Một trong những nguyên nhân khiến vị trí việc làm này khó thu hút bởi áp lực công việc lớn mà mức lương không đủ sống. Từ thực tế này, ngành Giáo dục TPHCM đang tìm kiếm các giải pháp khắc phục.
Muôn vàn vất vả
Cô Mai Thị Lý, giáo viên lớp 1/1, Trường Tiểu học Tân Tạo (Bình Tân), chia sẻ, hơn 28 năm theo nghề giáo, với 15 năm dạy học sinh lớp 1 nhưng nhiều khi thấy “đuối”. Lớp cô chủ nhiệm có 49 học sinh, quá tải, chật chội, mỗi ngày làm việc tại trường kéo dài khoảng 10 giờ. Trong khi đó, đặc thù của giáo viên tiểu học không chỉ dạy nhiều môn, mà còn hỗ trợ chăm sóc học sinh, giải quyết vô số những tình huống phát sinh…
“Quá trình giảng dạy tôi cảm thấy không có gì trở ngại. Tuy nhiên vất vả thật sự của giáo viên là vấn đề thu nhập. Bản thân tôi thâm niên gần 30 năm trong nghề, nhưng lương chỉ hơn 10 triệu đồng. Nhiều giáo viên mới vào nghề cũng muốn đầu tư nhiều cho công việc nhưng thu nhập thấp, buộc họ phải làm thêm mới đảm bảo được cuộc sống. Mong có chế độ đãi ngộ tốt hơn để giáo viên yên tâm bám trụ với nghề, không phải chứng kiến cảnh nhiều đồng nghiệp mới ra trường phải bỏ việc làm trái ngành như hiện nay”, cô Lý chia sẻ.
“Một trong những vấn đề mà các trường tiểu học trăn trở là quy định dạy 2 buổi bắt buộc theo Chương trình GDPT 2018 và không được thu thêm học phí buổi hai. Do đó, với các khối lớp đang triển khai chương trình mới, thầy cô phải dạy nhiều hơn trước đây nhưng lại không có thêm thu nhập. Nhà trường mong rằng, TPHCM sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng thêm được nhiều ngôi trường mới để giảm bớt sĩ số học sinh/lớp, từ đó giáo viên, quản lý cũng đỡ vất vả”, cô Trang bày tỏ.
Cô Phạm Thị Đoan Trang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Tạo, cho rằng với thực trạng học sinh đông, sĩ số cao, không chỉ giáo viên mà cán bộ quản lý cũng áp lực. Theo quy định, sĩ số của lớp tiểu học không quá 35 học sinh, nhưng thực tế tại trường có 70 lớp với gần 3.300 học sinh. Bình quân mỗi lớp từ 47 đến 50 em. Như vậy, giáo viên phải gồng gánh công việc nhiều hơn so với những lớp có sĩ số chuẩn.
Tương tự, thầy Lại Văn Tâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Lợi (huyện Bình Chánh), chia sẻ, cuộc sống giáo viên của trường cực kỳ khó khăn. Những thầy cô ở các tỉnh đến giảng dạy ngoài việc nuôi sống bản thân, còn kiếm tiền nuôi gia đình. Trong khi đó, họ phải chi phí nhà trọ, điện, nước… rất vất vả. Cách đây 4 năm, trường tuyển dụng 5 giáo viên thì có 10 người nộp hồ sơ, nhưng hiện nay tuyển 5 vị trí chỉ có 1 - 2 người nộp hồ sơ.
“Là trường ngoại thành lại xa trung tâm nên để giữ chân giáo viên nhà trường đã hỗ trợ chi phí ở trọ cho những hoàn cảnh khó khăn. Riêng với giáo viên môn Tiếng Anh, chúng tôi xác định khó tuyển, các thầy cô đa phần sinh sống ở địa bàn xa nên đã hỗ trợ tiền xăng hoặc tiền trọ”, thầy Tâm chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng, Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT TPHCM), 3 năm trở lại đây, TPHCM có 219 cán bộ quản lý và 2.483 giáo viên tiểu học rời ngành. Trong đó hơn 1.200 thầy cô chủ động xin nghỉ việc. “TPHCM đang thiếu hơn 3.643 giáo viên ở cấp tiểu học, tương đương 12,8% số lượng giáo viên cần có. Nghĩa là mỗi giáo viên hiện nay phải gánh vác công việc nhiều hơn 12,8%”, ông Hoàng cho hay.
