Giải pháp ngăn chặn cán bộ “hành dân”

GD&TĐ - Thời gian qua, một số địa phương đã triển khai hệ thống đánh giá sự hài lòng của tổ chức và người dân đối với thái độ phục vụ, kết quả xử lý công việc của các sở, ngành và UBND cấp huyện. Một việc làm đang thu hút sự quan tâm của dư luận. 

Những “cái máy” đo sự hài lòng (anh minh họa, theo Báo sức khỏe đời sống)
Những “cái máy” đo sự hài lòng (anh minh họa, theo Báo sức khỏe đời sống)

Việc để người dân đưa ra nhận xét, đánh giá sự hài lòng thông qua màn hình cảm ứng hoặc máy tính bảng, được đặt tại các quầy tiếp nhận hồ sơ sau khi thực hiện các thủ tục hành chính, đã góp phần tạo điều kiện cho cơ quan quản lý biết được mức độ hài lòng của người dân đối với hoạt động phục vụ của cơ quan hành chính.

Qua việc nhận xét của người dân, việc quản lý và giám sát thái độ phục vụ, năng lực giải quyết công việc của các công chức, viên chức và nhân viên đang công tác tại các sở, ngành và UBND cấp huyện sẽ dễ dàng bộc lộ, và bớt đi được những cách làm... hành dân.

Đây là việc có ý nghĩa rất quan trọng, là điểm nhấn trong việc cải cách hành chính hiện nay. Qua đó, đánh giá sự hài lòng của tổ chức và người dân thông qua việc giải quyết các thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước; kịp thời chấn chỉnh những những sai sót, bất cập trong quá trình giải quyết công việc; ngăn chặn và luân chuyển kịp thời đối với cán bộ, công chức có thái độ phục vụ không tốt, có dấu hiệu tiêu cực... hướng đến một nền hành chính văn minh, hiện đại và vì dân phục vụ.

Để triển khai hệ thống đánh giá sự hài lòng của tổ chức và người dân đối với thái độ phục vụ, kết quả xử lý công việc của cơ quan nhà nước cần có nguồn kinh phí để thực hiện, duy trì và chỉ thực hiện ở những địa phương có nguồn thu ngân sách lớn. Tuy nhiên, đối với các địa phương nguồn thu ngân sách còn nhiều hạn chế thì không thể triển khai hệ thống đánh giá này.

Vậy những địa phương chưa triển khai hệ thống đánh giá này liệu mức độ hài lòng của tổ chức và người dân như thế nào? Có xảy ra hiện tượng tiêu cực hay không? Thái độ phục vụ của cán bộ, công chức như thế nào...? thì chưa có cơ sở để đánh giá một cách đầy đủ và chính xác nhất.

Đối với các địa phương chưa đủ điều kiện để trang bị hệ thống đánh giá thì việc giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan đến tổ chức, người dân phục thuộc vào lương tâm, trách nhiệm và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức và trách nhiệm, khả năng quản lý của người đứng đầu trong quản lý, điều hành đối với một cơ quan, đơn vị. Nếu một cán bộ, công chức được trang bị kiến thức tốt, được giáo dục đạo đức công vụ và nhiệt huyết với công việc... thì khi phục vụ, giải quyết thủ tục hành chính sẽ được tổ chức và người dân ghi nhận.

Trang bị hệ thống đánh giá là tốt, thêm một kênh quan trọng để giám sát việc thực thi công vụ của các cán bộ, công chức ở cơ quan nhà nước. Nhưng quan trọng hơn cả là việc tuyển chọn cán bộ, công chức vào cơ quan nhà nước nói chung và trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính nói riêng phải có đầy đủ phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, trình độ năng lực, đặc biệt là vì dân phục vụ.

Khi mà ý thức của cán bộ, công chức được nâng cao thì không cần máy móc hay các thiết bị hiện đại nào khác để đánh giá thái độ phục vụ, mức độ hài lòng của tổ chức và người dân. Ngược lại, nếu cán bộ, công chức mà không trang bị đầy đủ về đạo đức công vụ, trình độ, năng lực kém... thì dù máy móc có hiện đại đến đâu đi chăng nữa cũng không thể đánh giá toàn diện, đầy đủ thái độ phục vụ và tiêu cực phát sinh.

Thiết nghĩ, việc trang bị hệ thống đánh giá cần thiết, cần được nhân rộng để giám sát thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức tại cơ quan nhà nước nhưng quan trọng nhất vẫn thường xuyên giáo dục thái độ phục vụ, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức là giải pháp tối ưu nhất để đánh giá sự hài lòng của tổ chức và người dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