Giám đốc DN nước ngoài 'xù nợ' khiến 3 ngân hàng thất thoát 360 tỷ đồng

GD&TĐ - Công ty Đầu tư và Phát triển Kenmark vay từ BIDV, SHB và Habubank dẫn tới thiệt hại cho các ngân hàng 360 tỷ đồng tại thời điểm khởi tố vụ án.

Khu công nghiệp Việt Hòa - Kenmark.
Khu công nghiệp Việt Hòa - Kenmark.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 7 bị can nguyên là cán bộ Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Thành Đô về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” theo quy định tại Điều 179, Khoản 3, Bộ luật Hình sự năm 1999.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phân công Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án này theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

Bảy bị can gồm Đỗ Quốc Hùng (sinh năm 1963, nguyên Giám đốc BIDV Thành Đô) cùng các cán bộ cấp dưới Lưu Thị Bích Thủy (sinh năm 1962, nguyên Phó Giám đốc), Phạm Anh Tài (sinh năm 1961, nguyên Trưởng phòng Tín dụng), Nguyễn Văn Hà (sinh năm 1978, nguyên Phó Trưởng phòng Tín dụng), Lại Minh Ngọc (sinh năm 1975, nguyên Trưởng phòng Thẩm định).

Liên quan đến vụ án còn có bị can Lê Vũ Thanh (sinh năm 1948, nguyên Giám đốc BIDV Chi nhánh Tây Nam Quảng Ninh), Đỗ Xuân Khoan (sinh năm 1973, nguyên Phó Trưởng phòng Tín dụng BIDV Chi nhánh Tây Nam Quảng Ninh).

Theo cáo trạng, Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Phát triển Kenmark (Công ty Kenmark) là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài do Công ty trách nhiệm hữu hạn Cheermaster (trụ sở tại Samoa) thành lập tại tỉnh Hải Dương để thực hiện Dự án đầu tư và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Việt Hòa - Kenmark tỉnh Hải Dương với tổng vốn đầu tư 1.594 tỷ đồng; người đại diện pháp luật là ông Hwang Jonathan Cheng Yu (quốc tịch Mỹ) là Tổng Giám đốc.

Để có tiền thực hiện dự án, tháng 2/2008, Công ty Kenmark (do ông Cheng Yu - Tổng Giám đốc) đã ký hợp đồng tín dụng vay hơn 67 triệu USD của các ngân hàng đồng tài trợ là SHB, HHB và BIDV theo tỷ lệ cam kết cho vay như sau: BIDV Chi nhánh Thành Đô cho vay hơn 39 triệu USD, SHB Chi nhánh Quảng Ninh hơn 18 triệu USD và Habubank Chi nhánh Kinh Bắc 10 triệu USD (nay SHB Chi nhánh Quảng Ninh và Habubank Chi nhánh Kinh Bắc sáp nhập là SHB Chi nhánh Kinh Bắc).

Viện Kiểm sát xác định, từ tháng 2/2008 - 5/2010, các ngân hàng đã giải ngân cho Công ty Kenmark hơn 52 triệu USD và hơn 57 tỷ đồng. Đến tháng 6/2010, Công ty Kenmark có thông báo về việc tạm dừng hoạt động. Người đại diện pháp luật của công ty này đã xuất cảnh khỏi Việt Nam và “xù nợ”.

Từ ngày 25/2/2008 đến ngày 18/5/2010, các ngân hàng đồng tài trợ đã giải ngân cho Công ty Kenmark hơn 52 triệu USD và hơn 57 tỷ đồng, đạt trên 80% giá trị hợp đồng.

Viện Kiểm sát kết luận: Các bị can trong vụ án này đã làm sai quy định, giúp Công ty Đầu tư và Phát triển Kenmark vay từ BIDV, SHB và Habubank (nay sáp nhập vào SHB) hơn 52,8 triệu USD cùng 57 tỷ đồng mặc dù không đủ điều kiện cho vay. Việc này dẫn tới thiệt hại cho các ngân hàng 360 tỷ đồng tại thời điểm khởi tố vụ án (tháng 9/2020).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