Giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cán bộ thanh tra Sở GD&ĐT

GD&TĐ - Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, Thanh tra là công cụ sắc bén của pháp luật, là một trong những chức năng thiết yếu của cơ quan quản lý Nhà nước.

Giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cán bộ thanh tra Sở GD&ĐT

Dưới đây là một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cán bộ thanh tra Sở GD&ĐT:

Nâng cao nhận thức về pháp luật và trách nhiệm của cán bộ thanh tra Giáo dục

Trong bối cảnh phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa; hội nhập kinh tế quốc tế thì nhiệm vụ của Thanh tra ngành Giáo dục nói riêng lại càng nặng nề hơn, đòi hỏi phải tăng cường hoạt động Thanh tra nhằm thúc đẩy việc chấp hành tốt chính sách pháp luật của Nhà nước;

Ngăn ngừa, phát hiện và xử lý những sai sót, vi phạm trong quá trình quản lý và thực thi pháp luật; phát hiện những sơ hở của cơ chế và kịp thời sửa đổi chính sách cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước;

Phát huy nhân tố tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân. Quá trình thực hiện đều chịu sự tác động của nhiều yếu tố như: con người; chính trị; văn hoá; tổ chức; thông tin…

Cho dù thực hiện yếu tố nào trong quá trình quản lý thì chủ thể quản lý vẫn là con người, con người là yếu tố quyết định đến quá trình quản lý, nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả trong công việc, phát huy cao nhất khả năng của con người, ổn định và phát triển xã hội theo định hướng đã đề ra.

Do vậy, nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác thanh tra là yếu tố cần thiết nhất.

Đào tạo, bồi dưỡng để nắm vững pháp luật, thông thạo chuyên môn nghiệp vụ

Nhiệm vụ cơ bản của thanh tra Giáo dục là thanh tra việc chấp hành pháp luật liên quan về Giáo dục đối với các tổ chức, cá nhân, ngoài ra còn giúp lãnh đạo tổ chức thực hiện tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng ngừa, phát hiện và xử lý những trường hợp có hành vi tham nhũng trong nội bộ ngành và các đối tượng khác trong phạm vi quản lý.

Do vậy, mỗi cán bộ thanh tra phải thường xuyên tự nghiên cứu học tập, cập nhật kiến thức mới trên thực tiễn và các văn bản Nhà nước, ngành hướng dẫn ở các lĩnh vực liên quan;

Tích luỹ kinh nghiệm trong quá trình công tác, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm giữa các đồng nghiệp nhằm nắm vững các chính sách chế độ của pháp luật quy định để phục vụ công tác có hiệu quả cao.

Hay nói cách khác,cán bộ làm công tác Thanh tra phải giỏi nghiệp vụ hơn hẳn so với các đối tượng bị kiểm tra mới dễ dàng phát hiện những sai phạm tinh vi của họ.

Công tác tuyển dụng

Thực hiện đúng quy trình, tuyển dụng cán bộ thanh tra phải dựa trên yêu cầu công việc, phải là người thực sự có trình độ nghiệp vụ, có năng lực sức khoẻ, tâm huyết với ngành, đủ đức, đủ tài.

Tránh tình trạng vì những lý do chủ quan mà đưa những người: bị kỷ luật từ đơn vị khác đến, tuổi cao sức yếu, mới vào ngành chưa có kinh nghiệm, năng lực yếu, tư cách, phẩm chất, đạo đức kém vào làm thanh tra Sở GD&ĐT.

Nâng cao kỹ năng giao tiếp ứng xử, vận dụng Tâm lý học trong thanh tra

Xã hội ngày càng phát triển, chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao do đó nhu cầu cuộc sống ngày càng nhiều trong đó nhu cầu về giao tiếp, ứng xử không kém phần quan trọng, là một hoạt động đặc biệt của con người nhằm mục đích trao đổi thông tin, tâm tư, tình cảm và ý nghĩ cho nhau.

Cán bộ làm công tác thanh tra Giáo dục cần phải có kỹ năng giao tiếp và ứng xử một cách lịch sự, nhẹ nhàng, từ tốn, thể hiện sự tôn trọng, vui vẽ, giải quyết công việc nhanh, chính xác, khoa học, chí công vô tư, không sách nhiễu.

Vận dụng tâm lý học trong thanh tra

Tâm lý là toàn bộ hoạt động bên trong của con người bao gồm sự nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính, tình cảm, ý chí, tính cách của mỗi người. Đó là khuynh hướng tình cảm và hành động thể hiện tính cách riêng biệt của từng người hoặc từng nhóm người.

Do đó trong quá trình thanh tra, người cán bộ thanh tra phải luôn tỉnh táo phải “biết mình, biết người”, phải kiên quyết nhưng cũng có trường hợp mềm dẻo, khôn khéo thì mới xác định được bản chất vụ việc;

Thông qua lời nói, cử chỉ, hành vi, hoạt động và kết quả hành động để xem xét, đánh giá rồi từ đó suy đoán được đặc tính tâm lý của từng đối tượng bị kiểm tra như: tính khí, động cơ hành động, năng lực, ý thức, phẩm chất...để có biện pháp cụ thể phù hợp cho từng đối tượng trong giao tiếp, ứng xử trực tiếp.

Trong quá trình hoạt động của đoàn thanh tra nếu trưởng đoàn đánh giá được đặc tính tâm lý của từng thành viên để bố trí công việc phù hợp thì hiệu quả cuộc thanh tra cũng thành công hơn.

Nói tóm lại, trong hoạt động Thanh tra nhờ có quá trình tìm hiểu nội tâm con người, từ đó có thể phát huy được những mặt tốt, nhằm động viên, khích lệ, đồng thời phê phán những biểu hiện tiêu cực, trì trệ, làm sai nguyên tắc.

Quá trình vận dụng vào công tác thanh tra tâm lý học giúp người làm công tác Thanh tra xem xét mọi vấn đề không chỉ căn cứ vào giấy tờ, chứng từ, văn bản pháp luật quy định mà còn đi sâu vào những khía cận uẩn khúc trong tâm hồn của con người. Có như vậy khi giải quyết sự việc mới thấu tình, đạt lý.

Rèn luyện tư tưởng, phẩm chất, đạo đức

Như Bác Hồ thường nói: “có tài mà không có đức thì người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”, câu nói này có ý nghĩa sâu sắc đối với người làm công tác thanh tra Giáo dục.

Bởi người thanh tra Giáo dục cần phải có “tài” là giỏi về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng thanh tra, nhận thức cao về pháp luật lúc đó mới phát hiện, ngăn ngừa và xử lý được những sai phạm của đối tượng Giáo dục so với pháp luật quy định một cách chính xác.

Tuy nhiên trong bối cảnh hiện tại, nền kinh tế thị trường có khuynh hướng cho đồng tiền có quyền lực vô biên, có thể làm tha hoá con người. Bên cạnh đó, môi trường làm việc của cán bộ thanh tra Giáo dục rất nhạy cảm, dễ bị sự cám dỗ của đối tượng thanh tra.

Do vậy cái “Đức” của cán bộ làm công tác thanh tra cần thiết phải có, nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, đem lại lòng tin đối với Nhà nước trong nhân dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