Giải pháp thực hiện hiệu quả đổi mới kiểm tra định kỳ

GD&TĐ - Đổi mới kiểm tra định kỳ, trong đó có thực hiện đa dạng phương thức đánh giá, không chỉ qua bài kiểm tra trên giấy được các nhà trường quan tâm.

Giáo viên Trường THPT Công nghiệp (Hòa Bình) hướng dẫn học sinh trong giờ học.
Giáo viên Trường THPT Công nghiệp (Hòa Bình) hướng dẫn học sinh trong giờ học.

Đa dạng phương thức

Theo cô Nguyễn Thị Bích Huy, giáo viên Trường TH&THCS Ea Trol (Sông Hinh, Phú Yên), Chương trình GDPT 2018 đổi mới đồng bộ cả về phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá.

Nếu Chương trình GDPT 2006, đánh giá định kỳ chủ yếu vẫn là kiểm tra viết trên giấy, Chương trình GDPT 2018 có sự đổi mới phong phú, đa dạng hơn các hình thức kiểm tra.

Theo đó, ngoài kiểm tra viết trên giấy hoặc trên máy tính, kiểm tra định kỳ còn được thực hiện thông qua bài thực hành, dự án học tập.

“Đổi mới kiểm tra định kỳ đã thúc đẩy, khích lệ học sinh tích cực học tập; làm giảm bớt áp lực trong việc học tập, thi cử cho học sinh. Các em bớt tâm lý lo lắng khi các kỳ kiểm tra cứ luôn gần kề, liên tục như trước đây. Chính vì vậy, kết quả các bài kiểm tra cũng khả quan hơn, chất lượng dạy học ở từng bộ môn cũng có bước khởi sắc hơn”, cô Nguyễn Thị Bích Huy chia sẻ thêm.

Khẳng định nhà trường rất chú trọng đến việc đổi mới kiểm tra định kỳ, cô Đoàn Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Phenikaa cho biết: Từ đầu năm học, các tổ/nhóm chuyên môn đã xây dựng kế hoạch dạy học các bộ môn gắn với mục tiêu, yêu cầu Chương trình GDPT 2018, phù hợp với đặc điểm của nhà trường, trong đó có kế hoạch về việc kiểm tra đánh giá.

Các tổ/nhóm chuyên môn đã họp, phân tích, thảo luận về yêu cầu cần đạt của từng chủ đề, của từng bài, từng chương. Từ đó lựa chọn phương pháp dạy học và xác định rõ mục đích đánh giá, chọn lựa công cụ đánh giá cho phù hợp để xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá cho bộ môn phụ trách.

Nhà trường có kế hoạch và tổ chức đào tạo giáo viên thực hiện kiểm tra, đánh giá theo hình thức mới. Thầy cô dựa vào yêu cầu cơ bản cần đạt về kiến thức, kỹ năng, thái độ (theo định hướng tiếp cận năng lực) của học sinh của cấp học để đánh giá học sinh. Giáo viên mỗi bộ môn đã xây dựng bộ tiêu chí đánh giá phù hợp với môn học, khối học.

Việc đổi mới kiểm tra đánh giá được thể hiện qua các nội dung: Bài kiểm tra định kỳ được thực hiện dưới nhiều hình thức: bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập.

Với các bài kiểm tra viết: Giáo viên thực hiện xây dựng ma trận, đặc tả theo đúng quy định; kết hợp giữa hình thức đánh giá bằng trắc nghiệm khách quan và tự luận nhằm phát huy những ưu điểm của mỗi hình thức đánh giá này.

Với các bài kiểm tra theo hình thức dự án: Giáo viên tập trung vào đánh giá năng lực, đặc biệt là thực tế và sáng tạo, nhấn mạnh sự hợp tác của học sinh trong quá trình thực hiện. Quan tâm đến đến phương pháp học tập, phương pháp rèn luyện của học sinh; chú trọng vào quá trình tạo ra sản phẩm, chú ý đến ý tưởng sáng tạo, đến các chi tiết của sản phẩm để nhận xét.

Đặc biệt, khi đánh giá các dự án, giáo viên đã khuyến khích học sinh tự đánh giá và tổ chức cho học sinh đánh giá chéo, khuyến khích học sinh thể hiện cá tính và năng lực bản thân.

Giờ học tại Trường THCS Việt Yên (huyện Việt Yên, Bắc Giang).

