Tiziano Terzani gọi đó là một may mắn...
Cũng vì nhờ đó mà ông được là một trong số ít nhà báo phương Tây trở thành nhân chứng của sự kiện lịch sử của ngày 30/4/1975! Cũng từ đây, tác phẩm “Giải phóng” của ông được ra đời - một cuốn sách tái hiện khúc khải hoàn hòa hợp dân tộc chân thực mà sâu sắc, lắng đọng!
Nụ cười nối tiếp...
Tác phẩm “Giải phóng” được nhà báo Tiziano Terzani hoàn thành ngay trong năm 1975. Đấy là kết quả mà ông chắt lọc từ “vali” tư liệu là các cuộc trò chuyện, phỏng vấn... được lưu lại trong 14 cuốn sổ ghi chép, 20 băng cassette trong những ngày ông tận mắt chứng kiến trước, trong và sau giải phóng Sài Gòn (kéo dài đến tháng 7/1975).
Được viết như một thể ký, ký giả phương Tây này đã kể chuyện ngày lịch sử 30/4/1975 trong phần “Ba ngày làm tổng thống” - mục “Ngày 30 tháng 4 – Sự im lặng “chói tai” luôn vỡ òa nụ cười nối tiếp như một giấc mơ. Nụ cười đầu tiên là ở trên phố khi những chiếc xe tăng đầu tiên của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam tiến về Dinh Độc Lập: “Các binh sĩ Việt Nam Cộng hòa trong bộ đồ lót chạy ra đón xe tăng. Từ trên những chiếc xe tăng bám đầy bụi và cành cây, các chiến sĩ Việt Cộng trẻ mỉm cười và vẫy tay chào họ”.
Nụ cười ấy nối tiếp tới Dinh Độc Lập mà Tiziano Terzani đã nghe từ câu chuyện của Nguyễn Trung Tánh - một trong những người tham gia trực tiếp: “Anh Tùng, Chính ủy Lữ đoàn 203, đã đến Dinh Độc Lập 10 phút sau khi chiếc xe tăng đầu tiên đến. Anh bước vào phòng họp, tự giới thiệu với Dương Văn Minh và đề nghị Minh cùng 18 thành viên khác đang có mặt hãy coi mình là người được tự do. Anh nhấn mạnh rằng, họ chưa bao giờ là tù nhân cả. Anh yêu cầu Dương Văn Minh phát qua radio mệnh lệnh đầu hàng mới tới binh sĩ để tránh đổ máu thêm một cách vô ích”.
Và nụ cười rạng rỡ nhất mà nhà báo đến từ nước Ý ghi lại được là khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng khiến Sài Gòn từ một thành phố câm nín như... thành phố ma, bỗng sực tỉnh. Bắt đầu từ những giây phút ban đầu có phần e dè khi cánh cửa chính và cửa sổ được mở chầm chậm, người dân nhìn một cách hiếu kỳ để sau đó “cả Sài Gòn tràn ra đường phố”. Để sau đó, các cặp nam thanh nữ tú đèo nhau trên những chiếc xe moto chạy theo đoàn xe bọc thép vừa chỉ đường cho bộ đội, vừa hò hét, hối thúc những người còn lưỡng lự rời nhà ra phố. Các binh sĩ của quân lực Việt Nam Cộng hòa vẫn mặc quân phục sau khi đầu hàng vui vẻ tiến vào thành phố giữa các chiến sĩ Việt Cộng. Trên đại lộ Công lý, một người mặc áo linh mục chạy đến một chiếc xe tăng, trèo lên xe và ôm các chiến sĩ. Giữa đám đông ở đường Lê Văn Duyệt, một phụ nữ cao tuổi đội chiếc nón nông dân ôm chầm một du kích trẻ: “Hòa bình! Hòa bình rồi” – bà khóc...
Nụ cười ấy cũng lan nhanh sang Tiziano Terzani: “Giữa những âm thanh chói tai của những chiếc xe tăng xả khói xanh và bụi, tôi không thấy gì ngoài những nụ cười – những nụ cười và những cánh tay đang vẫy. Tôi chạy, tôi nhảy lên xe tăng, đi nhờ xe Jeep và đi khắp thành phố”.
