Giải pháp nâng cao chất lượng dạy học Ngoại ngữ

GD&TĐ - Cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, trong đó có cải thiện điểm thi tốt nghiệp THPT.

Giờ học tại Trường THPT Ban Mai, Hà Đông, Hà Nội.
Giờ học tại Trường THPT Ban Mai, Hà Đông, Hà Nội.

Hài hòa giáo dục chính khóa, ngoại khóa

Theo ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long, cấp ủy, chính quyền và ngành Giáo dục cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập ngoại ngữ trên cả 2 phương diện là giáo dục chính khóa và giáo dục ngoại khóa. Trong đó, giáo dục chính khóa là nền tảng, giáo dục ngoại khóa là mũi đột phá.

Cụ thể, phải tăng cường các chương cho trẻ làm quen ngoại ngữ ở bậc học mầm non, vì theo nghiên cứu trẻ càng tiếp cận với ngoại ngữ sớm thì càng hiệu quả. Đồng thời, nâng cao chất lượng giảng dạy ngoại ngữ theo chương trình hiện hành tại các cơ sở giáo dục. Tăng cường cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính và huy động các nguồn lực trong, ngoài nước để đầu tư mở rộng cả về số lượng, chất lượng các viện/trường/trung tâm/cơ sở giảng dạy ngoại ngữ ngoài công lập có uy tín, có năng lực giảng dạy ngoại ngữ theo hướng tiếp cận với trình độ quốc tế.

Ngoài ra, ông Trịnh Văn Ngoãn đề nghị Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu xây dựng trung tâm khảo thí quốc gia hoặc trung tâm khảo thí tư nhân có uy tín để tổ chức khảo sát, đánh giá năng lực ngoại ngữ của người học theo chuẩn quốc gia và quốc tế.

Các cơ quan quản lý cần tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động giảng dạy và tổ chức thi cấp chứng chỉ của các đơn vị (cả công lập và ngoài công lập) để hoạt động này đi vào nền nếp, thực chất. Kiên quyết xử lý nghiêm các đơn vị sai phạm, bảo đảm quyền lợi của người dạy, người học và nhà tuyển dụng.

Mặt khác, các cấp quản lý cũng cần tập trung tuyên truyền lợi ích và tầm ảnh hưởng của việc học ngoại ngữ để phụ huynh quan tâm, tạo điều kiện cho con em mình học ngoại ngữ từ sớm.

Đây cũng là cơ hội để các nhà đầu tư nhận thấy tiềm năng và tham gia đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục ở các địa phương, nhất là các địa phương còn gặp khó khăn khi tổ chức giảng dạy ngoại ngữ ngoại khoá.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần thay đổi tiêu chuẩn, điều kiện để đánh giá năng lực ngoại ngữ của người lao động tại đơn vị mình. Mục đích từng bước làm giảm, tiến tới xoá bỏ tình trạng chạy theo bằng cấp nhưng không quan tâm đến chất lượng giảng dạy và năng lực thực tế của người lao động.

Ảnh minh họa/ITN.

Ảnh minh họa/ITN.

Để tăng kết quả thi ngoại ngữ tốt nghiệp THPT

Là giáo viên giảng dạy ngoại ngữ khối 12 cho cả lớp chọn và lớp chống điểm liệt, cô Đinh Thị Bích Liên, Tổ phó Tổ Ngoại ngữ, Trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp (Hà Nội) cho rằng, bên cạnh đổi mới chương trình, nỗ lực của giáo viên, thì sự nỗ lực, cố gắng của học sinh là vô cùng quan trọng. Những học sinh không có năng khiếu càng đòi hỏi nhiều hơn sự kiên trì, quyết tâm của cả thầy và trò.

Để nâng cao kết quả ngoại ngữ thi tốt nghiệp THPT, cô Đinh Thị Bích Liên cũng nhắc đến sự hậu thuẫn, tạo mọi điều kiện của nhà trường. Đơn cử như tổ chức cho học sinh cuối cấp thi thử hàng tháng, để các em soi lại mình xem còn hổng kiến thức nào để có kế hoạch ôn tập, lấp dần hổng kiến thức đó. Hoặc nhà trường mở các lớp phụ đạo cho học sinh yếu; có những buổi nói chuyện giúp học sinh hiểu được tầm quan trọng của việc có tấm bằng tốt nghiệp, từ đó nỗ lực nâng cao điểm thi.

Chia sẻ giải pháp của ngành Giáo dục Hòa Bình, bà Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: ngay đầu năm học, các nhà trường xây dựng kế hoạch ôn thi tốt nghiệp THPT phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị và năng lực học sinh (dựa trên đánh giá, rút kinh nghiệm công tác ôn thi tốt nghiệp THPT các năm học trước, tình hình thực tế của nhà trường…).

Lãnh đạo trường chỉ đạo tổ, nhóm chuyên môn và giáo viên dạy các môn thi tốt nghiệp THPT xây dựng chi tiết nội dung tài liệu ôn tập, phân loại rõ từng cấp độ nhận thức (nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao). Tập trung ôn tập các nội dung kiến thức nhận biết, thông hiểu thường có trong đề thi, đáp ứng mục đích nâng cao chất lượng của kỳ thi.

Để tập dượt cho kỳ thi tốt nghiệp, nhà trường tổ chức cho học sinh làm các bài khảo sát theo đề chung, được tổ chức tương tự như kỳ thi tốt nghiệp THPT. Sử dụng các bộ đề do cốt cán cấp tỉnh xây dựng đảm bảo theo ma trận đề minh họa và đề thi tốt nghiệp của Bộ GD&ĐT các năm học trước. Sau khi có kết quả, các đơn vị trường học đánh giá lại kiến thức của học sinh để có kế hoạch ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đạt kết quả cao nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