Giờ học tại Trường THCS Việt Yên (huyện Việt Yên, Bắc Giang).

Giải pháp đổi mới hiệu quả đánh giá định kỳ

Cô Đoàn Thu Hà nhận định, đổi mới kiểm tra, đánh giá đã phát huy được hiệu quả. Cụ thể, giáo viên dần vững vàng nghiệp vụ, ra đề và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực. Từ đó, thầy cô có thể đánh giá chính xác năng lực của học sinh theo quá trình, đặc biệt là trong các tình huống, các bối cảnh có ý nghĩa; kịp thời điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học cho phù hợp.

Học sinh có cơ hội để vận dụng tổng hợp các kiến thức, kỹ năng để giải quyết các vấn đề, hoàn thành một nhiệm vụ trong bối cảnh thực. Các em được giáo viên hướng dẫn, cung cấp công cụ để tự đánh giá, đánh giá chéo trong nhóm. Từ đó có khả năng tự đánh giá và có kế hoạch học tập phù hợp, khích lệ học sinh tích cực học tập.

Tuy nhiên, cô Đoàn Thu Hà cũng chia sẻ, thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá định kỳ có khó khăn bởi đòi hỏi đầu tư nhiều thời gian, công sức của giáo viên; thầy cô cần được đào tạo về kỹ năng nghiệp vụ để xây dựng được đề và tiêu chí đánh giá đảm bảo khoa học, chất lượng.

Giải pháp cho vấn đề này, theo cô Đoàn Thu Hà là cần đào tạo giáo viên về các phương pháp, kỹ thuật, hình thức đánh giá mới, hướng dẫn cách thức ra đề, kiểm tra mở, theo cách tiếp cận năng lực.

Nhà trường triển khai cụ thể, rõ ràng việc đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá đối với giáo viên, nhằm từng bước thay đổi thói quen cũ, trở thành yêu cầu, nhiệm vụ chuyên môn quan trọng. Xây dựng kho đề, ngân hàng đề để giáo viên trao đổi chuyên môn”, cô Đoàn Thu Hà cho hay.

Cùng với đó, các môn, tổ chuyên môn cần xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá từ đầu năm học, phân tích kỹ chuẩn kiến thức, kỹ năng của từng bài, từng chương, từng nhóm đối tượng học sinh. Xác định rõ mục đích đánh giá, chọn lựa công cụ đánh giá cho phù hợp, bám sát mục tiêu yêu cầu cần đạt, phù hợp với tình hình đặc điểm của nhà trường.

Về giáo viên, cần được đào tạo về kỹ năng, kỹ thuật ra đề và bộ tiêu chí đánh giá. Học sinh được phổ biến, được cung cấp đầy đủ các yêu cầu, các rubric đánh giá. Các em cũng phải được thực hiện đa dạng các hình thức đánh giá trong suốt quá trình học tập ở các hoạt động học tập, các bài kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ

Cô Nguyễn Thị Bích Huy thì cho rằng, giáo viên cần định hướng cho học sinh nội dung trọng tâm ở mỗi đơn vị kiến thức của bài học. Định hướng ma trận, dạng đề… và tăng cường rèn luyện học sinh làm quen với dạng đề kiểm tra thường gặp để từng bước làm tốt hơn bài kiểm tra định kỳ. Đôn đốc để học sinh phát huy tinh thần tự học ở nhà; không gây áp lực đối với học sinh…

“Để vận dụng được nhiều hình thức kiểm tra định kỳ phong phú, hiệu quả, nhà trường rất mong muốn có một phòng máy tính với đủ số lượng máy cho học sinh thực hiện kiểm tra thuận lợi hơn”, cô Nguyễn Thị Bích Huy nêu nguyện vọng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô giáo Lê Thị Thu Hường và học trò

Buồn vui nghề giáo

GD&TĐ - Tròn 20 năm được làm cô giáo, nhìn lại chặng đường đã đi, trong tôi không khỏi dâng lên bao cảm xúc khó tả buồn vui với nghề.

Haaland làm được điều không tưởng

Haaland làm được điều không tưởng

GD&TĐ - Chỉ mới 24 tuổi nhưng tiền đạo Erling Haaland đã ghi được tới 25 cú hat-trick tính cả trong màu áo câu lạc bộ lẫn tuyển quốc gia.