Giải tỏa áp lực với nhà giáo: Áp lực do đâu?

GD&TĐ -  Nhà giáo đứng trước nhiều áp lực. Áp lực đến từ quá trình đổi mới, nhà trường, phụ huynh và học sinh và đôi khi từ chính bản thân…

Cô trò Trường TH thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn (Cà Mau).
Cô trò Trường TH thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn (Cà Mau).

Ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ) có cuộc trao đổi với Báo GD&TĐ về cách nhận diện và chia sẻ áp lực.

Nhiều việc ngoài chuyên môn

- Nhiều năm gắn bó với ngành Giáo dục, ông có thể chia sẻ những nguyên nhân dẫn đến áp lực cho nhà giáo?

- Áp lực nghề nào cũng có, nhưng với nghề giáo lại nặng nề hơn. Từ xưa, nghề giáo đã được xã hội trân trọng và xem là nghề cao quý. Thầy cô phải mẫu mực để học trò noi gương; đó là áp lực từ phía học sinh, phụ huynh kỳ vọng về kiến thức chuyên môn vững vàng, ứng xử khôn khéo, linh hoạt; áp lực từ nhà trường, xã hội ở những tiêu chí cao về chất lượng và hiệu quả giáo dục con người.

Nhà giáo có thể đối diện với một số áp lực như duy trì sĩ số; chất lượng bộ môn, học sinh giỏi; áp lực về hồ sơ sổ sách; xử lý học sinh cá biệt; học tập, bồi dưỡng và các loại chứng chỉ; cuộc thi, hội thi; hội họp, dự giờ; áp lực thu tiền học sinh…

Trong bối cảnh đổi mới giáo dục, giáo viên bị áp lực trước hết về mặt chuyên môn, nhất là việc nghiên cứu thực hiện Chương trình GDPT 2018. Giáo viên được phân chủ nhiệm lớp thì phải có trách nhiệm rèn luyện đạo đức, lối sống cho học sinh. Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm còn thực hiện những nhiệm vụ do cơ quan khác giao như bảo hiểm y tế, an toàn giao thông...

Thời gian có hạn nhưng công việc quá nhiều; khi học sinh đạt thành tích thì ít người đánh giá về công lao của giáo viên. Nhưng học sinh có vấn đề, sai trái hầu như gia đình, xã hội đều quy trách nhiệm cho nhà giáo. Điều này cho thấy nhiều lúc gia đình, xã hội chưa thực sự chung tay với nhà trường, nhất là trong việc phối hợp với nhà trường giáo dục toàn diện cho trẻ. Việc thiếu sự chia sẻ, đồng thuận từ lãnh đạo trường, đồng nghiệp, cha mẹ học sinh và cộng đồng; thiếu các nguồn lực cần thiết phục vụ cho đổi mới… cũng là áp lực lớn cho nhà giáo.

Ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ).

Ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ).

Gánh nặng từ… “cơm áo”

- Ngoài việc thiếu chia sẻ, thiếu sự đồng thuận từ lãnh đạo trường, đồng nghiệp, cha mẹ học sinh và cộng đồng… - như ông trao đổi - thì liệu còn yếu tố nào khác đang “đè nặng” lên vai nhà giáo?

- Trong công cuộc đổi mới giáo dục, giáo viên phải thích nghi với thay đổi, điểm mới của chương trình. Những điểm mới này đòi hỏi giáo viên phải trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp, lẫn kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động dạy học… Để thích nghi được, thầy cô giáo phải luôn tự học tập, nghiên cứu, tìm tòi giải pháp để có thể truyền đạt kiến thức một cách tốt nhất cho học trò, bởi kết quả giáo dục phản ánh sự đầu tư và năng lực của người thầy.

Hiện nay, các thầy cô đứng lớp với đồng lương còn khiêm tốn nên gánh nặng cơm - áo - gạo - tiền và bao lo toan trong cuộc sống thường nhật là điều không thể tránh khỏi. Trong đó, thu nhập của nhà giáo hiện còn khá thấp, nên việc những giáo viên trở nên kém nhiệt tình với công tác giảng dạy hoặc bỏ nghề luôn là điều thường xuyên xảy ra. Nhà giáo cũng có gia đình, con cái, áp lực cuộc sống cần giải quyết nên nếu được hỗ trợ tốt hơn về thu nhập, chính sách tiền lương thì thầy cô sẽ yên tâm để cống hiến tâm và trí hơn với nghề.

