Giáo viên bồi dưỡng đáp ứng chương trình mới
Năm học 2021-2022 là năm vất vả đối với cô Nguyễn Đa Linh cũng như giáo viên khối 2 Trường Tiểu học Nghi Phú (TP Vinh, Nghệ An), do phần lớn thời gian dạy học trực tuyến. Cô Linh cho biết: Học sinh lớp 2 độ tuổi đang nhỏ, ý thức tự học còn hạn chế, tính tập trung chú ý chưa cao. Để dạy học trực tuyến hiệu quả, ngoài áp dụng những gì đã được tập huấn trước đó, tôi còn khai thác, tham khảo nguồn giáo án mẫu, giáo án điện tử. Từ đó có cách bố trí bài dạy, tổ chức hoạt động phù hợp cho học sinh.
Ví dụ môn Tiếng Việt chương trình cũ, các phần đọc, kể chuyện, luyện từ, tập làm văn được phân ra rõ ràng thì nay lồng vào nhau. Khi dạy học, tôi thường xuyên nhắc lại bài cũ cho các em để các em có sự liên tưởng giữa các phần. Với môn Toán có những bài bước đi không tuần tự, cụ thể như cộng trừ, thì tôi có thể kéo dài tiết học hoặc chia thành 2 tiết để dạy kỹ, gọi được tất cả học sinh trong lớp trả lời.
Cũng theo cô Linh, việc học trực tuyến phải ngồi trước màn hình điện thoại hoặc máy tính thời gian dài, không có hoạt động tập thể vui chơi, chắc chắn sẽ gây mệt mỏi nhất định cho các em ở tuổi tiểu học. Vì thế, cô cố gắng tự mày mò, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học. Ví dụ đưa thêm nhiều hình ảnh, clip minh họa để tạo sự thu hút, hứng thú đối với học sinh.
“Từ mục đích ban đầu để học sinh dễ hiểu, dễ hình dung, qua thời gian dạy học, ngược lại chính bản thân tôi cũng nâng cao năng lực dạy học. Linh hoạt hơn trong phương pháp, kỹ năng tiếp cận học sinh, thành thạo sử dụng máy tính và tìm kiếm thông tin trên mạng Internet”, cô Đa Linh chia sẻ.
Giờ dạy học của cô Nguyễn Thị Oanh – GV Trường THCS Nguyễn Trãi (huyện Tân Kỳ, Nghệ An). |
Nghệ An là một trong những tỉnh đi đầu cả nước trong việc tập huấn cho giáo viên. Dù vậy, năm học này do ảnh hưởng của dịch bệnh, công tác tập huấn chuyển sang hình thức trực tuyến cũng khó đạt kết quả như kỳ vọng. Hiện các trường học, đặc biệt là bậc THCS gặp vướng mắc, bất cập trong bố trí giáo viên môn tích hợp.
Cô Nguyễn Thị Oanh – GV Trường THCS Nguyễn Trãi (huyện Tân Kỳ, Nghệ An) hiện đang được giao phụ trách dạy môn tích hợp Khoa học xã hội cùng với 2 giáo viên khác của Trường THCS Nguyễn Trãi. Cô chia sẻ, bản thân luôn nỗ lực tự bồi dưỡng, nâng cao năng lực bản thân, đặc biệt kỹ năng về công nghệ thông tin để cập nhật nội dung, phương pháp dạy học mới, khai thác các nguồn học liệu. Tuy nhiên chuyên ngành đào tạo của mình là giáo dục chính trị. Vì thế, dạy học tích hợp Sử - Địa – GD Công dân như hiện nay sẽ khó tránh những bỡ ngỡ, vướng mắc nhất định, đặc biệt là với các lớp cao hơn sau này.
Hiện ngoài bồi dưỡng về kỹ năng, phương pháp, thì việc nâng cao chuyên môn cô Oanh và các giáo viên phụ trách môn tích hợp khác của trường đang gặp rào cản. Bởi các thầy cô đã đạt chuẩn bằng cấp, trình độ ĐH trở lên, còn năng lực sư phạm tích hợp thì chưa được đào tạo. Vì vậy, giáo viên mong muốn được hành hỗ trợ, hoặc tổ chức các đợt tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn tích hợp, đáp ứng chương trình GDPT 2018.
Nâng cao năng lực giáo viên qua tiếp cận mô hình tiên tiến
Bắt đầu từ năm học 2022-2023, Nghệ An sẽ thí điểm mô hình tiên tiến tại 5 trường học gồm: Trường Mầm non Hoa Sen, Trường Tiểu học Lê Mao, Trường THCS Đặng Thai Mai, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng và Trường Thực hành Sư phạm Vinh, Trường Thực hành Sư phạm (thuộc Trường Đại học Vinh).