Ảnh minh họa ITN. |
Cần có chính sách hợp lý
Thầy Lại Văn Tâm cho biết: “Ban giám hiệu luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho giáo viên có môi trường làm việc thoải mái. Tuy nhiên, nhà trường cũng mong muốn TPHCM tăng ngân sách cấp hàng năm trên đầu học sinh. Đồng thời có thêm chính sách hỗ trợ tiền trọ, nhà ở giá rẻ cho giáo viên, nhất là ở khu vực ngoại thành, để các thầy cô an cư lạc nghiệp, gắn bó với nghề”.
Tại buổi tổ chức lấy ý kiến xây dựng Đề án thu hút giáo viên tiểu học trên địa bàn TPHCM gần đây, Sở GD&ĐT TPHCM đã đưa ra nhiều giải pháp giữ chân và thu hút giáo viên tiểu học như: Hỗ trợ thêm 25% số lương cơ bản, khuyến khích giáo viên có trình độ chuyên môn, cụ thể trình độ tiến sĩ là 1,5 triệu đồng/người/tháng và 1,2 triệu đồng/người/tháng với trình độ thạc sĩ. Đối với giáo viên mới ra trường đề nghị hỗ trợ 100% lương cơ sở/người/tháng, năm thứ hai hỗ trợ 70% và năm thứ ba hỗ trợ mỗi người một tháng 50% lương cơ sở.
Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp, cho rằng, cải thiện thu nhập vẫn là biện pháp căn cơ để giữ chân đội ngũ nhà giáo. Giáo viên tiểu học phải dạy gấp đôi trước đây nhưng thu nhập không đổi thì lâu dần sẽ mất động lực làm việc. Do đó, cần có quy định cụ thể về số tiết nghĩa vụ buổi hai, nếu vượt quá số tiết này phải có hỗ trợ cho thầy cô, trường hợp ngân sách không kham được thì cho phép xã hội hóa.
Ngoài ra, ông Thanh cũng đề xuất tiếp tục duy trì Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND về chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý.
Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, phát biểu: Luật Giáo dục quy định không thu học phí đối với cấp tiểu học, nhưng ngân sách cấp cho cấp học này ngang bằng các cấp học khác. Đặc biệt, trong Chương trình GDPT 2018 dạy học 2 buổi/ngày nên không thu học phí buổi 2 dẫn đến khó khăn về nguồn thu cho các đơn vị, gián tiếp ảnh hưởng thu nhập của giáo viên.
“Hệ số lương khởi điểm của giáo viên mới ra trường là 1,86. Sau khi trừ phí bảo hiểm xã hội, trong năm đầu tiên công tác, mỗi thầy, cô có thu nhập hơn 3,3 triệu đồng/tháng, thấp hơn nhiều so thu nhập bình quân của người dân TPHCM. Do đó cần phải có chính sách cho giáo dục tiểu học để giữ chân và thu hút được đội ngũ giáo viên, trong đó quan trọng nhất vẫn là chính sách hỗ trợ về tài chính…”, ông Lê Hoài Nam nhấn mạnh.
“Để giáo viên tiểu học sống được với nghề, nhà trường cần bố trí thời khóa biểu đảm bảo đúng số tiết dạy/tuần. Số buổi mà giáo viên dự họp, dạy học vượt quá quy định cần được tính tiền phụ trội rõ ràng. Đặc biệt, phải thực hiện xã hội hóa buổi 2. Nếu triển khai dạy buổi 2 thì cần phải thu học phí để tăng thu nhập cho giáo viên. Ngoài ra, chính sách chăm lo đời sống cho giáo viên cần quan tâm các đối tượng đặc biệt như vợ chồng trẻ là giáo viên có nhu cầu cấp thiết về nhà ở, nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn...”. Ông Lê Ngọc Điệp (nguyên Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT TPHCM)