Khảo sát ý kiến của 14.000 người dân được lựa chọn ngẫu nhiên tại 63 tỉnh, thành cho thấy, ô nhiễm môi trường trở thành vấn đề nổi cộm, bởi nó ảnh hưởng đến sức khỏe, kế sinh nhai của nhiều người.
Nảy sinh từ ô nhiễm môi trường
Từ năm 2016, môi trường trở thành vấn đề nổi cộm với người dân sau hàng loạt sự cố xảy ra. Nguyên nhân chính liên quan đến sự cố cá chết hàng loạt do xả thải công nghiệp ở khu vực duyên hải miền Trung, hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long và những vấn đề liên quan đến chất lượng không khí ở các đô thị lớn, khu công nghiệp, khu chế xuất.
Theo Viện trưởng Viện Quản lý châu Á - Thái Bình Dương, TS Nguyễn Văn Thắng, Trưởng nhóm nghiên cứu về xung đột môi trường, tác động xã hội và công lý môi trường ở Việt Nam, quá trình công nghiệp hóa và giảm nghèo nhanh chóng thời gian qua đang khiến cho môi trường tự nhiên phải trả những cái giá đắt đỏ.
Theo ước tính, ô nhiễm công nghiệp làm giảm 12% tổng sản phẩm quốc nội mỗi năm. Ô nhiễm không khí, nước do phát triển công nghiệp đã gia tăng liên tục và Việt Nam cũng là một trong 10 nước có tình trạng ô nhiễm không khí lớn nhất.
Tổn thất do ô nhiễm không khí không chỉ ảnh hưởng tới nền kinh tế mà còn luồn lách đến từng hộ gia đình. Tuy nhiên, tổn thất do ô nhiễm không khí gây ra cho từng cá nhân rất khó lượng hóa.
Hiện chưa có nghiên cứu tổng thể nào về những tổn hại mà người dân phải gánh chịu. Nhưng những làng ung thư ngày càng xuất hiện nhiều, số người mắc bệnh mạn tính liên quan đến ô nhiễm môi trường cũng tăng lên cho thấy ô nhiễm môi trường đã hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày của người dân chứ không còn là lời cảnh báo.
Gỡ nút thắt
Cũng theo TS Nguyễn Văn Thắng, trong quá khứ, người dân đã chấp nhận ô nhiễm môi trường như cái giá phải trả cho tăng trưởng kinh tế, nhưng hiện nay nhận thức về sự cần thiết phải cân bằng giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường đang ngày càng rõ nét. Bằng chứng là những vụ việc được người dân phản ánh đến báo chí, chính quyền địa phương ngày một nhiều.
Kết quả nghiên cứu Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2017 cũng cho thấy, phần lớn người dân được hỏi có xu hướng không lựa chọn những doanh nghiệp đã từng bị tai tiếng về vi phạm quy định bảo vệ môi trường.
Cụ thể, những doanh nghiệp có lịch sử môi trường xấu mất đi hơn 25% tỷ lệ người dân ủng hộ so với doanh nghiệp không có tai tiếng về môi trường khi có ý định đầu tư vào khu dân cư. Điều này cho thấy, trước những tác động môi trường ô nhiễm đem lại, người dân đang có xu hướng lựa chọn doanh nghiệp bảo vệ môi trường lớn hơn với doanh nghiệp tạo ra nhiều việc làm.
Như vậy, bảo vệ môi trường trở thành yếu tố quan trọng quyết định sự ủng hộ của người dân đối với dự án đầu tư trên địa bàn người dân sinh sống.
GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết: Phát triển bền vững là mục tiêu tối thượng của Việt Nam. Chính phủ cũng khẳng định không đổi môi trường để lấy phát triển kinh tế. Nhưng trên thực tế, ô nhiễm môi trường đang là cái giá quá đắt phải trả cho quá trình công nghiệp hóa. Điều này dẫn đến xung đột xã hội, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Câu hỏi đặt ra làm thế nào để không kìm hãm sự phát triển của kinh tế nhưng vẫn đảm bảo môi trường. Nghiên cứu 17 tình huống xảy ra xung đột liên quan đến môi trường giữa người dân với doanh nghiệp cho thấy phần lớn liên quan đến xả thải chưa qua xử lý hoặc hệ thống quản lý rác thải chưa được quan tâm.
Những xung đột trên phần lớn chưa được giải quyết triệt để cộng với vấn đề ô nhiễm, tình trạng vi phạm tiếp tục tăng, làm tăng tâm lý căng thẳng và người dân không thấy được sự công bằng qua cách giải quyết của chính quyền địa phương. Đây là lý do khiến những khiếu kiện kéo dài, khiếu kiện đông người có mặt ở nhiều nơi.
Luật sư Nguyễn Hưng Quang (Văn phòng Luật sư NH Quang và cộng sự) cho rằng, xung đột môi trường nảy sinh ngày càng nhiều cho thấy những khiếm khuyết của hệ thống pháp luật. Đó là tính đại diện cho người dân thấp, chưa rõ ràng. Việc đại diện thông qua ủy quyền còn phức tạp, chi phí tốn kém. Mặt khác, hiện luật pháp mới cho phép khiếu kiện tập thể trong lĩnh vực tiêu dùng còn trong vấn đề liên quan đến môi trường lại chưa được chấp nhận. “Chưa có quy định, nguyên tắc về chứng cứ để xác định thế nào là thiệt hại nên việc bồi thường dựa trên thiệt hại thực tế khó thực hiện”, ông Hưng phân tích.
Giải quyết xung đột môi trường không thể theo kiểu mệnh lệnh hành chính như hiện nay mà phải bắt đầu từ vấn đề quản lý môi trường. Đây là lĩnh vực đặc thù nên nếu không có sự đột phá trong xây dựng chính sách, thực thi pháp luật thì mất 30 năm nữa mới giải quyết được những xung đột đang xảy ra giữa người dân và doanh nghiệp.
Chuyên gia Luật Môi trường Nguyễn Hoàng Phương