Giảm áp lực hồ sơ, sổ sách cách nào hiệu quả?

GD&TĐ - Giảm gánh nặng hồ sơ, sổ sách cho giáo viên cũng là giảm áp lực công việc, giúp thầy cô có nhiều thời gian tập trung vào chuyên môn...

Giờ học Ngữ văn tại Trường THCS Đặng Thai Mai, TP Vinh. Ảnh: Hồ Lài
Giờ học Ngữ văn tại Trường THCS Đặng Thai Mai, TP Vinh. Ảnh: Hồ Lài

Không còn cảnh in giáo án để nộp

Theo cô Bùi Thị Tuyết Mai, giáo viên môn Sinh học, Phó Bí thư Đoàn Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ), hiện giáo viên thực hiện các loại hồ sơ, sổ sách theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT, gồm: Kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học); Kế hoạch bài dạy (giáo án); Sổ theo dõi và đánh giá học sinh; Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp).

Sổ dự giờ, sổ họp không còn; chỉ còn phiếu dự để học hỏi kinh nghiệm và nhận xét hoạt động học sinh và các kế hoạch liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ. Có thể nói, gánh nặng hồ sơ, sổ sách với giáo viên đã giảm đáng kể; giáo viên không phải thực hiện nhiều hồ sơ rườm rà, thiếu thiết thực.

Việc chỉnh sửa, bổ sung giáo án cũng đơn giản và đỡ tốn thời gian, công sức, tiết kiệm tiền bạc rất nhiều. Khi kiểm tra, giáo viên không còn phải “ôm” quá nhiều hồ sơ, dẫn đến thất lạc. Từ đó, nhà giáo có thêm thời gian đầu tư cho bài dạy để nâng cao chất lượng dạy học.

Đặc biệt, Trường THPT Trần Đại Nghĩa luôn khuyến khích giáo viên sử dụng hồ sơ điện tử để thông tin trong quá trình thực hiện công việc. Các kế hoạch, thông báo từ nhà trường hoặc tổ chuyên môn, kế hoạch cá nhân, sổ quản lý học sinh đều có thể lưu bằng hồ sơ điện tử, việc kiểm tra hồ sơ không bắt buộc phải in bản giấy. Tiện ích của lưu hồ sơ điện tử là có thể xem lại, chuyển tiếp thuận tiện, nhanh chóng, kịp thời, tránh việc tìm kiếm bản giấy gây mất thời gian.

Trường Tiểu học Bình Hoà 2 (Thuận An, Bình Dương) cũng tăng cường các giải pháp giúp giáo viên giảm gánh nặng hồ sơ, sổ sách. Cô Nguyễn Thị Hoàng Trang, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, Hội đồng chuyên môn - nghiệp vụ cốt cán của nhà trường đã họp thống nhất xây dựng các file chuẩn về kế hoạch, báo cáo, chuyên đề… và gửi cho giáo viên để thống nhất thực hiện.

Sổ họp (các loại) viết chung một quyển, nhưng trước khi họp, ban giám hiệu gửi file các kế hoạch tháng (nội dung họp) cho từng giáo viên trên nhóm Zalo để đọc trước. Do đó, khi họp chỉ nhấn mạnh những hạn chế cần khắc phục và việc cần thực hiện; lắng nghe ý kiến của giáo viên để giải đáp; chỉ đạo, giúp đỡ giáo viên thực hiện tốt công tác. Sổ họp giáo viên chỉ cần ghi ngắn gọn nội dung cần khắc phục và thực hiện.

Với kế hoạch bài dạy (dạy bằng giáo án điện tử), giáo viên không cần in ra mà lưu file lại, tổng hợp chung thành từng môn trong năm học, thuận tiện cho việc kiểm tra và giảm áp lực cho người làm.

Tại Trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên - Huế), thầy Hiệu trưởng Hoàng Minh chia sẻ nhiều giải pháp đang thực hiện để giảm gánh nặng hồ sơ cho giáo viên. Theo đó, Sổ theo dõi học sinh được in từ hệ thống cổng thông tin, giáo viên cho điểm trực tiếp trên cổng, từ đó kết xuất thành sổ theo dõi khi cần phục vụ công tác kiểm tra.

Kế hoạch bài dạy (giáo án), đối với những giáo viên có kinh nghiệm (công tác trên 6 năm), có thể sử dụng lại những năm trước trên cơ sở điều chỉnh bổ sung các nội dung mới (ma trận đặc tả, đề kiểm tra, chương trình môn học...) và được sử dụng bằng file điện tử lưu trữ trên máy tính. Các loại kế hoạch tuần, tháng, năm, chuyên đề, chuyên môn... đều triển khai qua hệ thống email công vụ, website, Zalo…

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

Khai thác tối đa công nghệ

Cô Trịnh Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình nhận định: Việc giảm gánh nặng hồ sơ cho giáo viên cũng là giảm áp lực công việc, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Để thực hiện tốt điều này, nhà trường nên quy định các đầu sổ sách, hồ sơ căn bản theo quy định của Bộ GD&ĐT. Không nên tự tạo thêm đầu sổ ghi chép rườm rà. Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý hồ sơ, áp dụng chữ ký số và hồ sơ điện tử trong nhà trường.

Ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn nên ký số hồ sơ giáo án cho giáo viên, nếu giáo viên đó đủ các điều kiện về việc sử dụng thiết bị công nghệ thông tin trong giảng dạy. Đặc biệt, cũng cần tổ chức tập huấn về quy định lưu trữ giáo án, hồ sơ điện tử trong nhà trường để thuận tiện trong công tác kiểm tra quản lý và lưu trữ. Như vậy, vừa đỡ tốn kém kinh phí, giáo viên có nhiều thời gian để dành cho nghiên cứu chuyên môn. Công tác quản lý của nhà trường cũng tiện ích hơn.

Nêu giải pháp, thầy Trần Văn Hân, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Quý, Đồng Tháp cũng nhấn mạnh đến việc không yêu cầu, phát sinh thêm các loại hồ sơ, sổ sách ngoài quy định. Đồng thời, khai thác tối đa hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử để tạo thuận lợi cho giáo viên trong thực hiện. Kết nối liên thông các dữ liệu để không phải tốn thời gian nhập liệu nhiều lần và có kết quả chính xác, đồng bộ.

Những nội dung sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt lớp… trường gửi lên cổng thông tin chung, giáo viên chỉ cần tải về triển khai và lưu nội dung không cần ghi chép riêng. Khi thu thập thông tin, số liệu, trường tạo mẫu và giáo viên chỉ cần vào đường link cập nhật ý kiến đề xuất, cung cấp thông tin vừa tiện lợi, vừa bảo đảm tính thống nhất. Nhà trường cũng tổ chức tập huấn và thường xuyên khuyến khích giáo viên sử dụng các phần mềm tiện ích trong thực hiện hồ sơ, sổ sách điện tử để tiết kiệm thời gian, khi cần xuất được dữ liệu theo yêu cầu.

Sở GD&ĐT Nghệ An đã có Văn bản số 2242/SGDĐT-VP tiếp tục chấn chỉnh việc lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường. Trong đó, từng bước số hoá hồ sơ, sổ sách góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục, tiết kiệm kinh phí, giảm bớt công sức lao động cho giáo viên, giảm các thủ tục không cần thiết, giúp giáo viên tập trung làm tốt công tác chuyên môn. Tăng cường sử dụng hồ sơ, giáo án điện tử, chữ ký số..., thay cho các loại hồ sơ, sổ sách hiện hành theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT, phù hợp lộ trình, điều kiện thực tế của từng địa phương, nhà trường và khả năng thực hiện của giáo viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.