Giải tỏa áp lực với nhà giáo: Cùng thay đổi

GD&TĐ - Để giải tỏa áp lực cho giáo viên cần xây dựng môi trường làm việc hạnh phúc. 

Cần đưa vào giảng dạy nội dung “Quản trị cảm xúc” để giáo sinh được rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp. Ảnh minh họa
Cần đưa vào giảng dạy nội dung “Quản trị cảm xúc” để giáo sinh được rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp. Ảnh minh họa

Muốn vậy, hiệu trưởng phải thay đổi và tạo động lực cho đội ngũ giáo viên. Ngoài ra, các trường đào tạo cũng cần dạy kỹ năng quản trị cảm xúc để giáo sinh sẵn sàng tâm thế khi đứng trước khó khăn, thử thách và áp lực nghề nghiệp.

TS Lê Minh Công - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Sức khoẻ tinh thần, Phó Trưởng khoa Công tác xã hội, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TPHCM): Chú ý đến sức khoẻ tinh thần và hạnh phúc của giáo viên

Theo tôi, các trường đào tạo giáo viên cần đưa vào giảng dạy nội dung “Quản trị cảm xúc” để giáo sinh được rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp. Đồng thời, tăng thời lượng bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp, như tâm lý học đường, dự báo và ứng phó với các tình huống trong nghề. - Bà Trần Thị Thùy Dung

Xã hội hiện đại, đặc biệt trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình trạng gia tăng căng thẳng và các vấn đề sức khoẻ tâm thần ngày càng trầm trọng. Trong đó, giáo viên không phải là trường hợp ngoại lệ. Những vấn đề khủng hoảng sức khoẻ tâm thần và mối quan hệ có thể dẫn tới gia tăng các hành vi tiêu cực như tự sát, bạo lực với học trò...

Các vấn đề sức khoẻ tâm thần và hành vi tiêu cực này có nhiều nguyên nhân và mang tính hệ thống. Đó có thể do bản thân giáo viên có những tổn thương từ thơ ấu hoặc là hệ quả của phương pháp giáo dục bằng bạo lực. Cũng có thể do cá nhân thầy, cô thiếu giá trị và niềm tin tích cực. Hoặc có thể khủng hoảng từ cuộc sống hiện tại như: Mâu thuẫn hôn nhân, khó khăn tài chính, áp lực từ cấp trên, bởi môi trường giáo dục không hạnh phúc và áp lực vì nội dung/chương trình dạy học....

Vì thế, việc đưa ra giải pháp cụ thể để giúp giảm áp lực/stress cho giáo viên là rất khó. Tuy vậy, tôi cho rằng, ngoài chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho học sinh cũng cần chú ý đến sức khoẻ tinh thần và hạnh phúc của giáo viên. Đầu tiên, cần tạo ra môi trường trường học hạnh phúc, ở đó giáo viên cần được tôn trọng và tự chủ trong công việc giáo dục của mình. Môi trường đó cần có không gian hạnh phúc như đảm bảo về không gian làm việc, không quá áp lực về số lượng học sinh, thành tích... và các thành viên trong hội đồng sư phạm luôn đoàn kết, gắn bó.

Hơn thế, cũng cần chú ý đến việc giúp họ thực sự an tâm vào công tác giáo dục, bằng cách tăng thu nhập để không bị chi phối vì tài chính. Giáo viên cũng cần được hỗ trợ sức khoẻ tinh thần khi có khủng hoảng, bởi các chuyên gia về tâm lý lâm sàng hoặc nhà tâm lý học đường khi cần thiết. Bên cạnh đó, các trường sư phạm cũng nên đào tạo kỹ năng về quản trị cảm xúc cho giáo sinh, để khi ra trường các em vững vàng trên bục giảng, nhất là trước những khó khăn, áp lực của nghề nghiệp.

