Giải pháp nào chống lạm thu?

Giải pháp nào chống lạm thu?

(GD&TĐ) - Gần đây, dư luận nói nhiều về thực trạng lạm thu trong các nhà trường ở nhiều địa phương đã và đang trở thành vấn nạn nhức nhối trong xã hội, hình ảnh của nhà trường trong cách nhìn nhận của phụ huynh học sinh bị méo mó, hình ảnh người thầy trong cách nhìn nhận của phụ huynh học sinh cũng bị biến dạng.

Có thể dễ nhận ra một điều là trong hội họp, ngoài giờ lên lớp, trên xe buyt hay ở cả các khu chợ, đâu đâu cũng nghe họ (phụ huynh của các bậc học) bàn tán xì xào về câu chuyện trường này, trường nọ; địa phương này, địa phương khác thu nhiều khoản bất hợp lí. Vậy làm thế nào để chống lạm thu? Làm thế nào để kiện toàn bộ máy giáo dục từ TW đến địa phương? Và làm thế nào để trấn an dư luận khi đâu đó vẫn cho rằng nhiều trường loạn thu??? Là người trong ngành, chúng tôi thật sự lấy làm tiếc và bất công khi ở đâu đó thật sự thu – chi đang “ có vấn đề” đã và đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm đức của người thầy, và quan trọng hơn là uy tín cho cả một đời người theo đuổi cái nghề vốn cao quý này.

Theo chúng tôi, muốn lấy lại công bằng cho hơn 1.2 triệu thầy cô giáo trong cả nước, đồng thời lấy lại uy tín cho ngành giáo dục nước nhà, tránh mang tiếng lạm thu cần thiết thực hiện đồng bộ những việc làm sau:

1. Phát huy đúng vai trò của Hội cha mẹ học sinh (HCMHS)

Lâu nay, có một thực tế là HCMHS vẫn tồn tại và hoạt động song hành cùng với các hoạt động của nhà trường, Hội đóng vai trò không nhỏ trong việc phát triển đi lên của nhà trường, chia sẽ và đồng hành rất nhiều với nhà trường trong những lúc khó khăn cũng như niềm vui thắng lợi, sự đóng góp của HCMHS cả về vật chất lẫn tinh thần cho ngành giáo dục là không thể phủ nhận; tuy nhiên vài gần đây, cứ mối dịp khai giảng năm họ mới, lại rộ lên khắp nơi chuyện “loạn thu”, “tận thu” trong ngành giáo dục, nhỏ là chuyện tiền vệ sinh, lao động, nước uống, lớn hơn là chuyện tiền xây dựng, trang bị cơ sở vật chất cho nhà trường. Không ít phụ huynh vẫn mang tâm trạng ấm ức mỗi khi đi họp phụ huynh về đầu năm học cho con.

Dù thâm tâm không muốn nhưng cũng phải nạp hết các khoản phí, khoản quỹ trên cơ sở “tự nguyện” do HCMHS và nhà trường quy định. Thường thì các loại quỹ đóng góp này do thường trực HCMHS phối hợp với BGH nhà trường, chính quyền thống nhất, sau đó được triển khai rộng rãi trong phụ huynh học sinh thông qua Chi hội trưởng của các lớp; thế nên nhiều khi có những ý kiến thắc mắc không đồng tình với khoản đóng nạp nào đó nhưng không giám phát biểu vì những lí do tế nhị khác nhau bởi có người thì ngại hoặc không có khả năng phát biểu trước đám đông, một số khác thì e ngại nếu phát biểu góp ý kiến hoặc đấu tranh thì sợ con em mình ít được thầy cô quan tâm hoặc bị thầy cô “trù”.

Thế là họ đành “ngậm đắng nuốt cay”, “ngậm bồ hòn làm ngọt” nạp cho được việc cho dù những khoản tiền này là quá cao so với mức thu nhập của họ, để rồi khi rời khỏi hội nghị mới nói bóng, nói gió ậm ực như nuốt phải hòn bi…

