Giải quyết tranh chấp bất động sản trong bối cảnh pháp lý mới

GD&TĐ - Kinh doanh bất động sản vẫn gặp khó và nhiều rủi ro pháp lý, nhưng nhờ sự thay đổi trong các văn bản luật, ngành đang dần có tín hiệu khả quan hơn.

Phiên thảo luận chuyên đề tại khuôn khổ hội thảo “Tranh chấp bất động sản trong bối cảnh khung khổ pháp lý mới”. (Ảnh: ULAW).
Phiên thảo luận chuyên đề tại khuôn khổ hội thảo “Tranh chấp bất động sản trong bối cảnh khung khổ pháp lý mới”. (Ảnh: ULAW).

Ngày 18/7, Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Trường Đại học Luật TPHCM và Hội Luật gia tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội thảo "Tranh chấp bất động sản trong bối cảnh khuôn khổ pháp lý mới" tại tỉnh Khánh Hoà.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện các cơ quan chính quyền tỉnh Khánh Hoà cùng hơn 150 luật sư, đại diện doanh nghiệp tham gia.

TS Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM cho biết, nhiều năm qua, lĩnh vực kinh doanh bất động sản vẫn đang gặp nhiều khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý.

Tuy nhiên, với những sự thay đổi trong các văn bản pháp luật trụ cột của ngành gần đây, bức tranh bất động sản đang dần có tín hiệu khả quan hơn cho doanh nghiệp.

"Những quy định mới đó cần được phổ biến, hướng dẫn để các cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu và áp dụng một cách đúng đắn, đảm bảo công bằng và hiệu quả trong quá trình thực thi", ông Sơn nói.

TS. Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM.jpg
TS Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: ULAW).

Cùng quan điểm, ông Vũ Ánh Dương - Tổng thư ký kiêm Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhìn nhận, với những thay đổi tích cực trong Luật Đất đai 2024, trong đó có các quy định liên quan đến mở rộng thẩm quyền giải quyết tranh chấp tại trọng tài, hoà giải.

"Đây là sự ghi nhận rất phù hợp với bối cảnh phát triển không ngừng của các phương thức giải quyết tranh chấp", ông Dương đánh giá.

Theo thống kê của VIAC, số lượng vụ tranh chấp có liên quan tới yếu tố đất đai có chiều hướng gia tăng đột biến (chiếm tới 26.18% trên tổng số vụ tranh chấp được thụ lý tại VIAC trong năm 2023).

Theo ông Dương, với sự mở rộng này, doanh nghiệp đã có sự an tâm hơn khi lựa chọn giải quyết tranh chấp tại trọng tài, hoà giải, tận dụng triệt để những ưu thế nổi bật của các phương thức này.

Ông Vũ Ánh Dương - Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).jpg
Ông Vũ Ánh Dương - Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phát biểu. (Ảnh: ULAW).

Hội thảo được diễn ra với 2 phiên trao đổi, thảo luận đến từ các chuyên gia, luật sư, doanh nghiệp.

Các phiên trao đổi liên quan đến hoạt động đầu tư, Luật Đất đai cho thấy nhiều cải tiến khi bổ sung các quy định về nguyên tắc sử dụng đất, cơ chế về giao đất, cho thuê đất.

Đồng thời cân bằng quyền lợi và vị thế của nhà đầu tư và người có đất bị thu hồi khi đưa ra những quy định hoàn thiện liên quan tới bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, trong tương lai với những nỗ lực pháp lý mới cho lĩnh vực bất động sản, nhà đầu tư sẽ được tiếp cận với đất đai một cách thuận lợi hơn, thủ tục hành chính đơn giản, thông thoáng hơn.

Từ đó, người dân cũng được hưởng lợi khi giá đất bình ổn hơn, xóa bỏ nhiều vướng mắc pháp lý còn tồn tại.

Tại hội thảo cũng đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Trường ĐH Luật TPHCM và Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.