TS Lê Minh Công. Ảnh Internet

TS Lê Minh Công. Ảnh Internet

Cô Lưu Thị Lập - Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội): Giáo dục kỹ năng quản trị cảm xúc cho giáo sinh

Trên cương vị là hiệu trưởng, đặc biệt ở trường công lập tự chủ về tài chính, áp lực đối với giáo viên càng nhiều. Vì thế, việc tạo ra môi trường làm việc sáng tạo, khuyến khích giáo viên phát huy năng lực, giảm bớt căng thẳng, áp lực là điều chúng tôi quan tâm và chú trọng.

Tôi luôn lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của giáo viên trong công việc, cuộc sống để kịp thời chia sẻ, động viên, hỗ trợ mọi người. Nhà trường cũng tạo điều kiện để giáo viên có cơ hội phát huy hết năng lực và khả năng sáng tạo của mình thông qua việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho các thầy cô. Đồng thời, quan tâm đến đời sống tinh thần cũng như vật chất để giáo viên yên tâm công tác. Đặc biệt, có cơ chế, chính sách tuyên dương khen thưởng kịp thời những giáo viên có thành tích. Chúng tôi tôn vinh những tấm gương trong lao động thông qua bình chọn “Gương sáng người lao động”, “Lao động tiêu biểu” của năm....

Trong bối cảnh ngành Giáo dục đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Giáo viên chịu áp lực từ nhiều phía. Một số thầy, cô giáo mệt mỏi, buông xuôi, thậm chí bỏ nghề. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc thiếu kỹ năng đối phó áp lực, xử lý tình huống... Nhiều sinh viên sư phạm ra trường chỉ được đào tạo về chuyên môn và lý tưởng hoá công việc.

Chính vì vậy, khi đứng trước áp lực, các em bị sốc. Từ thực tế trên, tôi cho rằng, việc giáo dục kỹ năng quản trị cảm xúc ngay từ trong trường đại học rất quan trọng. Qua đó, giúp các em chuẩn bị về tư tưởng, cảm xúc và rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề, đặc biệt là những tình huống phát sinh. Trước mắt, là giúp các em vượt qua kỳ thi, những thử thách phía trước để ra trường đúng hạn.

GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: Trưởng thành từ “tâm bão”

GS.TS Nguyễn Văn Minh. Ảnh Internet

GS.TS Nguyễn Văn Minh. Ảnh Internet

Giáo sinh, cử nhân sư phạm là thành tố trong cấu trúc xã hội, những người quyết định vận mệnh tương lai của đất nước. Hãy dám nghĩ những điều chưa từng có, nhưng đừng bắt đầu từ những điều hoang tưởng và viển vông.

Tôi mong sự khởi đầu hôm nay của các em không phải bắt đầu từ sự xa hoa, hào nhoáng mà hãy bằng những điều chân thực, từ những trăn trở với người, với đời và với thời cuộc. Hãy khởi đầu bằng tình yêu thương và lòng bao dung cao cả.

Bước ra đời là bước vào cuộc sống. Ở đó, có sự diệu kỳ, điều ngang trái, lạ lẫm và có cả những nỗi chán chường. Hãy yêu lấy cuộc sống và làm cho cuộc sống tốt hơn từ những điều bình dị và từ tình yêu thương để cảm hóa một con người, để họ nhận biết đúng sai.

Nhà trường, thầy cô đã cố gắng nhằm giúp các em định hình giá trị và cuộc sống là một quá trình rèn luyện. Ai lơ là, thờ ơ, ai buông xuôi chắc chắn sẽ vướng vào những điều không mong muốn. Nghề nghiệp và giá trị nghề nghiệp quan trọng lắm. Không yêu quý, chăm chút cho nghề mình thì làm sao có thể giáo dục được. Không ít người hỏi, liệu với đồng lương ít ỏi và khó khăn, còn nhiều học sinh mặn mà với nghề giáo hay không? Kỳ lạ thay, rất ít câu hỏi nền giáo dục sẽ về đâu nếu không có những người thầy tận tâm và giỏi giang với nghề nghiệp.

