Giải tỏa áp lực với nhà giáo: Mong muốn được tôn trọng

GD&TĐ - Từ việc bạo hành học sinh đến tìm cách giải quyết vấn đề một cách tiêu cực cho thấy nhiều giáo viên chưa trang bị cho mình năng lực cốt lõi...

Cô trò Trường Tiểu học Lê Lợi (TP Vinh, Nghệ An).
Cô trò Trường Tiểu học Lê Lợi (TP Vinh, Nghệ An).

Để không mất tự chủ

Cách đây khoảng 6 tháng, dư luận xôn xao trước sự việc một giáo viên Trường THPT Bắc Yên Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) tát học sinh lớp 10 vì sử dụng điện thoại trong giờ học. Sự việc xảy ra, dư luận chia nhiều luồng ý kiến. Trong đó, nguyên nhân sự việc trước hết do lỗi thầy giáo không kiềm chế được bản thân mà có hành vi sử dụng bạo lực để xử phạt học sinh. Nhưng mặt khác, về phía nam sinh cũng không tuân thủ nội quy lớp học, có thái độ chống đối, thách thức với thầy cô giáo.

Nhiều ý kiến thông cảm với giáo viên hiện nay có quá nhiều áp lực, đặc biệt là trong giáo dục học sinh cá biệt. Thậm chí có tài khoản mạng xã hội còn phản ứng rằng, nếu giáo viên không có sự đồng hành, chia sẻ, thấu hiểu, thì cũng không can thiệp, xử phạt học sinh chưa ngoan, tránh đối đầu với phụ huynh để “an toàn” cho sự nghiệp bản thân. Điều này vô hình trung lại gây hại cho chính học sinh nhiều hơn.

“Học sinh được hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, động viên tinh thần, nhắc nhở tuân thủ nội quy trường lớp để quay trở lại học tập bình thường. Còn về phía giáo viên sai đến đâu, chịu trách nhiệm đến đó. Nhưng điều quan trọng nhất là tập thể cán bộ giáo viên nhà trường rút ra được bài học gì trong quản lý, giáo dục học sinh. Nhà trường luôn lắng nghe, chia sẻ, đồng hành, hợp tác để cùng đưa ra phương hướng giải quyết. Không để giáo viên đơn độc, mất phương hướng”, thầy Nguyễn Bá Thủy cho hay.

Thầy Nguyễn Bá Thủy - Hiệu trưởng Trường THPT Bắc Yên Thành cho biết, nhà trường không bao che cho những cá nhân làm sai, vi phạm. Tuy nhiên, việc xử lý làm sao để cả giáo viên, học sinh đều nhận ra được những cái sai của mình trong sự việc xảy ra; Đồng thời có mức xử phạt, giải quyết hợp tình, hợp lý.

Ngoài công tác nội bộ với giáo viên, nhà trường cũng cử cán bộ và mời chính quyền địa phương đến gặp gỡ gia đình em học sinh này để làm tốt công tác dân vận. Nhờ đó, sự việc nhanh chóng được giải quyết, học sinh đến trường bình thường và giáo viên cũng ổn định tâm lý, yên tâm quay trở lại công tác, giảng dạy.

Ông Nguyễn Trọng Hoàn - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, dù trong hoàn cảnh và lý do nào, việc giáo viên có hành vi bạo lực với học sinh là sai. Đó cũng là bài học đắt giá cho giáo viên trong ứng xử, sử dụng các biện pháp giáo dục học sinh. Các nhà trường, Phòng GD&ĐT cần lưu ý, chỉ đạo, không để xảy ra trường hợp tương tự trong ngành Giáo dục.