Thế nên, tôi nghĩ, muốn chống lạm thu trước hết HCMHS phải phát huy được vai trò trách nhiệm của mình, tráng tình trạng như hiện nay Hội phụ huynh ở một số nơi trở thành "Hội phụ thu"!!!Muốn vậy, ngay từ Hội nghị phụ huyng đầu năm, HCMHS phải thống nhất được tiếng nói và cách làm việc, nghĩa là các loại đóng nạp phải được xây dựng trên nguyên tắc dân chủ, công khai, có sự thảo luận, bàn bạc kỹ càng của các bậc phụ huynh và nếu qua cuộc thảo luận đó có mức đóng nộp nào cao quá so với thu nhập bình quân của địa bàn dân cư đó sinh sống hoặc có khoản quỹ nào đó mà phụ huynh thấy không cần thiết thì phụ huynh cần phải có ý kiến để thay đổi cho phù, chứ không được phản ứng bằng cách im lặng thì sẽ càng không có lợi cho mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường lấy thiểu số phục tùng đa số từ đó mới đi đến thống nhất cuối cùng các khoản đóng nạp.

Ở ta vẫn tồn tại một thực tế là không ít cán bộ phụ huynh thường khi hội họp thì không giám phát biểu ý kiến, ngược lại khi ngoài hành lang thì phản ứng không thương tiếc. Đó cũng là căn bệnh không dễ chữa…

Bên cạnh đó, theo chúng tôi nhà trường khi đã có sự bàn bạc thống nhất của HCMHS trên cơ sở tự nguyện rồi thì cũng cần có cách thu đúng, thu đủ và thực hiện việc giãn thu cũng là cách để nhà trường chia sẽ với phụ huynh, vì gần gũi với phụ huynh chúng tôi biết, với mức thu nhập của người nông dân hiện nay, chỉ cần trong gia đình có vài ba đứa con đi học quả thật họ rất khó khăn. Còn số lượng gia đình khá giả chỉ là thiểu số, đặc biệt là địa bàn nông thôn, miền núi.

Hình chỉ mang tính minh họa (ảnh Internet)
Hình chỉ mang tính minh họa (ảnh Internet)

2. Cần minh bạch, công khai các khoản thu – chi trong nhà trường.

Có thể nói không ngoa rằng, với cơ chế hiện nay trong ngành giáo dục, việc minh bạch và công khai các khoản thu – chi của nhà trường có ý nghĩa hết sức cần thiết không chỉ đối với phụ huynh học sinh mà còn cả với cán bộ giáo viên trong các đơn vị, các cơ sở giáo dục; bởi đây không chỉ là vấn đề trực tiếp liên quan đến quyền lợi, đến cơm, áo, gạo, tiền của họ mà quan trọng hơn là tạo dựng ra niềm tin, giải phóng về tư tưởng cho họ, mà khi tư tưởng được giải phóng thì tình cảm và nhận thức việc làm sẽ đi đôi với nhau.

Thực tế chỉ ra rằng, đã có không ít đơn vị, cơ quan, trường học mất đoàn kết nội bộ, thậm chí tố cáo lẫn nhau cũng chỉ vì vấn đề thu – chi không được công khai minh bạch, công tác báo cáo thu chi thì qua loa, đại khái, không rõ ràng, không có các văn bản kèm theo, thậm chí có những đơn vị (mà báo chí đã nêu) nhiều năm liền không báo cáo tài chính qua mỗi năm học, điều này không chỉ gây bức xúc trong dư luận mà suy cho cùng còn vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng dễ dàng thấy rằng, với cơ chế mở và nhu cầu đòi hỏi hiện nay của đổi mới nền giáo dục, nhà nước không thể gồng mình ôm trọn gói để bao cấp cho giáo dục như trước đây, vì thế thông qua công tác xã hội hóa để thực hiện việc huy động nguồn lực trong nhân dân đầu tư cho ngành giáo dục là công việc hết sức cần thiết, mang tính nhân văn sâu sắc.

Thuở chúng tôi còn là học sinh tiểu học, cách đây vài chục năm; tôi nhớ như in cứ đến mỗi đầu năm học hình ảnh của bố mẹ chúng tôi phải vác từng cây tre, cây nứa, phải kẹp từng chiếc tranh kè, góp từng nắm lạt, rơm rạ đến làm trường, xây dựng tường vôi, vách đất để có phòng học, nhưng ai cũng vui lòng làm và làm có hiệu quả với mong muốn con em mình có phòng để che nắng che mưa, có điều kiện học tập tốt hơn vì ai cũng thấy được sản phẩm do tự tay mình làm ra.

