GD pháp luật còn xa rời thực tế
Cấp tiểu học (6- 10 tuổi) rất hiếm khi học trò vi phạm pháp luật vì trò nhỏ tuổi, lại được cha mẹ kèm cặp rất chặt. Ở trường, các bé được học môn Đạo đức, kiến thức nhẹ nhàng, cách dạy - học gần gũi, học gắn liền với vui chơi. Cấp THCS và THPT là đáng lo nhất. Hết lớp 9, các em đã có thể đi học nghề để tự kiếm sống, tuy nhiên là tuổi “ăn chưa no - lo chưa tới” còn nhiều bồng bột, dễ sa ngã. Lớp 10; 11; 12 (tuổi 16- 17- 18): nhân cách, lối sống, các thói quen (tốt cũng như xấu) của tuổi vị thành niên đã hình thành rõ nét; nhiều khi các em khá bướng bỉnh, hay cãi người lớn, thích làm theo ý mình, nói chung rất khó dạy bảo…
Rất nhiều những vấn đề tâm- sinh lý độ tuổi này có liên quan chặt chẽ với các hình thức phạm tội. Các em hiểu biết chưa đầy đủ về pháp luật nên rất dễ bị kích động, bị lôi kéo, dẫn đến vi phạm pháp luật. Đôi khi chính bản thân các em cũng không biết lời nói, hoặc hành vi của mình gây ra là phạm tội…
Vậy nên, những câu hỏi đặt ra là: Giáo dục (GD) pháp luật cần dạy với chương trình tinh giản ra sao, dạy ở khối lớp nào các nội dung liên quan đến những vấn đề tâm sinh lý lứa tuổi trên cho phù hợp? Có nên tách riêng GD pháp luật ra khỏi môn GDCD hay không? Nếu tách thì ở khối lớp nào là thích hợp nhất? Hình thức, phương pháp dạy như thế nào cho hiệu quả?
Thực tế việc dạy - học kiến thức pháp luật trong các trường phổ thông hiện nay có rất nhiều vấn đề cần lưu tâm. Thầy Đặng Quang Danh - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong, Châu Thành, Tây Ninh trăn trở: “Bộ môn GDCD lớp 12, đa số kiến thức pháp luật còn chung chung, chưa cụ thể hóa rõ ràng như các bài ở đầu học kỳ I như: “Pháp luật và đời sống” hoặc “Thực hiện Pháp luật”, nên GV chỉ truyền đạt những khái niệm, những vấn đề chung về pháp luật ở phần này…
Trong khi đó, thực tế cuộc sống HS rất cần được trang bị các kiến thức pháp luật cụ thể, thực tế. Ví dụ như HS vi phạm an toàn giao thông vì không đội nón bảo hiểm, thì mức phạt bao nhiêu? Căn cứ vào Luật nào? Chương nào? Điều nào? Hoặc khi sử dụng các trang mạng xã hội Zalo, Facebook…, HS hoàn toàn không biết việc mình nhấn vào các nút trạng thái như Like (thích), Share (chia sẻ)…, một bài viết nào đó là có vi phạm pháp luật hay không?
Nhà trường nói chung, GV dạy pháp luật nói riêng phải từng bước giúp HS biết cách tự đánh giá những hành vi của mình, của mọi người, dựa trên những quy ước đạo đức, quy định của pháp luật. Nếu dạy và học pháp luật không giúp được học trò dần dần hình thành thói quen tuyệt đối tuân thủ pháp luật, ý thức tự giác tham gia vào việc đấu tranh chống mọi biểu hiện tiêu cực, tránh xa các hành vi vi phạm pháp luật, thì coi như dạy học pháp luật kém hiệu quả.
