Giao lưu văn hóa giáo dục tạo thêm động lực học ngoại ngữ

GD&TĐ - Giao lưu văn hóa, giáo dục đã trở thành hoạt động ngoại khóa ý nghĩa quan trọng, cơ hội tuyệt vời để HS được tiếp thêm động lực học ngoại ngữ.

Học sinh Nhật Bản có nhiều ấn tượng tốt đẹp về Hà Nội và Việt Nam. Ảnh: NVCC
Học sinh Nhật Bản có nhiều ấn tượng tốt đẹp về Hà Nội và Việt Nam. Ảnh: NVCC

Trải nghiệm đáng nhớ

Tháng 8/2023, đoàn học sinh Fukuoka, Nhật Bản có hành trình giao lưu văn hóa bổ ích, lý thú và đầy ý nghĩa tại Hà Nội trong chương trình giao lưu văn hóa, giáo dục giữa hai thành phố. Điểm nhấn của hành trình năm nay là 41 học sinh Nhật Bản được 41 gia đình Việt Nam đón về nhà chăm sóc.

Ở mỗi gia đình Việt Nam sẽ có một người bạn Việt Nam cùng trang lứa với học sinh Nhật Bản. Việc giao lưu, kết nối không dừng lại ở ngôn ngữ, mà còn có sự giao thoa, học hỏi văn hóa, giáo dục hai nước. Từ đây, một hành trình với nhiều trải nghiệm thú vị mới thực sự bắt đầu.

Chia sẻ về những ngày vui vẻ bên cô bạn đến từ Nhật Bản, Đoàn Lê Khánh Chi - học sinh lớp 12C3 Trường THPT Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) - cho biết: Ở bữa cơm đầu tiên, gia đình em đã mời bạn thưởng thức những món ăn đậm hương vị Việt như đậu phụ sốt hành, nem rán, rau muống xào, thịt kho tàu, canh cá chua.

Những ngày sau đó, em lên kế hoạch chi tiết mời bạn các món ăn đặc trưng ẩm thực Hà Nội gồm: Phở, bún thang, bún chả, bánh xèo, kem Tràng Tiền. Những ngày lang thang tham quan Hà Nội cùng bạn đã giúp em rèn luyện nhiều kĩ năng ngoại ngữ, hiểu cách giao tiếp người Nhật. Bạn đã thưởng thức và liên tục dành lời khen ngợi tới hương vị ẩm thực Việt.

Khánh Chi chia sẻ: “Ban đầu, em hơi ái ngại khi có người lạ về nhà. Nhưng cùng bạn ăn uống, tham gia các sinh hoạt khác, em phát hiện mình và bạn có nhiều đặc điểm, sở thích giống nhau. Em học hỏi từ bạn nhiều điều từ sự tự giác, hòa đồng đến tính cách tự lập. Đây là trải nghiệm rất tuyệt vời mà em có”.

Theo Khánh Chi, hành trình hướng dẫn người bạn mới từ đất nước Hoa anh đào tham quan các di tích văn hóa, lịch sử tại Hà Nội đã được em và các bạn thiết kế kỹ càng dưới sự tư vấn của thầy cô. Dù không cùng ngôn ngữ nhưng các em nhanh chóng thân thiết, kể cho nhau nghe những câu chuyện thú vị về thầy cô, bạn bè, gia đình.

Với Nguyễn Hà My - học sinh lớp 12 Nhật, Trường THPT Chu Văn An, kỷ niệm cùng các bạn Nhật Bản tham quan những danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở Hà Nội như Hồ Gươm, làng gốm Bát Tràng, Nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng Dân tộc học... để lại cho em nhiều cảm xúc tốt đẹp; em coi đó là hành trang vô cùng quý giá trong tương lai.

Còn Phạm Nguyễn Hạnh Dung - học sinh lớp 11D6, Trường THPT Việt Đức - bộc bạch: Tham gia chương trình, em tự tin trò chuyện với các bạn Nhật, có thêm cơ hội tìm hiểu văn hóa nước Nhật. Nhân đây, em giới thiệu tới các thầy cô, bè bạn đến từ Nhật Bản ngôi trường THPT Việt Đức với các hoạt động thể thao, học tập, ngoại khóa...