Khẳng định vị thế nhà giáo

Năm học 2022 - 2023 bắt đầu rất vất vả đối với tập thể Trường THCS Khai Lạng (huyện Anh Sơn, Nghệ An). Sau lễ khai giảng, do chưa đồng thuận với chủ trương sáp nhập trường, nên hàng trăm phụ huynh ở xã Lạng Sơn đã ngăn cản con em đi học. Sự việc kéo dài khoảng 1 tuần, sau khi có đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo huyện với phụ huynh, người dân xã Lạng Sơn, thì việc dạy học của nhà trường mới trở lại bình thường.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trước đó, do quy mô học sinh nhỏ, nên huyện Anh Sơn chủ trương sáp nhập Trường THCS Khai Sơn và THCS Lạng Sơn thành Trường THCS Khai Lạng (điểm chính đặt tại xã Khai Sơn). Trong quá trình đầu tư xây dựng, hoàn thiện, đồng bộ cơ sở vật chất trường học, thì cơ sở 2 đặt tại Trường THCS Lạng Sơn cũ vẫn được duy trì cho học sinh khối 6, 7, 8 của xã này.

Cô Nguyễn Thị Chung - giáo viên Âm nhạc kiêm Tổng phụ trách Đội của Trường THCS Khai Lạng chia sẻ, theo ý kiến cá nhân, chủ trương sáp nhập là phù hợp với điều kiện thực tế về quy mô học sinh THCS của 2 xã Lạng Sơn, Khai Sơn. Sau sáp nhập, việc duy trì cả 2 cơ sở nhằm tạo thuận lợi cho học sinh đến trường, nhưng giáo viên vất vả hơn. Nhất là giáo viên dạy môn năng khiếu kiêm Tổng phụ trách Đội như cô Chung, thường xuyên dạy cả 2 cơ sở trong 1 ngày.

Hiện để việc sáp nhập trường hiệu quả theo lộ trình, huyện Anh Sơn tiếp tục đầu tư, bổ sung cơ sở vật chất trường lớp và các hạng mục liên quan. Qua đó, tạo thuận lợi cho học sinh đến trường và mục tiêu giáo dục lâu dài.

Dịp đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm nhiều trường cũng chia sẻ áp lực khi đảm nhận trách nhiệm thu các khoản tiền theo quy định và thỏa thuận của phụ huynh, học sinh.

“Trên mạng xã hội, việc thu chi đầu năm học đang được đưa ra bàn luận rất nhiều. Đặc biệt là những thông tin về “lạm thu” được chia sẻ rầm rộ dù chưa xác thực. Không ít cha mẹ học sinh khi đi họp phụ huynh không nêu ý kiến, không đặt câu hỏi để được giải đáp, nhưng về nhà lại đưa lên mạng xã hội phản ứng. Đúng sai như thế nào chưa bàn đến, nhưng học sinh có thể đọc và nghe hết được những ý kiến đó. Các em chưa đủ hiểu biết để nhận thức đúng đắn, dễ suy nghĩ phiến diện theo số đông. Hình ảnh, vị thế người giáo viên trong mắt các em sẽ thế nào”, một nữ giáo viên chia sẻ.

Theo cô giáo này, mong muốn chung của giáo viên là được yên tâm thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mình. Đồng thời, để nhà giáo có thể hoàn thành tốt công việc, nhà trường, địa phương cũng cần đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất, trang thiết bị; xã hội có sự phản biện mang tính xây dựng, đồng hành, tôn trọng. Tránh đẩy giáo viên đứng một mình trong nhiệm vụ giáo dục học sinh.

Dù có vất vả nhưng tôi cho rằng đó là nhiệm vụ của mình, khoảng cách giữa 2 cơ sở là 5 - 6 km hay xa hơn thì tôi vẫn chấp nhận. Tuy nhiên, việc phụ huynh phản đối bằng cách cho con em nghỉ học khiến tôi rất buồn. Bởi làm như vậy trước hết ảnh hưởng đến quyền đi học của học sinh, kế hoạch dạy học của nhà trường. Thứ hai, vô tình khiến học sinh có suy nghĩ rằng có thể giải quyết vấn đề bằng việc nghỉ học, và ảnh hưởng đến uy tín, vị thế của giáo viên, nhà trường. - Cô Nguyễn Thị Chung

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