Áp lực là vậy, nên đội ngũ nhà giáo rất cần sự sẻ chia, đó là sẻ chia từ gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, vai trò của lãnh đạo nhà trường, các tổ chức đoàn, hội cần phải sâu sát, là điểm tựa vững chắc cho nhà giáo. Có sự đồng thuận, thấu rõ tâm tư nguyện vọng của giáo viên sẽ tạo ra một môi trường sư phạm cởi mở để mỗi thầy cô giáo có thể mạnh dạn bộc lộ những lo âu, căng thẳng mà mình đang gặp phải.

- Ông có lời khuyên gì cho thầy cô giáo để có thể vượt qua khó khăn này?

- Trong bối cảnh đổi mới giáo dục, vẫn còn không ít thầy cô giáo có tâm lý ngại thay đổi; thiếu kiến thức và kỹ năng để thực hiện hiệu quả công việc theo hướng mới; sợ thất bại, sợ bị đánh giá, phê bình… Tuy nhiên, những hiện tượng kể trên không thể làm xói mòn truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam, bởi còn có hàng triệu giáo viên đã và đang thầm lặng hy sinh cho sự nghiệp trồng người trên mọi miền đất nước.

Trước hết, thầy cô giáo cần đủ bản lĩnh để gắn bó với nghề, chính sự phấn đấu, nỗ lực không ngừng của bản thân mỗi nhà giáo sẽ sớm nhận được những quả ngọt của nghề. Bên cạnh đó, các cấp quản lý hãy tin ở các thầy cô, giảm áp lực không đáng có, để nhà giáo được làm nhiệm vụ từ chính lương tâm của mình.

Nhà giáo, nhất là cán bộ quản lý cần tranh thủ sự chỉ đạo của Hội đồng giáo dục, phối hợp của phụ huynh, các lực lượng xã hội, xây dựng các kế hoạch phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh, tổ chức chính trị xã hội ở địa phương để gắn kết môi trường gia đình - nhà trường - xã hội.

Xưa nay nhà giáo như những bậc cha mẹ thứ hai của học sinh trong thời gian ngồi trên ghế nhà trường. Chính vì thế, mặc dù vẫn có nhiều áp lực, không ít nhà giáo vẫn cảm thấy tự hào khi gắn bó với nghề; vẫn giữ được cái “tâm sáng” để truyền dạy những “điều hay lẽ phải” cho các thế hệ học trò… Tất cả chúng ta đừng nhìn nghề giáo và người giáo viên với con mắt quá khắt khe, chuẩn mực trong tầm nhìn và quan điểm của mỗi người. Mà hãy nhìn một cách rộng hơn, xa hơn thì sẽ rõ hơn; để cảm thông hơn với những áp lực mà mỗi thầy cô giáo hôm nay đang phải đối mặt.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Trong xã hội hiện đại, người thầy bị xã hội và cha mẹ học sinh đặt trên vai một nhiệm vụ nặng nề, đó là giáo dục học sinh thành những con người tài giỏi, trí đức. Sự kỳ vọng đó khiến trách nhiệm của người thầy trong bối cảnh hiện nay nặng nề hơn bao giờ hết. Làm sao cho chu toàn trong việc truyền đạt văn hoá và xây dựng nền tảng đạo đức cho học sinh là những băn khoăn mà thầy cô đang phải đối mặt và không phải ai cũng có thể chịu đựng được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Mikhail Bogdanov.

Tiết lộ cuộc thảo luận Moscow với HTS

GD&TĐ -Các nhà ngoại giao Nga tại Damascus đã gặp đại diện của Hayat Tahrir al-Sham (HTS) - nhóm đối lập đã nắm quyền ở Syria, để thảo luận một số vấn đề.