sự việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

“Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Dù nhận thêm loạt vũ khí mới nhưng Ukraine chưa thể ngăn được đà tiến của quân đội Nga.

Đột phá Semyonovka mang đến cơ hội nào?

GD&TĐ - Bộ Quốc phòng Nga hôm 29/4 thông báo quân đội từ Trung tâm Battlegroup đã hoàn thành việc kiểm soát khu định cư Semyonovka ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk.