Giải pháp nào cho vấn đề ô nhiễm tiếng ồn vì nuôi yến trong nhà?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -  Nghề nuôi chim yến mang lại nguồn lợi lớn nhưng đồng thời cũng đặt ra bài toán khó vì ô nhiễm tiếng ồn.

Cần đảm bảo phát triển vùng nuôi chim yến không gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Cần đảm bảo phát triển vùng nuôi chim yến không gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Nguồn lợi lớn

Nghề nuôi chim yến trong nhà tại Việt Nam được hình thành và phát triển trong khoảng thời gian từ năm 2004 đến nay. Ban đầu, công việc được phát triển một cách ngẫu nhiên tại một số khu vực ven biển thuộc miền Trung và Tây Nam bộ. Nhờ điều kiện sinh trưởng phù hợp, nhiều đàn yến đã đến tìm thức ăn và dần dần xây tổ, làm chỗ trú ngụ.

Nhận thấy nguồn lợi khổng lồ từ loài chim quý, nhiều chủ thể, cơ sở chăn nuôi thuộc 42/64 tỉnh thành khắp cả nước, điển hình như Hải Phòng, Thanh Hoá, nhiều tỉnh khu vực phía Nam và vùng Tây Nguyên đã đẩy mạnh đầu tư, khai thác.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Yến sào Việt Nam, hiện trên địa bàn cả nước có hơn 24.000 nhà yến được đi vào hoạt động, mang lại sản lượng khoảng 200 tấn/năm, tương đương giá trị kinh tế ước tính hơn 4.000 tỷ đồng.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, địa phương hiện có khoảng 67.577 cơ sở chăn nuôi, trong đó có 331/607 cơ sở nuôi chim yến thuộc khu vực nội thành; tập trung chủ yếu ở huyện châu thành, huyện Dương Minh Châu, Thành phố Tây Ninh,…Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai cho hay vào năm 2022, toàn tỉnh có 933 hộ nuôi chim yến với hơn 1.000 nhà yến; tập trung chủ yếu ở các huyện Trảng Bom, Xuân Lộc, Tân Phú, Định Quán và Thành phố Long Khánh.

Riêng tại tỉnh Bình Phước đã có khoảng 1.400 cơ sở chuyên dẫn dụ, khai thác chim yến; tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Lộc Ninh, Đồng Phú, Thành phố Đồng Xoài, Thị xã Chơn Thành, Thị xã Phước Long, Thị xã Bình Long,…

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bình Phước, không chỉ đem đến lợi nhuận cho nhà đầu tư, nghề nuôi yến còn tạo ra nguồn nguyên liệu dồi dào, giúp các đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm chế biến, đặc biệt là mặt hàng yến xuất khẩu tăng trưởng mạnh. Các ngành nghề dịch vụ hỗ trợ như xây dựng nhà yến, sản xuất loa âm ly, công nghiệp chế biến yến sào, các loại thuốc sinh học, vi sinh vật, chất tạo mùi,… theo đó cũng phát triển.

Nguy cơ ô nhiễm tiếng ồn

Nghề nuôi chim yến đang được Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cũng như toàn xã hội đặc biệt quan tâm. Các địa phương có lợi thế về điều kiện tự nhiên và phù hợp về điều kiện môi trường sinh thái đều có kế hoạch hướng đến đầu tư khu vực chăn nuôi, nhằm phát triển và nâng cao sản lượng đàn.

Thế nhưng bên cạnh hiệu quả kinh tế mang lại, thời gian qua, chính quyền các địa phương nơi phát triển nghề nuôi yến trong nhà cũng ghi nhận không ít lời phàn nàn từ người dân liên quan đến việc cơ sở chăn nuôi phát loa dẫn dụ, gây ô nhiễm tiếng ồn và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Ông N.A.T (SN1965, trú tại Thị xã Phước Long, Bình Phước) cho biết, địa phương là một trong những khu đô thị tập trung nhiều cơ sở chăn nuôi chim yến nhất của tỉnh. Song, một số đơn vị lại có xu hướng kết hợp giữa cơ sở chăn nuôi với nhà ở, các công trình gần khu dân cư.

Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của bà con trên địa bàn, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm tiếng ồn. Anh V.Q.C (SN1989, trú tại Thị xã Bình Long, Bình Phước) cho hay, vốn mắc chứng khó ngủ và thường xuyên mất ngủ, việc một số cơ sở chăn nuôi phát loa dẫn dụ yến khiến cuộc sống anh chịu nhiều ảnh hưởng.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), tiếng ồn gây nên nhiều thương tổn ở bộ phận thần kinh của cơ quan thính giác. Nghiên cứu y học cũng cho thấy những người thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn, ngưỡng đáp ứng của thần kinh thính giác tăng, dẫn đến mất khả năng nhạy cảm thông thường, dần dần không cảm ứng được với âm tần có cường độ thấp. Ngoài ra, việc thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn có độ lớn trên 80 decibel có thể làm giảm thính lực.

Giải pháp nào để hài hòa lợi ích?

Những nhà yến cách khu dân cư dưới 300m, chủ cơ sở không được phép sử dụng loa phát thanh.

Những nhà yến cách khu dân cư dưới 300m, chủ cơ sở không được phép sử dụng loa phát thanh.

Duy trì hiệu quả mô hình phát triển chim yến nhưng phải đảm bảo môi trường sinh hoạt cho các hộ dân xung quanh là bài toán cả Hiệp hội yến sào lẫn các cơ quan chức năng địa phương đang nỗ lực giải.

Ông Lê Thành Đại - Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam cho biết, Hiệp hội đang nghiên cứu, lấy ý kiến các địa phương để đóng góp giải pháp quản lý trong thời gian tới. Trước mắt, đại diện Hiệp hội kiến nghị, các cơ sở cần thực hiện nghiêm những qui định đã có trong Luật Chăn nuôi 2018, Nghị định số 13/2020/NĐ-CP và không để phát sinh nhà yến mới trong đô thị, khu dân cư.

Về lâu dài, các cơ sở hiện hữu đang ở trong khu dân cư sẽ giữ ổn định tổng đàn khi nhà yến đã có từ 2000 chim. Nếu sản lượng tổ yến khai thác đạt 5kg/tháng trở lên, chủ cơ sở chỉ được sử dụng loa miệng hang để duy trì bầy đàn hiện có. Không phát loa nóc (loa phóng, loa lục giác, bát giác, tứ giác) để dẫn dụ chim mới. Bên cạnh đó, không chỉ chú trọng đến vấn đề ô nhiễm tiếng ồn, chủ cơ sở chăn nuôi cần thường xuyên vệ sinh nhà yến theo đúng định kỳ và phòng ngừa dịch bệnh dựa trên hướng dẫn của ngành thú y.

Tỉnh Tây Ninh cũng đã ban hành nghị quyết quy định khu vực không được phép chăn nuôi và vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh. Theo đó, những khu vực thuộc nội thành, nội thị của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi, xây dựng vùng nuôi chim yến. Việc tổ chức hoạt động chăn nuôi chim yến trên địa bàn cần được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời đảm bảo khoảng cách ít nhất 300m so với khu dân cư.

Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh cũng điều phối Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp cùng với các đơn vị có liên quan thẩm định vị trí xây dựng nhà yến theo quy định tại Nghị định 13/2020/NĐ-CP của Chính phủ và nghị quyết của HĐND tỉnh.

Liên quan đến vấn đề giảm thiểu tiếng ồn, Sở NN - PTNT Bình Phước cũng thông tin cho biết, tỉnh sẽ sớm triển khai quy hoạch vùng nuôi chim yến trên địa bàn theo Nghị định số 13/2020/NĐ-CP; Đảm bảo các cơ sở dẫn dụ, khai thác chim yến có thiết bị phù hợp; máy móc tại nhà xưởng, hệ thống quản lý theo dõi được cấp mã số để truy xuất; đồng thời phát triển vùng nuôi chim yến, vệ sinh nhà yến không gây ảnh hưởng đến đời sống người dân tại khu vực.

Các ngành chức năng của tỉnh Bình Phước cũng tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý, đánh giá chất lượng âm thanh theo khung giờ đối với các nhà yến hoạt động cách khu dân cư trên 300m; đồng thời không cho phép sử dụng loa phát thanh đối với nhà yến cách khu dân cư dưới 300m.

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), ảnh hưởng của tiếng ồn đến sức khỏe con người được xếp thứ hai, chỉ sau bụi. Nhằm tránh tác động tiêu cực đến sức khỏe, WHO khuyến cáo tiếng ồn trung bình tại khu vực dân cư vào ban đêm không nên vượt quá 40 decibel.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.