Ngạc nhiên đến... thẫn thờ
Tác phẩm “Giải phóng” không dành nhiều trang kể trực tiếp những giây phút hoan ca khi Sài Gòn được giải phóng mà dành nhiều trang viết về diễn biến tâm lý, cảm xúc của người Sài Gòn trong những tháng ngày trọng đại ấy. Đấy là tâm lý đi từ ngạc nhiên đến... thẫn thờ, được minh chứng bằng những câu chuyện mà tác giả đã trực tiếp ghi nhận, phỏng vấn để rồi kể lại. Những câu chuyện ấy có khi khiến độc giả rơi nước mắt, cũng có khi phải phá lên cười...
Tinh tế trong quan sát, Tiziano Terzani bắt gặp nỗi niềm ngẩn ngơ của chị em phụ nữ Sài Gòn: “Từ vỉa hè và ban công, chị em phụ nữ nhìn ngạc nhiên, thẫn thờ vào những cái đầu của chiến sĩ Việt Cộng nhô lên trên tháp pháo xe tăng. Họ nhìn các cô mỉm cười và giơ tay vẫy. Nỗi căng thẳng và sợ hãi trong các cô tan biến”.
Ông cũng bắt gặp thấy sự ngạc nhiên của “cả hai bên”. Đấy là bên những chiến sĩ giải phóng trẻ tuổi, “ngạc nhiên nhìn Sài Gòn bị biến thành nô lệ và bất khuất mà họ đã được nghe rất nhiều. Ngay trước mắt họ là các dinh thự, các đại lộ, khách sạn và vẻ sang trọng của Sài Gòn, những chiếc Honda, cửa hàng, rạp chiếu phim và sự giàu có của Sài Gòn”. Đấy là bên người dân Sài Gòn ngạc nhiên “họ luôn lo sợ một trận đánh đẫm máu và có thể trở thành một cơn ác mộng thì nay họ đã được giải tỏa tâm lý”.
Trước khi kể đến câu chuyện Sài Gòn trong ngày giải phóng, TizianoTerzani đã có hơn 100 trang chỉ kể về không khí Sài Gòn trước ngày giải phóng. Đấy là những ngày Sài Gòn bao trùm nỗi sợ hãi, ngột ngạt, hoang mang, hỗn loạn cùng cảnh tháo chạy. Cũng vì “người Mỹ đã nói về một cuộc thảm sát đẫm máu khủng khiếp có thể sẽ xảy ra ở Sài Gòn, nếu Việt Cộng tiến công vào thành phố” – (Giải phóng – Tất cả trong bể máu)…
Thế nhưng, sự thật là không. Không có “cuộc thảm sát đẫm máu”, hay một “quái vật” nào tấn công Sài Gòn trong những ngày giải phóng. Ở Sài Gòn không có sự thanh toán, trả thù lẫn nhau, không có việc lùng bắt những người theo chủ nghĩa phát xít, kẻ bại trận không bị làm nhục trước công chúng. Ở Sài Gòn không có chuyện bắn những kẻ cộng tác với phía bên kia, cảnh sát hay những kẻ tra tấn. Thậm chí, tác giả cũng chẳng bao giờ lục tìm được ký ức tuổi thơ ở nơi đây vì Sài Gòn: “Không có những người phụ nữ khỏa thân với mái tóc cạo trọc bị đẩy qua đẩy lại giữa hai hàng người như tôi đã nhìn thấy trong suốt đợt giải phóng châu Âu khi tôi còn là một cậu bé”.
Trái lại, trong ngày giải phóng, trước mắt ký giả toàn là nụ cười, những cái vẫy tay thân thiện của những người chiến sĩ tuổi đời từ 16 - 18, có nước da xanh, mặc bộ quân phục rộng thùng thình, quá khổ. Gặp đại tá Việt Nam Cộng hòa cố tự tử, các chiến sĩ liền ngăn cản. Gặp binh sĩ Việt Nam Cộng hòa trước đó nhằm bắn song đã bị đội du kích quy phục, người chiến sĩ mang súng máy nhìn hắn, mỉm cười và thả hắn ra... Đến những tháng sau giải phóng, bộ đội và du kích hòa trộn vào cùng nhân dân. Những khuôn mặt mới của những nông dân, công nhân, những người trẻ tuổi được thể hiện trong thành phố.
