Giải pháp xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh

GD&TĐ - Văn hóa đọc với các yếu tố cốt lõi: “Thói quen đọc, khả năng lựa chọn và cách đọc” có tác dụng định hướng cho mọi người tiếp cận với thông tin tri thức phù hợp, hữu ích cho cuộc sống để phát triển bản thân, gia đình và cộng đồng. 

Giải pháp xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh

Tuy nhiên, từ trước đến nay do nhiều nguyên nhân như thiết chế văn hóa đọc ở nông thôn nghèo nàn, thiếu sách, hoạt động của thư viện trường học chưa thực sự hiệu quả nên thói quen đọc sách của người dân và giới trẻ, HS - SV còn chưa hình thành vững chắc để cập nhật được mục tiêu trên và hơn hết là phương tiện hữu dụng tiếp cận tri thức.

Những số liệu thống kê đáng lo ngại

Lợi ích của văn hóa đọc là vậy nhưng khi tham khảo những số liệu thống kê dưới đây chắc hẳn nhiều người không khỏi giật mình. Theo nghiên cứu của ông Nguyễn Quang Thạch trong chương trình sách hóa nông thôn Việt Nam, khi phỏng vấn trên 3.000 người cho thấy: Có đến 90% người chưa từng mượn sách ở thư viện nhà trường hoặc nhà trường không cho mượn sách đem về nhà đọc. Đáng lo ngại hơn là những người được phỏng vấn chủ yếu là độ tuổi từ 10 - 40.

Trong khi đó, một thống kê liên quan của Vụ Thư viện (Bộ VH,TT&DL) cho thấy: Tỷ lệ người hoàn toàn không đọc sách chiếm tới 26% dân số hiện nay, 44% người thỉnh thoảng mới cầm một cuốn sách lên để đọc; những người thường xuyên đọc sách chỉ chiếm tỷ lệ 30%. Thư viện Quốc gia Việt Nam lại có thống kê cho thấy: Bạn đọc của thư viện chỉ chiếm khoảng 8 - 10% dân số. Thư viện Quốc gia Việt Nam có khoảng 50.000 bạn đọc thường xuyên; thư viện cấp tỉnh chỉ có khoảng 1.000 - 2.000 bạn đọc, cấp huyện 500 - 600 bạn đọc; thư viện/phòng đọc cấp xã khoảng 100 - 200 bạn đọc.

Từ những số liệu thống kê trên cho thấy, người Việt Nam chưa hình thành được thói quen đọc sách một cách thường xuyên và có mục tiêu. Bình quân mỗi người dân Việt Nam chỉ đọc 0,8 cuốn sách/năm. Tiến sĩ Phạm Sĩ Bỉnh - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ GD&ĐT) nhận định: Chỉ có một bộ phận nhỏ học sinh, sinh viên và những người làm công tác nghiên cứu khoa học… mới có thói quen và cách đọc đúng.

Thiết chế văn hóa đọc nghèo nàn

Vậy hiện trạng mạng lưới, cơ sở vật chất thư viện cùng những thiết chế của văn hóa đọc, trong cộng đồng và các nhà trường, những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành văn hóa đọc và thói quen đọc sách hiện nay như thế nào.

Theo Tiến sĩ Phạm Sĩ Bỉnh: Trong những năm qua, mạng lưới thư viện công cộng trong cả nước đã được kiện toàn và phát triển từ cấp T.Ư, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Cơ sở vật chất, trang thiết bị thư viện từng bước được hiện đại hóa đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người sử dụng. Vốn tài liệu và nguồn lực thông tin của thư viện phát triển thêm về số lượng, phong phú về nội dung, đa dạng về loại hình. Bên cạnh mạng lưới thư viện Nhà nước, nhiều mô hình thư viện/tủ sách dân lập đã được hình thành đáp ứng nhu cầu đọc của người dân.

Mặc dù vậy, thư viện công cộng vẫn chưa thực sự phát huy được vai trò, chất lượng hiệu quả hoạt động còn hạn chế. Sự quan tâm về đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị và bổ sung phát triển vốn tài liệu cho thư viện còn hạn chế, đặc biệt là đối với các thư viện cấp huyện, thư viện cơ sở. Phần lớn các thư viện vẫn đang hoạt động với phương thức thủ công, thư viện điện tử/thư viện số đã hình thành nhưng còn hạn chế về số lượng và chất lượng.

