Nhấn mạnh điều này, giảng viên Lê Thanh Nguyệt Anh (Trường ĐH Đồng Tháp) cũng cho rằng, rất nhiều giáo viên dạy tiếng Anh nhưng vào lớp đa phần nói tiếng Việt, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, ít dạy nghe, nói cho học sinh, không biết cách chọn tài liệu để hỗ trợ hiệu quả cho học sinh.
Giải pháp cho vấn đề này, theo giảng viên Lê Thanh Nguyệt Anh, là mở những hội thảo, nâng cao ý thức năng lực tự học, tự tìm tòi sáng tạo phương pháp dạy học cho giáo viên, mời những giáo viên có kinh nghiệm dạy học sáng tạo, có năng lực chọn sách, giáo trình, có năng lực dạy dễ hiểu đến chia sẻ cho giáo viên Ngoại ngữ ở các buổi hội thảo, báo cáo chuyên đề.
Cũng theo giảng viên Lê Thanh Nguyệt Anh, để tiếp cận được chương trình, sách giáo khoa từ 2018, với môn Ngoại ngữ, giáo viên cần có năng lực dạy các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và đạt chuẩn ngoại ngữ theo yêu cầu từng cấp học. Trong quá trình dạy, cần dạy đủ các kỹ năng theo sách giáo khoa, tránh tập trung chỉ dạy ngữ pháp, đọc hiểu.
Giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh cách tự học ở nhà như cung cấp các trang web luyện nghe, nói; các tài liệu tham khảo phù hợp với khả năng của học sinh.
Ngoài ra, các nhà quản lý cần tạo điều kiện hơn nữa cho giáo viên tham gia các lớp tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm dạy Ngoại ngữ trong khu vực và cho giáo viên học các lớp năng lực tiếng, phương pháp dạy học để đạt chuẩn.
Các cấp quản lý có thể tập huấn cho giáo viên về phương pháp tích hợp dạy học giữa ngôn ngữ và nội dung (content and language integrated learning, gọi tắt là phương pháp CLIL) để giáo viên có thể nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh dạy nội dung của các môn học khác.
Giảng viên Lê Thanh Nguyệt Anh