Nhưng hiện nay, nhiều trường được xây dựng khang trang, cơ sở vật chất được đầu tư bài bản, các dự án cấp trên rót về xây dựng cũng rất lớn nhưng năm nào cũng tiếp tục làm công tác xã hội hóa, thu nhiều khoản đóng nộp của phụ huynh, trong lúc đó công tác công khai tài chính không rõ ràng, phụ huynh không được biết tiền của họ đóng nạp được xây dựng mới những công trình gì, sữa chữa tu bổ những gì, số tiền dôi dư bao nhiêu, dẫn đến hệ lụy là bức xúc trong dư luận là điều không thể tránh khỏi. Bởi vậy, theo tôi hàng năm

3.Cần xử lí những người sai phạm để làm gương cho xã hội

Trong bài trả lời phỏng vấn của báo chí mới đây GS.TS Phạm Tất Dong – Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đã thẳng thắn nói rằng “cần phải cách chức hiệu trưởng làm sai”. đây là một quan điểm rất cứng rắn và đúng đắn bởi có tác dụng răn đe rất lớn khi mà rất nhiều cơ quan đơn vị hiện nay công tác thu - chi có vấn đề, bởi thế “một tấm gương sẽ có tác dụng hơn gấp trăm bài diễn thuyết”.

Tuy nhiên, theo chúng tôi, quan điểm này cũng cần phải xem lại tính khả thi của nó, vì thực tế là việc cách chức một hiệu trưởng nào đó làm sai quy định không phải là chuyện dễ dàng bởi nhiều lí do chủ quan và khách quan. Thế nên, trước khi nói đến chuyện kỷ luật xử lí một ai đó để làm gương, nhất là các vị Hiệu trưởng làm sai trái với quy định của cấp trên, thì hơn bao hết, cần hơn một cơ chế rõ ràng. Khi có cơ chế, thiết chế rõ ràng mà vẫn vi phạm thì cần có biện pháp mạnh tay để lấy lại công bằng cho giáo dục, giữ gìn sự trong sáng cho sự nghiệp trồng người, cho nghề mãi cao quý như một phần thưởng tất yếu, cao quý như vốn có của nó.

Tuy nhiên có sự khập khiểng mà chúng tôi nhận thấy trong các văn bản luật; chẳng hạn Điều 105 Luật giáo dục nêu rõ “ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh, người học hoặc gia đình người học không phải đóng góp khoản tiền nào khác”. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT thì các trường lại “được huy động nguồn đóng góp của tổ chức, cá nhân và phụ huynh học sinh để cải tạo, nâng cấp và xây dựng các công trình phụ trợ như nhà vệ sinh, sân, cổng trường, tường bao, nhà để xe… hoặc mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy - học”.

4.Điều chỉnh mức thu học phí hợp lý hơn.

Một thực tế là những năm gần đây, nếu như học phí – khoản đóng góp chính thức của người học, nhất la bậc THPT còn quá thấp so với thực tế thu nhập và mức sống xã hội thì ngược lại các khoản thu khác lại quá cao, ví dụ học phí bậc THPT lớp 10 là 16.000đ/1 tháng; lớp 11 là 18.000đ/1 tháng, lớp 12 là 20.000đ/1 tháng thì tiền bảo hiểm y tế bắt buộc lại lên đến 184.000đ/1 năm (năm 2010-2011) và con số đó tăng lên 209.200đ năm (2011-2012).

Bên cạnh đó các khoản tiền đóng góp với danh nghĩa “tựnguyện”, “ủng hộ” như tiền xây dựng, nhà xe, xe đạp, nước uống, quỹ phụ huynh và các loại quỹ khác cộng lại còn cao gấp mấy lần so với học phí (…) thì rõ ràng phụ huynh và dư luận bức xúc cũng là điều dễ hiểu!

Bởi vậy, theo chúng tôi, trên tinh thần quy định của Luật giáo dục hiện nay, Chính phủ cần phải đổi sao cho tiền đóng học phí – khoản đóng bắt buộc chính thức phải tăng lên sao cho xứng đáng với “đồng tiền bát gạo” – đủ phần lớn cho trang trải hoạt động dạy-học của nhà trường, đồng thời sẽ quy định cấm các khoản thu không chính đáng hiện nay đã và đang gây ra nhiều bức xúc cho dư luận chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ trong việc chống tình trạng lạm thu như hiện nay.

Phan Anh Tú

(Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