Xây dựng hội đồng chuyên môn cấp tỉnh
Hội đồng chuyên môn tỉnh Nam Định là một sáng kiến đột phá nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Hội đồng được thành lập với sự tham gia của các giáo viên cốt cán có trình độ chuyên môn cao, phẩm chất đạo đức tốt, được đào tạo bài bản. Các thành viên này không chỉ tham dự công tác chuyên môn cấp tỉnh, cấp quốc gia mà còn đóng vai trò nòng cốt trong việc xây dựng chương trình tập huấn cho giáo viên đại trà, ra đề quốc gia. Nhờ đó, việc triển khai chương trình giáo dục mới được thực hiện thống nhất, bài bản và phù hợp với thực tiễn địa phương.
Hội đồng cũng giúp tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng dạy học, hỗ trợ đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin và AI vào giáo dục.
Sự ra đời của Hội đồng chuyên môn không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên mà còn thúc đẩy phong trào đổi mới, sáng tạo trong dạy và học, tạo động lực phát triển giáo dục toàn diện trong tỉnh.
Xây dựng hệ thống bồi dưỡng theo hướng “cốt cán - đại trà”
Nam Định đã triển khai mô hình bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý theo hệ thống “cốt cán - đại trà”. Trong đó, đội ngũ giáo viên cốt cán và cán bộ quản lý cốt cán được bồi dưỡng chuyên sâu tại các lớp tập huấn của Bộ GD&ĐT, sau đó tập huấn lại cho giáo viên đại trà tại địa phương.
Nam Định đã cử đi tập huấn ở Bộ GD&ĐT 39 cán bộ quản lý cốt cán cấp tiểu học, 41 cán bộ quản lý cốt cán cấp trung học (33 THCS và 8 THPT) cùng 195 giáo viên cốt cán cấp tiểu học, 196 giáo viên cốt cán cấp THCS và THPT. Sau đó 100% đội ngũ được tập huấn lại qua nhiều năm.
Kết hợp nhiều hình thức bồi dưỡng đa dạng, chuẩn bị nội dung tập huấn trước, trong và làm bài tập sau tập huấn
Bên cạnh hình thức bồi dưỡng trực tiếp, Nam Định còn tổ chức các khóa học trực tuyến trên hệ thống LMS của Bộ GD&ĐT.
Hình thức này giúp giáo viên chủ động học tập, tiếp cận tài liệu bất cứ lúc nào. Hơn nữa, các trường cũng được khuyến khích tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học, giúp giáo viên học hỏi lẫn nhau
Nam Định đã triển khai mô hình tập huấn giáo viên và cán bộ quản lý với cách tiếp cận khác biệt, đặc biệt là việc giao nhiệm vụ cho học viên trước, trong và sau tập huấn.
Trước tập huấn, giáo viên được yêu cầu nghiên cứu tài liệu, chuẩn bị nội dung và báo cáo các vấn đề thực tiễn trong giảng dạy.
Trong quá trình tập huấn, họ không chỉ tiếp thu kiến thức từ báo cáo viên mà còn tham gia thảo luận nhóm, trình bày chuyên đề, và thực hành các tình huống thực tế.
Sau tập huấn, mỗi giáo viên phải hoàn thành bài tập ứng dụng, triển khai nội dung tập huấn vào thực tiễn giảng dạy và nộp báo cáo đánh giá trong vòng 7 ngày.
Khác với nhiều tỉnh khác chỉ tập trung vào hình thức bồi dưỡng tập trung ngắn hạn, Nam Định yêu cầu quá trình tập huấn có sự chuẩn bị từ trước và đánh giá thực tế sau khi hoàn thành.
Việc này không chỉ giúp giáo viên nắm vững nội dung, mà còn tạo sự kết nối chặt chẽ giữa lý thuyết và thực tiễn giảng dạy. Hơn nữa, việc chấm điểm và gửi kết quả về các đơn vị giúp đảm bảo công tác bồi dưỡng thường xuyên đạt hiệu quả cao, góp phần nâng cao chất lượng dạy học trong toàn tỉnh.
Nam Định đã linh hoạt kết hợp hình thức tập huấn trực tiếp và trực tuyến nhiều lần nhằm nâng cao hiệu quả bồi dưỡng giáo viên. Cách tiếp cận này giúp giáo viên vừa có cơ hội trao đổi trực tiếp với chuyên gia, vừa tiết kiệm thời gian, chủ động học tập mọi lúc, mọi nơi.
Đặc biệt, các buổi tập huấn trực tuyến trên hệ thống LMS giúp giáo viên dễ dàng tiếp cận tài liệu, tham gia thảo luận nhóm và thực hành qua các bài kiểm tra trực tuyến. Nhờ đó, quá trình bồi dưỡng trở nên hiệu quả hơn, đảm bảo giáo viên tiếp thu kiến thức một cách toàn diện và ứng dụng vào giảng dạy thực tế.
Ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI) vào giảng dạy
Nhằm nâng cao chất lượng dạy học, Nam Định đã triển khai tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin và AI trong giáo dục.
Giáo viên được hướng dẫn khai thác dữ liệu lớn, sử dụng các công cụ AI để cá nhân hóa việc học tập của học sinh, áp dụng chatbot hỗ trợ giảng dạy, và tích hợp công nghệ thực tế ảo vào bài giảng. Ngoài ra, việc triển khai lớp học trực tuyến thông minh và hệ thống quản lý học tập (LMS) giúp nâng cao hiệu quả đào tạo.
Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong tập huấn giáo viên tại Nam Định đã mang lại nhiều lợi ích vượt trội.
AI hỗ trợ soạn giảng, tạo bài giảng trực quan, tự động hóa thiết kế giáo án, giúp giáo viên dễ dàng cá nhân hóa nội dung giảng dạy.
Đặc biệt, AI còn giúp tạo câu hỏi kiểm tra đa dạng, phù hợp với trình độ học sinh, đồng thời cung cấp phân tích kết quả nhanh chóng, giúp giáo viên điều chỉnh phương pháp giảng dạy hiệu quả hơn.
Nhờ đó, chất lượng tập huấn tăng cao, giáo viên tiếp thu nhanh hơn và ứng dụng thực tiễn giảng dạy hiệu quả hơn.
Tổ chức tập huấn theo mô-đun linh hoạt, gắn với thực tiễn
Các chương trình tập huấn được thiết kế theo mô-đun, giúp giáo viên dễ dàng tiếp cận và thực hành. Các mô-đun phổ biến bao gồm:
Mô-đun 1: Hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Mô-đun 2: Sử dụng phương pháp giảng dạy theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực.
Mô-đun 3: Kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh.
Mô-đun 4: Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục.
Mô-đun 5: Tư vấn và hỗ trợ học sinh trong hoạt động giáo dục và dạy học.
Mô-đun 6: Xây dựng văn hóa nhà trường.
Mô-đun 7: Thực hiện và xây dựng trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường.
Mô-đun 8: Phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để giáo dục học sinh.
Mô-đun 9: Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị trường học.
Mô-đun 10: Thực hiện giáo dục STEM trong nhà trường.
Với những giải pháp hiệu quả, Nam Định đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Những bài học kinh nghiệm và đề xuất cho giai đoạn tiếp theo sẽ giúp tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của hệ thống giáo dục phổ thông trong tương lai.