“Bình thường, con vốn ít nói nhưng khi có bạn Nhật Bản đến nhà thì nhanh nhẹn, năng động hơn rất nhiều. Tôi đã nấu những món ăn Việt Nam ngon nhất để mời những người bạn Nhật Bản. Tôi thấy đây là chương trình ý nghĩa, không chỉ với trẻ nhỏ, mà với cả phụ huynh…” – chị Lê Hương Liên, một trong 41 phụ huynh đón học sinh Nhật Bản về nhà mình trong khuôn khổ chương trình giao lưu cho biết.

Đoàn học sinh Nhật Bản cùng các bạn học sinh Việt Nam tham quan Bảo tàng Dân tộc học. Ảnh: NVCC

Đoàn học sinh Nhật Bản cùng các bạn học sinh Việt Nam tham quan Bảo tàng Dân tộc học. Ảnh: NVCC

Mở rộng hợp tác

Bày tỏ cảm xúc trước trải nghiệm lần đầu, Honori Matsushima, một thành viên trong đoàn Fukuoka, chia sẻ: Những ngày ở Việt Nam giao lưu với các bạn học sinh Hà Nội thật tuyệt vời. Đây là cơ hội quý để em hiểu về Hà Nội, những địa danh nổi tiếng như Văn Miếu, Hồ Gươm... Sau chuyến đi này em muốn sớm trở lại Việt Nam. Mọi người ở đây đều rất tốt với em.

Mizuki Ishibashi, một thành viên khác, bày tỏ: Em vui khi tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa tại Hà Nội trong những ngày qua. Em hy vọng, các chương trình trao đổi giữa 2 nước sẽ tiếp tục mở rộng và liên tục hơn nữa để học sinh 2 thành phố có cơ hội trở thành “sứ giả”, giới thiệu văn hóa đặc sắc nước mình với nước bạn.

Cô Nguyễn Bội Quỳnh - Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức - cho hay, việc tham gia những chương trình trao đổi sẽ giúp học sinh của trường có thêm cơ hội trau dồi, rèn luyện ngoại ngữ để các em trở thành những “sứ giả” giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của Hà Nội tới Nhật Bản nói riêng và bạn bè quốc tế nói chung.

Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng, cô Nguyễn Thị Nhâm Huyền, chia sẻ: Chương trình trao đổi, giao lưu văn hóa giữa Hà Nội và Fukuoka năm 2023 đã kết thúc thành công. Sau 1 tuần tham gia nhiều hoạt động, các học sinh đến từ Fukuoka và học sinh, giáo viên của 5 trường THPT ở Hà Nội đã có nhiều cảm xúc, kỉ niệm.

Ông Tomoyuki Mizoguchi - Trưởng đoàn Nhật Bản - nhấn mạnh: Đây là trải nghiệm quý giá của đoàn chúng tôi. Những trải nghiệm thực tế là bài học giá trị trên con đường trưởng thành của các học sinh. Kết thúc chuyến đi đầy ý nghĩa và kỷ niệm, đoàn sẽ quay trở lại Nhật Bản, chuẩn bị chương trình tiếp đón các bạn học sinh của Hà Nội vào tháng 10 tới đây.

Theo ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, chương trình giao lưu văn hóa, giáo dục đặc biệt có ý nghĩa với học sinh Hà Nội từ nhiều năm nay. Với mục tiêu đào tạo công dân toàn cầu, Hà Nội sẽ cùng các quốc gia khác trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Mỹ... tăng cường thực hiện các chương trình trao đổi, nhằm nâng cao kiến thức và mở ra chân trời rộng mở cho các em.

Thời gian tới, Sở GD&ĐT Hà Nội tiếp tục mở rộng chương trình này tại các trường ngoại thành nhằm thu hẹp khoảng cách về giáo dục giữa vùng nông thôn và thành thị, từ đó tạo điều kiện giao lưu, học tập, tìm hiểu văn hóa cho học sinh. Mong phụ huynh sẽ cùng đồng hành với ngành Giáo dục Hà Nội để tổ chức thêm nhiều chương trình ý nghĩa.

Chương trình giao lưu văn hóa, giáo dục Hà Nội - Fukuoka năm 2023 giữa học sinh THPT của Hà Nội, Việt Nam và Fukuoka, Nhật Bản là hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Cùng việc tham quan các di tích, điểm du lịch văn hóa, đoàn học sinh, giáo viên Fukuoka cũng đến thăm 5 trường THPT đã và đang hợp tác nhằm tìm hiểu thực trạng giáo dục Việt Nam ở nhiều khía cạnh khác nhau, qua đó học hỏi triệt để và áp dụng vào giáo dục Nhật Bản thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...