Giải quyết bài toán mất cân bằng dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam tại các vùng miền

Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng năm 2020 cho thấy có 38% trẻ em miền núi thuộc diện thấp còi, đối với vùng nghèo là 44%.

Theo đó, cứ 2-3 trẻ sẽ có 1 trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi. Nhưng ngược lại ở những thành phố lớn, cứ 2-3 trẻ lại có 1 trẻ thừa cân béo phì. 

Bức tranh trên được vẽ nên bởi một thực tế với rất nhiều những tác động khác nhau như chênh lệch vùng miền, chênh lệch giàu nghèo, đô thị hóa, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, ... Đây là những vấn đề khó thay đổi nhưng vẫn có thể khắc phục được.

Năm học 2020-2021, Mô hình thí điểm “Bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam” do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì tại 10 tỉnh thành trên cả nước, giữa các vùng miền sinh thái khác nhau, cùng sự đồng hành của Tập đoàn TH.

Mô hình Bữa ăn học đường được Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì. (Ảnh Q.M)
Mô hình Bữa ăn học đường được Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì. (Ảnh Q.M)

Tại Hội nghị Tổng kết triển khai Mô hình “Bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, vấn đề giáo dục truyền thông là vấn đề hết sức quan trọng bởi rất nhiều những nghiên cứu đều chỉ ra rằng, kiến thức thực hành của xã hội đối với vấn đề dinh dưỡng và những thói quen trở thành văn hóa ăn uống lành mạnh hiện nay rất hạn chế. 

Việc đưa mô hình giáo dục bữa ăn học đường vào giáo dục là điều kiện quyết định và then chốt để hướng đến thành công. Đây là một kinh nghiệm từ quốc tế và đặc biệt là Nhật Bản, khi việc thực hành ăn uống đã trở thành nề nếp và thói quen rất tốt của trẻ em tại đây.

Đó cũng chính là một trong những đột phá mà Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiều năm qua hướng đến khi đã đưa các đề án, đặc biệt là chương trình Sức khỏe học đường và Đề án 41 để hỗ trợ cho các vấn đề về giáo dục, thay đổi vấn đề giáo dục để từng đứa trẻ từ cấp mầm non, giáo dục phổ thông đến đại học có ý thức hơn trong việc chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng hợp lí của chính mình. 

Theo Phó Giáo sư Trương Tuyết Mai, Viện dinh dưỡng Quốc gia cũng đã trình Chính phủ một chiến lược dinh dưỡng quốc gia 2021-2030 với sự tích hợp và hướng đa giá trị, đa tiếp cận để giải quyết được giá trị dinh dưỡng, với mục tiêu hướng đến giải quyết triệt để tất cả những khía cạnh đang còn thiếu sót, nâng tỉ lệ, số lượng người dân thực tế có được dinh dưỡng và sức khỏe hợp lí lên một tỉ lệ cao nhất có thể. 

“Chiến lược này của chúng tôi hi vọng sẽ góp phần thúc đẩy Đề án 41 cũng như chương trình sức khỏe học đường, thực hiện tốt các Nghị quyết của Trung ương đã đề ra đối với vấn đề giảm suy dinh dưỡng, cải thiện sức khỏe người dân.

Chúng tôi nghĩ rằng chúng ta đang đáp ứng các Luật về trẻ em, đảm bảo quyền của trẻ em và người dân được tiếp cận với dinh dưỡng và thực phẩm một cách an toàn và hợp lí. Trong thời gian tới chúng tôi mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trực tiếp chỉ đạo về vấn đề dinh dưỡng ở học sinh, tiếp tục nhân rộng mô hình này lên cả cấp trung học, đại học, giáo dục nghề nghiệp”, bà Mai nói.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Ảnh Q.M)
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Ảnh Q.M)

Theo các khuyến cáo đã đưa ra khi thực hiện Mô hình thì việc tăng cường giáo dục, tuyên truyền là hết sức quan trọng. Để thực hiện được việc này thì vai trò của các bộ ngành liên quan, của giáo viên và phụ huynh là cần thiết.

Ngoài ra cần có sự sát sao hơn nữa của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong công tác đổi mới về chương trình giáo dục và vấn đề đứng lớp của các cô để giáo dục toàn diện Văn – Thể - Mỹ. Qua đó, trẻ em có thể trở thành những công dân có kĩ năng sống tốt. Đây chính là vấn đề cốt lõi, là căn lề hoàn hảo để thành công trong chiến dịch dinh dưỡng, hướng tới mục tiêu năm 2030 có thể nhìn thấy những thay đổi mang tính quyết định. 

Thay mặt Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Tiến sĩ Trương Tuyết Mai cũng cam kết sẽ cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra những tiêu chí, tiêu chuẩn cho vấn đề dinh dưỡng và sẽ có những biện pháp cụ thể hơn để bổ sung, mở rộng thêm các vấn đề, đẩy mạnh thêm kĩ thuật, làm sao đảm bảo được vấn đề về phát triển dinh dưỡng cho trẻ em. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.