Thư viện trường phổ thông hay còn gọi là thư viện trường học (TVTH) bao gồm thư viện các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Đây là địa chỉ cung cấp thông tin - kiến thức quen thuộc cho giáo viên và học sinh ngoài giờ lên lớp. Hiện nay, trong mạng lưới thư viện ở Việt Nam, số lượng thư viện trường học chiếm tỷ lệ cao nhất. Theo số liệu thống kê của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, trong năm học 2014 - 2015, cả nước có 25.915 thư viện nhà trường. Hệ thống thư viện trường học đã và đang được xây dựng theo hướng chuẩn hóa, hiện đại và thiết thực.

Thư viện trường học cũng là nơi mà các em học sinh luôn được chào đón, nơi mà mọi mơ ước và sở thích cá nhân của các em đều được trân trọng; Là điểm khởi đầu lý tưởng trong hành trình rèn luyện bản thân để trở thành những cá nhân học tập suốt đời. Tuy nhiên, thư viện trường học hiện nay chưa thực sự phát huy được chức năng, nhiệm vụ và hoạt động. Sự hiểu biết về vai trò và phương pháp hoạt động thư viện của các cán bộ thư viện, cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên còn hạn chế, ảnh hưởng rất lớn đến gây dựng, tổ chức các hoạt động để lôi cuốn học sinh vào thư viện đọc sách, hình thành thói quen đọc sách cho các em ngay từ đầu cấp học mầm non và bậc học phổ thông.

Giải pháp tạo tập thói quen đọc sách cho học sinh

Ngành Giáo dục đã và đang tổ chức linh hoạt và nhân rộng các mô hình thư viện để cải thiện và củng cố thói quen đọc sách cho học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Bộ GD&ĐT đã có những chỉ đạo xuyên suốt để công tác này được đẩy mạnh và đi vào nề nếp thường xuyên trong các trường phổ thông và các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp.

Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành các tiêu chuẩn đánh giá thư viện trường học, ban hành và bảo đảm chế độ và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ đối với đội ngũ giáo viên, nhân viên làm công tác thư viện trường học. Tuy nhiên, để hình thành văn hóa đọc cho người dân nói chung và học sinh, sinh viên nói riêng, Tiến sĩ Phạm Sĩ Bỉnh đã đề xuất các giải pháp như sau:

Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của các tủ sách, thư viện; nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa của việc đọc sách; nêu gương những điển hình tiên tiến của các tập thể, cá nhân thành đạt nhờ đọc sách.

Phát động phong trào xã hội hoá các hoạt động thư viện nhằm quyên góp sách báo, kinh phí... cho thư viện trường học; Xây dựng các thư viện công cộng trở thành những trung tâm thông tin, văn hóa, giáo dục hữu ích cho việc học tập của mọi tầng lớp nhân dân. Phát triển mạng lưới thư viện lưu động, thư viện chi nhánh đảm bảo người dân vùng sâu, vùng xa có điều kiện tiếp cận và đọc sách; Mở các lớp giáo dục kỹ năng và phương pháp đọc cho người dân tại trung tâm học tập cộng đồng.

Giáo viên mầm non cần dành thời gian đọc sách cho trẻ; hướng dẫn và khuyến khích cha mẹ, anh chị đọc sách, kể chuyện cho các em nghe thường xuyên tại gia đình. Các trường phổ thông cần tăng cường đổi mới hình thức tổ chức và phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, ham thích tìm tòi tư liệu phục vụ học tập của học sinh; tập trung dạy cách học và rèn luyện năng lực tự học, tự cập nhật kiến thức, tạo nền tảng cho học tập suốt đời.

Tích cực thực hiện đa dạng hóa các hình thức tổ chức và hoạt động của thư viện trường học: Luân chuyển sách trong thư viện nhà trường xuống các tủ sách trên lớp, áp dụng các mô hình “thư viện xanh”, “thư viện thân thiện”... nhằm giúp cho việc đọc sách thuận tiện và hiệu quả hơn; giao học sinh tự quản lí tủ sách và cho mượn sách; thường xuyên tuyên truyền giới thiệu sách, tổ chức tốt phong trào thi đọc sách, xây dựng ý thức, thói quen đọc sách cho học sinh. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thư viện nắm bắt, cập nhật kiến thức và kĩ năng mới trong hoạt động của thư viện trong thời đại công nghệ thông tin phát triển; đổi mới công tác tổ chức, quản lí thư viện.

Tổ chức các hoạt động, các cuộc thi, giao lưu, tọa đàm... liên quan đến hiệu quả của việc đọc sách nhằm khuyến khích học sinh, sinh viên đọc sách, đồng thời có các hình thức khen thưởng, động viên kịp thời giúp các cơ sở giáo dục tiếp tục phát huy, đẩy mạnh phong trào đọc sách trong gia đình, nhà trường và cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