Giám đốc nhận "bom" tin nhắn xin việc

Quẫn bách vì thất nghiệp quá lâu, nhiều người gửi tin nhắn cũng như email hàng loạt đến giám đốc các công ty để xin việc, vài trong số họ đã gặp may.

Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp tư nhân gần đây hay nhận các tin nhắn lạ tự giới thiệu xin việc kiểu này. Ảnh: Thanh Lan.
Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp tư nhân gần đây hay nhận các tin nhắn lạ tự giới thiệu xin việc kiểu này. Ảnh: Thanh Lan.

Vài tháng gần đây anh Phương - Giám đốc một công ty phần mềm ở Hà Đông (Hà Nội) - hay nhận được những email lạ với nội dung xin việc. Trong số này có cả những người tự giới thiệu từng làm kế toán trưởng, giám sát bán hàng tại những công ty lớn. 

"Một vài người biết rất rõ tên tôi. Nhưng có lẽ đây là email gửi hàng loạt, bởi trong số người gửi email có cả những bạn chuyên môn ở lĩnh vực mà một công ty phần mềm không cần đến" - Anh Phương nói.

Trên thực tế, các ứng viên thường tìm kiếm kho số điện thoại, danh sách email của lãnh đạo doanh nghiệp trên diễn đàn một cách dễ dàng. 

Trên một số diễn đàn, danh sách này được đăng tải miễn phí cho các thành viên, nhưng số lượng không nhiều, tối đa 1.000 email, số điện thoại và tính cập nhật không cao. 

Vì lẽ đó mà anh Tuấn (Thanh Xuân), dù đã giải thể công ty của mình cách đây 4 năm, gần đây cũng liên tục nhận email và tin nhắn rác xin việc kiểu này.

Cách xin việc kiểu này được nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng hơi phản cảm nhưng không ít thừa nhận vẫn phản hồi lại "đơn xin việc" của các ứng viên khi quá cần nhân sự.

Anh Lâm Văn Đức (quận Bình Tân, TPHCM) vừa thất nghiệp sau 3 năm làm kế toán trưởng cho một công ty xuất nhập khẩu là một ứng viên may mắn. 

Sau một thời gian loay hoay nộp hồ sơ ở nhiều nơi vẫn chưa xin được việc, anh quyết định tự gửi thư xin việc đến các công ty tư nhân để cầu may.

Kết quả là anh Đức cũng gặp may mắn khi vừa nhận được 2 hợp đồng làm báo cáo thuế cho một doanh nghiệp ở TPHCM và một ở Hà Nội sau khi kiên trì gửi hàng nghìn email trong 3 tuần liên tiếp. 

"Với những doanh nghiệp mà doanh thu lớn, xuất từ 2 - 3 cuốn hóa đơn trong một tháng thì tôi sẵn sàng ra Hà Nội một tháng một lần. Nếu doanh thu ít thì chỉ cần chụp hình hóa đơn gửi qua mail là được" - Anh Đức mô tả công việc. 

Nhận mỗi hợp đồng làm quyết toán thuế kiểu này, anh kiếm được 3 - 4 triệu đồng. Chưa phải công việc toàn thời gian, nhưng cũng giúp có thu nhập trong lúc thất nghiệp, anh nói.

email-xinviec-2195-1404533112.jpg

Một email tìm việc được gửi hàng loạt trên mạng. Ảnh chụp màn hình.

Ý tưởng spam email của anh Đức hình thành khi anh liên tục nhận điện thoại của các nhân viên bán bảo hiểm, mời vay vốn. "Tôi nghĩ hầu hết những người nghe điện thoại từ chối mua sản phẩm của họ, nhưng chắc chắn trong số 10, 20 thậm chí 100 người, họ vẫn may mắn ký được một vài hợp đồng" - Anh Đức nói.

Cũng có một vài người lập kỳ tích khi kiếm được việc làm "full-time" nhờ chiêu thức này, dù thu nhập không cao. Tốt nghiệp khoa Quản trị nhân lực của Đại học Công đoàn nhưng vẫn chưa xin được việc, Thu lên mạng tìm kiếm danh sách, số điện thoại của lãnh đạo các công ty tư nhân quy mô nhỏ rồi mạnh dạn nhắn tin xin việc. 

"Biết là cách này có phần hơi phản cảm nhưng mình bí quá hóa liều. May mắn thế nào đúng một tuần sau mình nhận được phản hồi của một chị giám đốc công ty cung cấp thiết bị y tế. Bên chị đang cần gấp người làm nhân sự, điều hành văn phòng, văn thư lưu trữ và lương cũng được 4 - 5 triệu đồng" - Thu kể.

Giám đốc một công ty tuyển dụng cho biết người lao động nên hạn chế sử dụng cách này để xin việc. "Chiêu trò kiểu này chỉ là biện pháp tình thế và phần lớn được các công ty nhỏ chấp nhận. Còn ở những đơn vị quản trị tốt, họ sẽ đánh giá đây là những ứng viên thiếu chuyên nghiệp" - Vị này cho hay.

Theo vnexpress.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