Giải thưởng Nhân tài đất Việt 2023 tôn vinh tài năng khơi nguồn sáng tạo

GD&TĐ - Chiều 27/9, Hội khuyến học Việt Nam tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm Ngày khuyến học Việt Nam và phát động Giải thưởng Nhân tài đất Việt năm 2023.

Quang cảnh buổi gặp mặt.
Quang cảnh buổi gặp mặt.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, GS.TS Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết: Dấu ấn 2/10 ngày càng đậm nét theo thời gian bởi những thành công trong phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Trong nửa thế kỷ qua, cộng đồng khuyến học cùng các lực lượng xã hội đã mang lại nhiều thành quả tốt đẹp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển xã hội học tập ở nước ta.

Cụ thể, Hội đã triển khai thành công Quyết định của Thủ tướng (112/2005/QĐ-TTg (18/5/2005) về xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005 - 2010, Quyết định 89/QĐ-TTg (9/1/2013) về xây dựng xã hội học tập, giai đoạn 2012 – 2020) với những Đề án thành phần trong đó do Hội chủ trì và làm nòng cốt xây dựng như: mô hình học tập gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập.

Kết quả này trở thành cơ sở vững chắc để Hội và Bộ GD&ĐT triển khai các mô hình công dân học tập, đơn vị học tập theo Kết luận 49-KL/TW (10/5/2019), Chỉ thị 14/CT-TTg (25/5/2021), Quyết định 1373/QĐ-TTg (30/7/2021)… Từ những văn kiện này, phong trào xây dựng xã hội học tập đang hướng tới hình thành những cộng đồng học tập cấp huyện và cấp tỉnh vào năm 2025 và đến 2030, chúng ta sẽ có những tỉnh học tập, thành phố học tập, Việt Nam sẽ trở thành nước có xã hội học tập với các mục tiêu cụ thể và sẽ hội nhập sâu vào mạng lưới toàn cầu thành phố học tập của thế giới hiện đại.

Mối quan hệ phối kết hợp giữa Hội Khuyến học và các cơ quan, ban ngành ngày càng phát triển.

Hội hiện có trên 22 triệu hội viên, mạng lưới tổ chức khuyến học, khuyến tài được triển khai trên 100% các địa bàn dân cư và đang trở thành một phong trào quần chúng mang tính tự giác

Công tác nghiên cứu khoa học nhằm xây dựng cơ sở lý luận, thực tiễn của sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Hội các cấp coi trọng, trở thành hoạt động thường xuyên và là phương pháp cơ bản để thực hiện các mục tiêu đã đề ra.

GS.TS Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh TH.

GS.TS Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh TH.

Khuyến tài là một hoạt động được Hội Khuyến học Việt Nam đang phát triển trên quy mô lớn. Hai hướng triển khai chính là Giải thưởng Nhân tài đất Việt và các phần thưởng cho học sinh, sinh viên và người lớn có thành tích học tập xuất sắc.

GS. Doan cũng nói cho biết thêm: Trong giai đoạn 2021 - 2025, Hội sẽ tập trung triển khai mô hình “Công dân học tập” theo Quyết định 677 và tiếp tục thực hiện 4 mô hình học tập theo Quyết định 387 của Thủ tướng Chính phủ. Xét về chiến lược xây dựng và phát triển xã hội học tập theo Quyết định 1373/QĐ-TTg, việc thúc đẩy phát triển mạnh mẽ mô hình “Công dân học tập” có thể coi như một khâu đột phá trong toàn bộ kế hoạch xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030.

Phát triển tốt mô hình công dân học tập, chúng ta sẽ nâng cao chất lượng của các mô hình học tập đang được vận hành. Thực hiện tốt mô hình này sẽ đóng góp cho đất nước những công dân học tập suốt đời, từ đó những công dân số sẽ là lực lượng nòng cốt xây dựng đất nước trong cuộc cách mạng 4.0.

Ngày 2/10 năm nay sẽ là sự khởi đầu bằng Tuần lễ học tập suốt đời, Chương trình xây dựng mô hình “Công dân học tập” và phát động giải thưởng Nhân tài đất Việt.

Tham dự buổi gặp mặt, ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận những bước phát triển mạnh mẽ của Hội Khuyến học Việt Nam. Từ bước đầu chỉ có tổ chức hội ở 21 tỉnh thành, đến nay Hội đã có hiện diện ở 100% các huyện và trên 98% các xã với hơn 21 triệu hội viên (chiếm hơn 21% dân số cả nước), trở thành lực lượng xã hội đông đảo, lớn mạnh, đi đầu thực hiện nhiệm vụ vận động toàn dân học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.

Ông Nghĩa đồng thời đánh giá cao những phong trào, chương trình hành động mang ý nghĩa và giá trị khuyến học thiết thực như: Học tập suốt đời, trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị; Tiếp sức em đến trường; Vì em hiếu học: Chắp cánh ước mơ, ... Các hoạt động này đã bắt nguồn và khơi dậy tinh thần hiếu học trong mỗi người dân, được đông đảo nhân dân đồng tình đón nhận, ủng hộ, chia sẻ và làm theo.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: TH.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: TH.

Từ sự nỗ lực không ngừng của các cấp hội, sự mẫn cán, tâm huyết của từng hội viên, phong trào khuyến học, khuyến tài đã từng bước ăn sâu, bám rễ vào mỗi gia đình, thôn bản và làng xã, cộng đồng dân cư; tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp giáo dục - đào tạo và đưa phong trào xã hội học tập phát triển sâu rộng, mang lại hiệu quả thiết thực ngày càng tốt hơn.

Hội đã thực hiện có hiệu quả, cấp học bổng đúng mục tiêu, địa chỉ cho hàng chục nghìn sinh viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh thành phố, vận động lực lượng xã hội, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ các địa phương xây dựng, sửa chữa trường học, nhà nội trú, giúp giáo viên bám lớp, bám trường.

“Thông qua đó, kết nối các lực lượng xã hội thắp lên ngọn lửa nghị lực, giúp nhiều em học sinh, sinh viên vượt khó khăn. Đặc biệt là 2 năm qua, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các cấp hội đã thực hiện có hiệu quả chương trình máy tính cho em và đã hỗ trợ các em mất cha mẹ do đại dịch duy trì cuộc sống và tiếp tục được đến trường học tập cùng thầy cô và bè bạn”, ông Nghĩa nói.

Tại buổi gặp mặt, Hội khuyến học Việt Nam cũng thông tin về kế hoạch tổ chức giải thưởng Nhân tài đất Việt năm 2023, với chủ đề “Tôn vinh tài năng – Khơi nguồn sáng tạo”.

Ông Nghĩa mong rằng giải thưởng Nhân tài đất Việt tiếp tục tạo được môi trường khuyến khích, tôn vinh và phát triển cho sáng tạo và trí tuệ Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