Bồi dưỡng năng lực cho cán bộ, giáo viên tại các trường dân tộc nội trú, bán trú

GD&TĐ - Từ 20 - 21/12, tại TP Kon Tum, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ, giáo viên tại các trường dân tộc.

Bà Nguyễn Thị Nhung - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên - Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu khai mạc tập huấn.
Bà Nguyễn Thị Nhung - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên - Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu khai mạc tập huấn.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 và Kế hoạch số 586/KH-BGDĐT ngày 24/5/2024 của của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 20 - 21/12/2024, tại TP Kon Tum, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực thực hiện hoạt động công tác xã hội và tư vấn tâm lý cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú cho các tỉnh Kon Tum, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Gia Lai, Phú Yên, Đắc Nông, Đắk Lắk.

Tham gia Tập huấn có 180 thầy cô đại diện Sở GDĐT, phòng GDĐT, lãnh đạo các trường phổ thông, giáo viên làm công tác xã hội và tư vấn tâm lý trường học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú của các tỉnh Kon Tum, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Gia Lai, Phú Yên, Đắc Nông, Đắk Lắk.

Trong thời gian vừa qua, toàn ngành Giáo dục tập trung hoàn thành các mục tiêu đề ra sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển nền giáo dục toàn diện, ngành giáo dục đã có những giải pháp tích cực nhằm đảm bảo thực hiện quyền được học tập, được phát triển, và được bảo vệ của trẻ em. Trong đó, công tác tư vấn tâm lý, công tác xã hội là một phần quan trọng của hoạt động giáo dục trong nhà trường.

boi-duong-nang-luc-cho-can-bo-giao-vien-tai-cac-truong-dan-toc-noi-tru-ban-tru-2.jpg

Phát biểu tại Tập huấn, bà Nguyễn Thị Nhung - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên cho biết: Hiện nay, công tác tư vấn tâm lý và công tác xã hội trong các trường học đã được quan tâm chú trọng; đặc biệt là sau giai đoạn Covid thì những vấn đề về sức khỏe tinh thần, những khó khăn về tâm lý cần được hỗ trợ của học sinh đã được Đảng, Chính phủ, ngành GD, các gia đình, nhà trường và xã hội đặc biệt quan tâm. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác tư vấn tâm lý và công tác xã hội trong trường học như: Nghị định số 110/2024/NĐ-CP ngày 30/8/2024 của Chính phủ về Công tác xã hội; Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 11/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030” đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp về tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý và giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống, văn hoá ứng xử cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng;…

Bộ GDĐT đã ban hành và thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn các Sở GDĐT quản lý và triển khai thực hiện Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT về hướng dẫn công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông; Thông tư 33/2018 về hướng dẫn công tác xã hội trong trường học ngày 26/12/2018; Công văn số 4252/2022 gửi UBND các tỉnh thành phố về việc tăng cường triển khai công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông…

Đối với các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú, những khó khăn, thách thức trong công tác tư vấn tâm lý và công tác xã hội còn nhiều hơn. Học sinh các trường PTDTNT, trường PTDTBT, trường PTCHSBT ngoài việc học tập và các hoạt động như các trường phổ thông khác, các em còn được sinh hoạt tập thể, cộng đồng trong suốt thời gian học phổ thông (cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt, học tập và các hoạt động khác). Đây là cơ hội tốt để học sinh hình thành các kỹ năng xã hội trong giao tiếp và hoạt động xã hội; cơ hội để học hỏi và hiểu biết lẫn nhau để cùng phát triển trong học tập và tu dưỡng.

Tuy nhiên, do sự khác nhau về phong tục, tập quán, lối sống cũng như các đặc điểm tâm lý - văn hoá khác nhau của môi trường học tập dễ dẫn đến tách biệt các nhóm trong tập thể, gây nguy cơ mâu thuẫn, mất đoàn kết; dễ nảy sinh các hiện tượng tiêu cực khác. Vì vậy, tổ chức và kiểm soát các hoạt động, sinh hoạt cho học sinh nội trú, bán trú là vấn đề phức tạp cần được quan tâm.

boi-duong-nang-luc-cho-can-bo-giao-vien-tai-cac-truong-dan-toc-noi-tru-ban-tru-1.jpg

Vì vậy, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã biên soạn tài liệu và tổ chức tập huấn hướng dẫn hoạt động công tác xã hội và tư vấn tâm lý tại các trường các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú nhằm mục đích trang bị kiến thức, kỹ năng triển khai hoạt động công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong tư vấn, hỗ trợ học sinh cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú.

Kết thúc tập huấn, các cán bộ, giáo viên tham gia tập huấn sẽ áp dụng các kiến thức, kỹ năng được tập huấn vào hoạt động công tác xã hội, tư vấn tâm lý cho học sinh tại các trường phổ thông các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú; hướng dẫn và cung cấp lại tài liệu của tập huấn này cho các đồng nghiệp, cha mẹ học sinh để cùng nâng cao hiệu quả hỗ trợ, bảo vệ học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