Thầy Phan Xuân Phàn – Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cho biết, năm đầu tiên tuyển sinh, nhà trường được giao 5 lớp 10 với 75 chỉ tiêu. Học sinh của lớp tiến tiến có thời khoá biểu học cả ngày. Bao gồm buổi sáng học theo chương trình phổ thông hiện hành của Bộ. Còn buổi chiều học chương trình tiên tiến gồm Tiếng Anh tăng cường, Tin học quốc tế, Toán bằng Tiếng Anh, kỹ năng mềm, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, phát triển năng lực năng khiếu thể dục thể thao, văn hoá và chương trình giáo dục STEM.
Chương trình tiên tiến được cam kết chuẩn đầu ra là 6.0 IELTS đồng thời học chương trình A-Level để thuận lợi trong du học hoặc xét tuyển vào các trường ĐH uy tín của cả nước.
Giáo viên trường tiên tiến sẽ là hạt nhân chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng dạy học đến các trường trong địa phương. |
Thầy Phan Xuân Phàn cho biết thêm, ngoài chương trình tiên tiến, năm học tới, hệ thống TH School cũng đặt 4 lớp 10 đầu tiên của Nghệ An tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. Như vậy, phía nhà trường cũng được hưởng lợi rất nhiều, đặc biệt là trong bồi dưỡng giáo viên. Bởi giáo viên sẽ được tham gia thỉnh giảng, trao đổi chuyên môn, tiếp cận với phương pháp, các mô hình dạy học tiên tiến theo xu hướng hội nhập quốc tế.
Từ đó, nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng sư phạm của giáo viên nhà trường nói chung để đáp ứng dạy học chương trình GDPT 2018. Bởi thực hiện bất cứ mô hình nào, thì chương trình GDPT 2018 cũng là nền tảng cơ bản bắt buộc, với mục tiêu cuối cùng là phát huy năng lực người học.
Đối với cấp tiểu học, THCS, mô hình tiên tiến được xây dựng toàn trường, chứ không thí điểm một số lớp như THPT. Theo đó, từ năm 2022-2023, các trường được chọn sẽ bắt đầu tuyển sinh cho toàn khối đầu cấp, cụ thể là lớp 1 và lớp 6.
Đề án mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế của Nghệ An xây dựng gồm 9 tiêu chí: sứ mệnh tầm nhìn, nội dung chương trình giáo dục, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá, đội ngũ quản lý cán bộ, giáo viên, nhân viên, cơ sở vật chất, hệ thống đảm bảo chất lượng, chuyển đổi số trong quá trình dạy học, chuẩn đầu ra...
Theo ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT, 9 tiêu chí của mô hình trường tiên tiến tại Nghệ An được xây dựng đáp ứng chương trình GDPT 2018 và hội nhập quốc tế, nên hiện đại hơn, đáp ứng nhu cầu người học và mục tiêu của giáo dục địa phương. Với vai trò của ngành, Sở sẽ hướng dẫn, hỗ trợ và giám sát các nhà trường trong quá trình triển khai, về xây dựng chương trình, đào tạo đội ngũ giáo viên…
Khi thành công, trường tiên tiến sẽ là đầu tàu để thúc đẩy giáo dục chung trên địa bàn cùng phát triển. Đó là giáo viên của trường tiên tiến tiếp cận với chương trình giáo dục hiện đại sẽ được nâng cao năng lực, phương pháp dạy học. Đội ngũ này khi luân chuyển về các trường đại trà sẽ là hạt nhân chia sẻ, trao đổi sinh hoạt chuyên môn đến giáo viên khác. Như vậy, các trường học khác cũng sẽ được thụ hưởng thành quả của mô hình tiên tiến.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An, hiện cơ cấu giáo viên trên toàn tỉnh chưa hợp lý. Xu hướng thiếu nhiều giáo viên ở các môn nghệ thuật, Tiếng Anh, Tin học là thực trạng khó khăn của tỉnh khi thực hiện chương trình GDPT 2018. Để đáp ứng chương trình GDPT 2018, những năm qua, ngành đã tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực ứng dụng CNTT vào trong dạy học, thực hiện chuyển đổi số.
Hiện có nhiều giáo viên Tin học của Nghệ An đạt chuẩn quốc tế. Còn với môn Ngoại ngữ, tỉnh triển khai đề án Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó đã tiến hành khảo sát năng lực giáo viên Tiếng Anh toàn tỉnh, cũng như tổ chức nhiều đợt tập huấn, nâng cao năng lực sư phạm và Tiếng Anh cho giáo viên. Giai đoạn tới, tỉnh Nghệ An đặt mục tiêu nâng chuẩn giáo viên. Đồng thời tiếp tục đào tạo đại học văn bằng 2 cho giáo viên để dạy các môn thiếu có chuyên môn gần, phù hợp năng lực giáo viên, đào tạo giáo viên theo chuẩn quốc tế.