Vậy nên, ký giả phương Tây này khẳng định: “Bây giờ, họ đã đến đây, Việt Cộng. Những chàng trai nông dân tốt bụng, tươi cười, được nuôi dạy theo phương pháp truyền thống. Họ luôn trả lời bất kỳ câu hỏi nào bằng việc gọi tất cả mọi người là “anh”. “Trong vài giờ, khoảng cách của sự không biết, sự sợ hãi và sự im lặng giữa miền Bắc và miền Nam, đã được xóa hết. “Kẻ thù Việt Cộng vô danh” đã trở thành một người mà mọi người biết, là con của người hàng xóm, là anh của chính họ, là một người thân, một người Việt Nam giống như mọi người khác. Ngay cả cái tên cũng biến mất. Từ ngày hôm đó, mọi người không còn nói về “Việt Cộng” nữa” - (Giải phóng – Việt Cộng đã đến gần).
Theo Tiziano Terzani, số đông chiến sĩ tiến vào Sài Gòn ngày 30/4 là người miền Bắc - được phân biệt bởi giọng nói và chiều cao. Nhắc đến điều này là vì ông muốn nhấn mạnh: Người Sài Gòn không coi họ (người Bắc Việt) là người nước ngoài. Sau những gì được tận mắt thấy, tận tai nghe, ông đưa ra lập luận xác tín: “Đối với người Việt Nam, Việt Nam luôn là một nước. Người dân miền Nam và miền Bắc có chung ngôn ngữ, thói quen giống nhau, văn hóa giống nhau trong nhiều thế kỷ, họ đã cùng chiến đấu chống những kẻ thù”. Hay như: “Bộ đội đến Sài Gòn từ miền Bắc là quê hương của họ... Bộ đội là người nông thôn đến thành phố chứ không phải người nước ngoài đến. Sài Gòn được giải phóng chứ không phải bị xâm lược. Quân đội giải phóng là người Việt Nam, giống như những người đến giải phóng. Họ không phải là lực lượng nước ngoài đến chiếm đóng”.
Thậm chí, vị ký giả này cũng không bỏ sót nhận định của các nhà ngoại giao phương Tây cho rằng: “Chính phủ cách mạng lâm thời là một bình phong thuận tiện. Ở tất cả mọi nơi, những lãnh đạo đều đến từ Hà Nội”. Ông đã cất công tìm hiểu trong suốt hai tháng và thấy mình thường gặp những người đàn ông và phụ nữ miền Nam ở cơ quan chính quyền và nắm giữ các chức vụ cao trong quân giải phóng. Thế nên, sự thật đối với ông là: “Tuy nhiên, cho dù là vô lý, nhưng khi kết nối sự kiện chính trị ngày 30/4 với tên của thành phố hoặc làng viết trên giấy khai sinh của chiến sĩ giải phóng hoặc của các cán bộ chính trị thì thấy một sự thật rằng, các du kích miền Nam đã chiến đấu sát cánh cùng các du kích miền Bắc và ở Sài Gòn, cơ cấu chính quyền sau giải phóng gồm phần lớn là những người miền Nam”.
Có thể thấy, không phải ngẫu nhiên mà một nhà báo phương Tây như Tiziano Terzani lại có góc nhìn đặc biệt như thế về ngày Sài Gòn giải phóng và ông hăm hở thể hiện trong cuốn sách mang tên “Giải phóng” dày đến 450 trang khi được dịch sang tiếng Việt. Với Tiziano Terzani, lý do duy nhất thôi thúc ông cầm bút đó là sự thật: “Mỗi sự việc, mỗi câu chữ, mỗi cái tên tôi ghi lại ở đây đều đã được kiểm chứng ở mức độ tối đa nhất có thể, trong một tình huống vừa khó vừa hỗn độn. Không có lý do gì để hư cấu hoặc tưởng tượng dù chỉ là một chi tiết nhỏ” - Tiziano Terzani gửi đôi lời đến độc giả.
Tiziano Terzani (1938 - 2004) là nhà báo, nhà văn người Italy. Ông là một trong những phóng viên nổi tiếng ở Đông Á và Đông Nam Á và là đặc phái viên của tuần báo Der Spiegel tại Đông Nam Á. Ông đến Sài Gòn vào năm 1971. Cuốn sách “Giải phóng” của ông do John Shepley dịch từ tiếng Italy ra tiếng Anh và được NXB New York: St Martin’s Press xuất bản năm 1976. Cuốn sách được tái bản tại Thái Lan năm 1997 với tên “Sài Gòn 1975: 3 ngày và 3 tháng”. Năm 2019, “Giải phóng” do Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông cùng dịch giả Nguyễn Hiền Thu tổ chức biên dịch được NXB Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành và giới thiệu.