Cần có đội ngũ GV chuyên trách
GV môn GDCD được đào tạo, tốt nghiệp chuyên ngành GD Chính trị, nhưng khi được giao giảng dạy tích hợp các nội dung kiến thức pháp luật cho HS, nhiều người khá lúng túng. Đó là do họ chưa được đào tạo đầy đủ và chuyên sâu về kiến thức pháp luật. Trong khi đó, kiến thức pháp luật (đặc biệt môn GDCD 12 chủ yếu nội dung là GD pháp luật), đòi hỏi tính chính xác và đầy đủ. Thực tế, GV môn GDCD khá non yếu về kiến thức luật pháp, nói gì đến việc cập nhật các kiến thức mới về nhiều bộ Luật mà Quốc hội sửa đổi, bổ sung hàng năm…
Bên cạnh đó, sách giáo khoa, đồ dùng dạy học và tài liệu tham khảo dạy - học GD pháp luật nghèo nàn, không hứng thú… Để đảm bảo nội dung kiến thức cần truyền đạt cho HS được rõ ràng, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu thực tế, nhiều GV dạy GD pháp luật phải tự tìm kiếm qua báo, đài, các trang mạng, hoặc gọi đến tổng đài để cập nhật thông tin mới nhất về các bộ Luật.
Muốn giảm tối đa tình trạng học sinh vi phạm đạo đức và vi phạm pháp luật, các trường học phải thu hút các em vào nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích |
Gần đây, Bộ GD&ĐT đưa môn GDCD vào tổ hợp môn Khoa học xã hội từ kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 cho thấy tầm quan trọng của việc giáo dục kiến thức pháp luật cho HS phổ thông đang được chú ý đề cao, việc học làm người được chú ý song song với việc dạy kiến thức. Giáo viên giảng dạy bộ môn này sẽ được tập huấn, là báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên trong nhà trường. Thủ tướng Chính phủ cũng mới ban hành chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 - 2021. Theo đó, từ nay đến năm 2021, 100% các trường đều triển khai phổ biến, GD pháp luật theo chương trình GD chính khóa và hoạt động ngoại khóa, có giáo viên, giảng viên dạy môn GDCD và pháp luật theo quy định. Đó là tín hiệu đáng mừng.
Cô Mai Ngọc Quyên, GV môn GDCD Trường THPT Ngô Quyền, quận 7, TPHCM đề nghị: Ta đang đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Do đó, từng tiết học GDCD - trong đó có lồng ghép GD pháp luật, GV phải sử dụng những phương pháp giảng dạy thật sự thu hút, hấp dẫn các em, tránh thuyết giảng lý thuyết một chiều theo sách giáo khoa có sẵn. Cần tận dụng ưu thế các phương tiện dạy- học thời công nghệ số, tăng cường sử dụng các hình ảnh trực quan sinh động, cho HS xem và nhận xét về những video liên quan đến tình trạng học trò vi phạm đạo đức và vi phạm pháp luật, qua đó, “đánh” vào cảm xúc, vào lý trí để HS dễ thấy, ấn tượng, nhớ lâu, tự đúc rút kinh nghiệm sống cho mình.
Cô Nguyễn Thị Tình, GV môn GDCD Trường THCS Tân Sơn, Gò Vấp, TPHCM nhấn mạnh: Độ tuổi HS THCS đang tập làm người lớn, tùy nội dung chương trình môn GDCD, GV nên đưa ra nhiều tình huống xảy ra liên quan đến pháp luật trong nhiều lĩnh vực khác nhau với các biểu hiện, hành vi khác nhau trong thực tiễn cuộc sống phù hợp với nội dung bài học… Từ đó giúp các em tự chiêm nghiệm, thảo luận, phân tích, tìm ra nguyên nhân và cách xử lý đúng chuẩn mực đạo đức, đúng pháp luật.
Hiện nay, một số trường phổ thông, trường ĐH, CĐ đã chú ý GD pháp luật cho HS-SV qua những phiên tòa giả định - bám sát một số vụ án có thật liên quan đến tuổi học đường (đã hoặc mới xảy ra gây xôn xao dư luận). Cũng có thể mời luật gia, luật sư, đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật về trường tọa đàm, nói chuyện với HS-SV về tình trạng tuổi trẻ học đường vi phạm pháp luật, để giúp tuổi trẻ nâng cao ý thức tuân thủ luật pháp, phòng ngừa những điều đáng tiếc có thể xảy ra bất kể lúc nào, bất kể ở đâu…