Tôi tin các em là người luôn biết ơn và trách nhiệm. Tôi cũng tin các em và thế hệ sinh viên ngày nay không chỉ sống cho riêng mình mà sẵn sàng dấn thân vì nghiệp lớn. Chắc chắn, các em hiểu rằng giáo dục là động lực phát triển để mang lại hạnh phúc cho muôn nhà.

Tôi mong các em đừng an phận, lười biếng và tự bằng lòng. Thời đại hiện đại đòi hỏi kỹ thuật, năng suất lao động tạo ra từ trí thông minh. Không ít em cứ khó là thoái thác, là đi tìm việc dễ; cũng không ít em an phận từ rất sớm, tự bằng lòng với những gì mình có được để sống qua ngày. Thiếu khát vọng sẽ không có động lực nội tại và dẫn đến không còn chí tiến thủ. Mong rằng ai đó còn chơi vơi sẽ phải đổi thay.

Tôi mong các em chắt chiu thời gian để dành cho tương lai. Ở đó không chỉ có vườn hồng đầy hoa trái mà có cả những ngày nắng hạ hanh khô, những đêm đông giá buốt. Nhưng bổn phận và vinh quang của các em là đi để thay đổi cuộc đời, sẽ là thầy giáo, cô giáo, sẽ là những trí thức. Hãy đi vào “tâm bão” để khôn lớn, để thay đổi cuộc đời...

Bà Trần Thị Thùy Dung - Trưởng phòng GD&ĐT TP Lào Cai (Lào Cai): Trân trọng cống hiến của nhà giáo

Tôi rất thích câu “Người thầy vĩ đại là người truyền cảm hứng cho người học”. Điều đó rất đúng với môi trường sư phạm. Chỉ có tinh thần, tâm thế tốt thì mỗi cán bộ, giáo viên mới thỏa sức đam mê sáng tạo.

Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi cho rằng, việc đầu tiên hiệu trưởng phải hiểu rõ hoàn cảnh, nắm chắc chắn điểm mạnh, yếu và năng lực đặc biệt của từng nhân viên. Trước đây, khi là hiệu trưởng, tôi từng khuyến khích giáo viên nêu điểm mạnh, điểm yếu và sở trường của mình. Đồng thời, để thầy cô đề xuất nguyện vọng, xây dựng nội quy, quy chế đơn vị. Trên cơ sở đó, giáo viên tự cam kết chất lượng và hiệu quả giáo dục, đăng ký nội dung tự học và việc làm mình sẽ chuyển biến trong năm. Tôi thành lập câu lạc bộ đôi bạn giáo viên cùng tiến. Thi đua xác lập kỷ lục tuần, tháng, học kỳ về thành tích giáo dục để vinh danh.

Từ thực tế, tôi cho rằng, cán bộ quản lý phải luôn công tâm, thực sự gần gũi, biết lắng nghe, chia sẻ, động viên, trân trọng những cống hiến của đội ngũ giáo viên.

Một trong những kinh nghiệm của bản thân là, mỗi cơ sở giáo dục phải có quy tắc ứng xử văn hóa trong trường, mang nét đặc trưng riêng. “Nguyên tắc mà không nguyên tắc”. Theo đó, chú trọng đến quyền hạn quyền lợi, điều tiết cảm xúc và điều quan trọng là xây dựng môi trường để cán bộ, giáo viên dám nghĩ - làm - nói.

Thay vì quá tập trung vào dạy kiến thức, cần chuyển đổi phương pháp và nội dung, để dạy cho sinh viên các năng lực thích ứng và chuyển dịch một cách hiệu quả/ tích cực mà chúng ta hay gọi là kỹ năng mềm, kỹ năng sống. Đồng thời, nhà trường cũng cần dạy sinh viên nhận diện và quản lý năng lực cảm xúc - xã hội. Đặc biệt, nhóm ngành nghề làm việc trực tiếp với con người như y tế, sư phạm, việc đào tạo các năng lực cảm xúc - xã hội cùng với kỹ năng nghề nghiệp là cực kỳ quan trọng. - TS Lê Minh Công

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