Cùng dự có Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phùng Xuân Nhạ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ. Phía Hội khuyến học Việt Nam có GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.
Báo cáo tóm tắt công tác khuyến học nhiệm kỳ 2016-2021 và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021-2026, GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết: Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, Hội khuyến học Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp chấn hưng và đổi mới GD-ĐT.
Đặc biệt, Hội đã xác định được mô hình học tập phù hợp với điều kiện KTXH của đất nước, thúc đẩy phong trào học tập suốt đời của người lớn và hỗ trợ hoạt động dạy học của hệ thống giáo dục chính quy dành cho thế hệ trẻ.
Trong nhiệm kỳ 2016-2021, Hội đã đạt được những thành tích rất cơ bản trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Cán bộ các cấp hội thể hiện năng lực sáng tạo để các hoạt động khuyến học đa dạng, lôi cuốn được công chúng, mang lại những lợi ích thiết thực cho các tầng lớp nhân dân thông qua các hoạt động xây dựng những mô hình xã hội học tập.
Nhân dân các địa bàn dân cư đều thể hiện sự hài lòng đối với những hoạt động của Hội và tích cực hưởng ứng các cuộc vận động do Hội đề xuất. Trên những địa bàn có phong trào khuyến học sôi động, nhân dân đồng thuận với chính quyền. Các mô hình học tập và khuyến học đã góp phần đáng kể trong xây dựng nông thôn mới, khu dân cư văn hóa và khu đô thị văn minh.
Trao đổi tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh vai trò quan trọng của Hội Khuyến học Việt Nam trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và khẳng định Bộ GD&ĐT luôn đồng hành, hợp tác với Hội để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.
Thứ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT đã cùng Hội khuyến học Việt Nam xây dựng, trình Chính phủ phê duyệt Đề án 89 xây dựng xã hội học tập, tạo sự công bằng trong tiếp cận giáo dục, gắn kết và liên thông giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên; đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời ở ngoài nhà trường; ưu tiên các đối tượng chính sách, người dân tộc, phụ nữ, người bị thiệt thòi.
Cùng với việc đồng hành với Hội khuyến học Việt Nam trong quá trình thực hiện Đề án 89, trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng mô hình học tập cộng đồng để hướng tới mục tiêu cả nước là xã hội học tập.
Gần đây nhất, sau khi thống nhất với Hội Khuyến học Việt Nam, Bộ đã ban hành Thông tư 44 quy định về đánh giá, xếp loại Cộng đồng học tập cấp xã; Thông tư 22 về đánh giá, xếp loại Đơn vị học tập. Các Thông tư này đã tạo điều kiện cho các cá nhân, đơn vị được học tập thường xuyên, học cách học cùng nhau nhằm mở rộng hiểu biết trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hàng năm, Hội khuyến học đều có đánh giá công nhận cộng đồng học tập.
Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao vai trò của Hội khuyến học Việt Nam trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập cũng như trong công tác chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Qua 25 năm xây dựng và phát triển, Hội Khuyến học Việt Nam đã trưởng thành, không những về quy mô, về tầm cỡ mà cả vị thế.
Khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với Hội khuyến học Việt Nam, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, Hội đã thành công, góp phần đáng kể, đóng góp tích cực vào sự thay đổi nhận thức của xã hội về sự học, sự cần thiết của sự học, đặc biệt là trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là những thành tích nổi trội của Hội Khuyến học Việt Nam các cấp.